Thường thì tâm chúng ta rất nhỏ hẹp, làm gì được một lúc thì thấy mỏi mệt nên không phải là tâm Bồ-tát. Hoặc cho là người này dễ dạy nên độ, còn người kia không dễ dạy thì không độ, hay là do chúng ta thương người này nên độ, không thương người kia nên thôi không độ v.v…, như vậy là chưa phải tâm Bồ-tát. Theo tinh thần này, người tu hành phải thệ nguyện phát tâm độ hết chúng sanh không chừa, không sót một ai, được vậy tâm mới rộng lớn và càng ngày càng mở rộng lớn thêm. Nhưng chúng ta chỉ sống theo tâm hạn hẹp trong cái ngã của mình nên ai dễ dạy thì độ, ai khó dạy thì không độ; người thân với mình thì độ còn nghịch thì không độ. Hay chỉ độ một số vừa phải, độ nhiều sẽ đưa đến mệt mỏi, đó là tâm cạn hẹp, còn theo tinh thần này dạy chúng ta mở tâm rộng lớn đến không bờ mé.
Trên đường tu, do chúng ta thấy chúng sanh tâm của mình khó điều phục, rất khó độ, chính đây khiến chúng ta càng thấy rõ trên đường giác ngộ chúng ta còn cái gì? Còn những niệm chấp ngã vi tế, chưa thấu triệt được lẽ thật, tức là chưa thấu triệt trọn vẹn theo tinh thần như kinh Kim Cang nói: "Chúng sanh tức phi chúng sanh" (Chúng sanh không phải là chúng sanh). Bởi tự tánh chúng sanh vốn là Niết-bàn, hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Vậy thì chúng ta thấy rõ cội nguồn của chúng sanh là Phật tánh nên danh từ chúng sanh này chỉ là tạm thời chứ không thật có, không cố định. Nhờ thấu hiểu được rồi nên tâm không lo sợ chúng sanh độ không hết và tâm giác ngộ càng thêm sáng tỏ.
Nếu thấy chúng sanh nhiều nên khó độ, tức là còn thấy chúng sanh thật. Mà còn thấy thật thì trái với lý của kinh Bát-nhã và kinh Kim Cang, và như vậy thì sự giác ngộ của chúng ta cũng chưa thấu triệt đến viên mãn. Cho nên, khi đã thấu rõ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, vậy cội gốc của chúng sanh là Phật tánh còn "chúng sanh này" là cái tạm đặt tên.
Theo tinh thần của Bát-nhã thì chúng sanh vốn là tánh không, không thật có, nên không phải lo sợ là độ không hết. Và tuy nói là độ nhưng thật ra không có cái gì để độ hết, chỉ là nhắc lại cho mỗi người nhớ là mình sẵn có Phật tánh, nhờ vậy chúng ta không phải lo sợ mà còn giúp mở sáng trí tuệ Bát-nhã thấu được lẽ thật của chúng sanh. Phật dạy trong Tiểu phẩm Bát-nhã: "Tất cả chúng sanh xưa nay là thanh tịnh. Giả sử khiến cho chư Phật ở trăm ngàn muôn kiếp xướng to lên: "Chúng sanh chúng sanh" cũng không thể quyết định có chúng sanh có thể được".
Với con mắt Bát-nhã, Phật thấy chúng sanh xưa nay là thanh tịnh. Vậy thì cái gọi là "chúng sanh này" là cái điên đảo vọng tưởng, còn cái thật vốn là thanh tịnh. Cho nên, Phật xác định rõ là giả sử khiến cho chư Phật ở trăm ngàn muôn kiếp xướng lên rằng: "Chúng sanh chúng sanh", nhưng chúng sanh cũng không thể nào là thật có được, chính Đức Phật đã xác định rõ như vậy. Bởi cái mà chúng ta gọi là chúng sanh này chính là cái điên đảo vọng tưởng chứ không có thật thể, cái thật của chúng ta xưa nay vốn là thanh tịnh sáng suốt.
Đây kinh nói: "Lại giả sử không phải một Đức Phật mà là nhiều Đức Phật ở trong trăm ngàn muôn kiếp xướng lên: "Chúng sanh, chúng sanh" nhưng cũng không thật có chúng sanh". Qua đó đem lại niềm tin cho chúng ta vươn lên để không còn mặc cảm làm chúng sanh mãi mãi. Nhiều người nghĩ là chúng sanh nghiệp nặng nên tu không biết đến bao giờ thành Phật, chỉ nghĩ tu cho có phước để kiếp sau được hưởng.
Tại sao chúng ta không dám nghĩ bản thân mình sẽ được thành Phật? Vì chấp mình mãi là chúng sanh. Còn ở đây Phật dạy "chúng sanh này" không phải là mình, mình không phải là cái chúng sanh này mà mình là Phật tánh, phải hiểu kỹ như vậy mới xác định được niềm tin để tiến lên. Vì thế, chúng ta thấy "cái mình này" chỉ là cái tạm thôi nên sẵn sàng vươn lên vượt ra khỏi cái chúng sanh này. Trong con mắt Bát-nhã thì Phật và chúng sanh cũng đều là giả danh, bản thể vốn không hai.
Cái tên Phật, tên chúng sanh đều là cái tên nên đừng mắc kẹt vào cái tên đó để sinh chướng. Thí dụ như quý vị trong đây có ai giác ngộ được Phật tánh của mình, sống được với Phật tánh của mình thì còn gọi chúng sanh không? Không còn là chúng sanh mà gọi là Thánh, là Hiền, là Phật. Vậy thì cái tên chúng sanh này là cái tên tạm đặt trong một thời gian nào đó thôi, khi hết mê thì đâu còn gọi là chúng sanh nữa. Cái tên Phật cũng vậy, cũng đâu phải là sẵn có mà là do chúng ta chuyển từ chúng sanh mê này đến rồi đặt tên là Phật, nên đó là cái tên thôi còn thể giác thì không hai.
Chính Lục Tổ cũng nói: "Tất cả chúng sanh cũng đều là giả danh, nếu lìa vọng tâm tức không chúng sanh có thể được nên nói tức chẳng phải chúng sanh". Nếu lìa vọng tâm thì không có chúng sanh có thể được bởi vì thực ra mình sống với vọng tâm cho nên gọi là chúng sanh, nếu không còn vọng tâm thì đâu còn gọi là chúng sanh nữa.
Như vậy, còn thấy có một chúng sanh chưa được độ tức là còn thấy có một chúng sanh thật, và nếu còn thấy có một chúng sanh thật thì tức là tâm của mình còn giới hạn ngay chỗ đó. Cho nên, nếu giác ngộ viên mãn rồi thì thấy tất cả xưa nay đều là thanh tịnh tức không có chúng sanh có thể được.
Có câu chuyện: "Ma vương phát tâm Bồ-đề". Xưa, Thế Tôn dẫn các vị Thánh chúng lên cõi trời thứ sáu giảng kinh Đại Tập (là cõi trời của Ma vương). Khi sắp giảng kinh, Phật dạy triệu tất cả các loài quỷ hung dữ ở trên trời hoặc ở nhân gian thuộc cõi này và ở các cõi khác đều phải tập trung lại để nhận lời phó chúc của Phật là ủng hộ chánh pháp. Giả sử có quỷ nào không chịu đến thì Tứ thiên vương phóng bánh xe sắt cháy đỏ truy đuổi khiến chúng đều phải đến họp. Vì Tứ thiên vương cai quản các quỷ thần nên quỷ thần ngang ngược không chịu đến thì nhờ Tứ thiên vương truy đuổi.
Khi ấy, tất cả loài quỷ đều nhận lời dạy của Phật, mỗi quỷ cũng đều phát thệ nguyện rộng lớn ủng hộ chánh pháp nhưng chỉ có một Ma vương nói với Thế Tôn: "Thưa Cù Đàm! Tôi đợi tất cả chúng sanh thành Phật hết, cõi chúng sanh trống rỗng cả không còn một cái tên gọi chúng sanh nữa thì tôi mới phát tâm Bồ- đề".
Quý vị nghe như vậy có nản lòng không? Nếu người chưa có hiểu sâu thì cho Ma vương ấy hơi ngang ngược, nhưng chính Ma vương nói vậy là đã có phát tâm Bồ-đề rồi! Hiểu được câu nói ấy thì mới thấy Ma vương hiểu đạo rất sâu. Ngay cái niệm đó là đã phát tâm Bồ-đề rồi, vì phát tâm Bồ-đề nên mới nguyện độ tất cả chúng sanh không bỏ sót ai.
Trong kinh Kim Cang, Phật dạy về pháp để hàng phục tâm là phải độ tất cả chín loài chúng sanh vào vô dư Niết-bàn nhưng không thấy có một chúng sanh nào được độ. Đó là cái thấy tột cội nguồn của chúng sanh vốn là Phật nên độ mà không thấy có độ gì hết, và khi thấy như vậy thì đâu còn sợ, mà cũng vừa mở sáng tâm mình, vừa mở trí tuệ của mình thêm lớn, nên bài thệ nguyện này có ý nghĩa rất sâu.
Tuy nhiên, người tu thường thì chỉ đọc suông vậy thôi, chứ không tìm hiểu ý nghĩa. Có khi còn nghi ngờ là chúng sanh nhiều như vậy thì làm sao độ hết? Hoặc những người mà ta không ưa cũng độ hết hay sao? v.v... Chính qua lời thệ nguyện này sẽ nhắc chúng ta mở rộng cái tâm đó và cũng để mở cái thấy của chúng ta nữa. Đó là ý nghĩa của câu thứ nhất "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ".
Trích "Tứ Hoằng Thệ Nguyện" - TT. Thích Thông Phương
Các tin tức khác
- Thực hành Chánh niệm ( 1/12/2014 9:22)
- Như bạn vốn là (30/11/2014 12:29)
- Phật độ chó dữ (30/11/2014 12:11)
- Ông Trưởng Giả mê tín (30/11/2014 12:02)
- Trong cuộc chơi này (29/11/2014 11:55)
- Thầy Tỳ-Kheo bỏ đạo (28/11/2014 6:50)
- Cứ để mây bay (28/11/2014 5:50)
- Tu thiền là bác bỏ nhân quả chăng? (27/11/2014 2:56)
- Chẳng trọng tu huệ (27/11/2014 2:46)
- Chú chó ngày nào cũng đến bệnh viện chờ người chủ đã mất gây xúc động (27/11/2014 2:45)