Do biết cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hai hạnh: hạnh nhẫn nhục và hạnh hỉ xả. Muốn được nhẫn nhục, hỉ xả, trước phải có tâm từ bi, thấy tất cả là bạn, không có ai thù. Ba điều đó từ bi là trước, rồi nhịn sau, tha thứ nhau. Không có từ bi thì không thể có nhẫn nhịn và tha thứ được. Cứ cho người làm trái ý mình là kẻ thù thì không bao giờ chúng ta nhường nhịn. Cho nên đừng thấy ai là kẻ thù cả, chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Đó là tâm từ bi. Chính do tâm từ bi nên chúng ta mới nhường nhịn, tha thứ nhau được. Chúng ta ứng dụng giáo lý của Phật trong cuộc sống thì mình sống vừa có đạo đức, vừa được an vui trong gia đình.
Đó là ba điều kiện để chúng ta điều hòa sự mâu thuẫn. Tuy khó nhưng chúng ta phải ráng ứng dụng trong cuộc sống, nếu không ắt sẽ chịu khổ thôi. Hiểu được vậy chúng ta mới biết sống và sống có hạnh phúc, chớ đừng tranh phải quấy hơn thua thì không bao giờ hạnh phúc. Đó là lẽ thật.
Tóm lại, muốn cho sự sống tốt đẹp bình yên thì phải đủ ba điều kiện: từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả. Nói theo thế gian là tình thương, nhẫn nhịn và tha thứ. Điều cấm kỵ nhất là đừng bao giờ ôm ấp ảo tưởng rằng ai cũng tùng phục ta, chìu theo ý muốn của ta hết. Đó là lầm to.
Kinh nghiệm trong cuộc sống đã cho thấy, tôi sống chung quanh năm sáu trăm Tăng Ni, không bao giờ tôi dám ảo tưởng rằng ai cũng giống hệt tôi và tôi nói ai cũng nghe. Có những điều họ nói không vừa ý tôi, nhưng rồi tôi cũng bỏ qua, không có buồn. Chớ nếu mỗi chút mỗi buồn thì chắc tôi chết sớm lắm. Thôi thì việc gì cũng bỏ qua, miễn họ tu được là tốt.
Vì vậy quí Phật tử nhớ, vợ chồng có gì trái ý nhau nên bỏ qua, miễn gia đình bình yên, con cái học hành đàng hoàng, khôn lớn nên người là được rồi, những gì riêng tư thì bỏ qua hết. Vì việc chung nên bỏ cái riêng thì sẽ được an ổn. Ở trong gia đình chẳng những vợ chồng không giống nhau mà cha mẹ, con cái cũng không giống nhau. Muốn được bình yên vui vẻ thì trên dưới cũng phải điều hòa. Cái khổ là cha mẹ không bao giờ nhịn con. Con có chịu nhịn hay không chịu nhịn cha mẹ thôi, chớ cha mẹ không bao giờ nhịn con, mà chắc gì cha mẹ đã trúng một trăm phần trăm. Bởi vì người ta cứ cho rằng cha mẹ sanh ra con cái nên cha mẹ là bề trên, con cái không có quyền cãi. Nhưng thật ra cha mẹ sanh là sanh thân thể thôi, chớ đâu có sanh được tâm hồn. Tâm hồn con cũng có cái hay riêng của con nên cha mẹ cũng phải nhịn. Như tôi là thầy, đâu thể nhịn trò, nhưng có khi thầy cũng bỏ qua. Bỏ qua tức là nhịn rồi. Nhờ vậy tôi điều hòa được mấy trăm người, chớ nếu bắt như mình mà người ta không được như mình, rồi đuổi đi hết thì thôi, chắc tôi cũng sống một mình tôi. Hiểu được như vậy mới thấy nhờ chúng ta khéo điều hòa nên mọi việc được tốt đẹp.
Trích bài viết cùng tên - HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Phi thường trong bình thường (23/12/2014 4:23)
- Cúc dại (23/12/2014 4:16)
- Lặng ngắm kỳ quan Phật giáo cổ xưa bậc nhất TG (23/12/2014 4:02)
- Cúng dường Tam Bảo (22/12/2014 6:08)
- Phật dạy ngài La Hầu La (21/12/2014 1:51)
- Tác hại của khẩu nghiệp bất thiện (21/12/2014 1:47)
- Thiền và thông minh (Meditation & intelligence) (19/12/2014 7:05)
- Mẹo vặt làm bếp (19/12/2014 12:40)
- Thấy được nhân duyên (18/12/2014 11:49)
- Con két của ông già (18/12/2014 11:32)