An trú trong hiện tại và để sống bình an

2/01/2015 10:19
Vô thường của tâm linh là một sự thay đổi liên tục, không khi nào ngưng. Những hiện trạng khổ đau, những tham dục là ngọn lửa luôn luôn cháy trong lòng con người qua nhiều thế hệ của quá khứ và hiện tại. Là Phật tử chúng ta cần tìm hiểu danh từ “an trú trong hiện tại” để biết và thông cảm những nguyên nhân nào đưa đến nghiệp báo.

Khi hiểu rõ rằng đa phần những khổ đau của con người là do chạy đuổi theo những khát vọng, ham muốn, nhu cầu đòi hỏi của vật chất và tâm linh thì chúng ta sẽ an trú trong hiện tại.

Yếu tố chính để người Phật tử nổ lực tu học là cái hạnh phúc tương đối mà chúng ta đang có bởi vì chủ trương của đạo Phật là đối diện với hiện tại. Cho nên trong Kinh Phật nói là: “Giáo lý của ta là đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin” có nghĩa là chúng ta đến với đạo Phật bằng tri kiến, trí tuệ để thấy rằng con đường hành sử và nhân cách như thế nào để trở thành con người toàn thiện và có hạnh phúc. Trong đạo Phật chúng ta phải hiểu rằng không một đấng nào đó ban hạnh phúc hoặc phước lành cho chúng ta mà tất cả hạnh phúc, khả năng thành tựu đều nhờ vào trí tuệ của chính mình.

1. Làm thế nào để an trú trong cuộc sống?

An trú có nghĩa là dừng lại một cách an ổn ngay trong từng phút giây của hiện tại. Đức Phật nói rằng:

“Quá khứ không truy tầm,

Tương lai không ước vọng,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Xứng gọi nhứt dạ hiền,

Bậc an tịnh, trầm mặc.”

Khi chúng ta làm chủ được lời nói, nụ cười, hành động, v..v… thì thế giới sẽ biến dạng bằng cái nhìn của chúng ta, bởi vì cái nhìn an bình lúc này tức là cái an bình bên trong tâm chúng ta vậy.

2. Hạnh phúc lúc nào cũng có khổ đau theo sát bên, cho nên chỉ có người nào không nhu cầu, không truy cầu hạnh phúc thì sẽ không rơi vào khổ đau. Tất nhiên, người đó phải có trí tuệ có nghĩa là phải biết tri túc, biết khi nào vừa đủ thì người đó có hạnh phúc. Tri túc là biết vừa đủ và dừng lại không truy cầu nữa. Đạo Phật có nhiều phương pháp để an trú chẳng hạn như thiểu dục tri túc (sống biết vừa đủ), tam thường bất túc (trong ba cái đừng bao giờ có đủ). Chúng ta phải như thế nào để tạo được sự bình an trong một cuộc sống đầy cám dỗ, bất như ý, phiền não và khổ đau.

Tam thường bất túc có nghĩa là để có hạnh phúc, trong đời có 3 cái mà chúng ta phải sống làm sao để đừng có đủ:

   2.1. Không nên ăn quá no.

   2.2. Không nên ngủ quá nhiều.

   2.3. Không nên mặc quá dư thừa (tức là quá nhiều quần, áo, giầy dép).

3. Làm thế nào để được bình an trong một cuộc sống xô đẩy, bận rộn của mỗi ngày, mỗi tháng?

Vật chất không phải là hạnh phúc mà là những kích thích ham muốn của thể xác lẫn tâm hồn, cho nên nó không phải là hạnh phúc thật sự vì nó có cái giá của nó. Hạnh phúc mà đức Phật nói đến là phát xuất từ tâm linh, cho nên người ta phải ổn định phần tâm linh của chính mình.

Khi chúng ta truy tầm hạnh phúc xa vời thì những hạnh phúc đang ở ngay bên cạnh bị bỏ quên. Mỗi ngày chúng ta thức dậy, chúng ta thấy có đủ đồ ăn, có đủ tiền của để tiêu xài, còn sức khỏe và không bệnh hoạn, không bị tù đày hoặc sống trong chỗ chiến tranh, khủng bố, còn sống chung với gia đình trong thân yêu và hiểu biết thì chúng ta nên cảm nhận rằng chúng ta đang sống trong hạnh phúc hơn rất nhiều người trên thế giới. Cảm nhận được hạnh phúc đó rồi chúng ta nên mở rộng tầm tay để trang trải hạnh phúc đến với những người thiếu kém qua những đóng góp, xây dựng, an ủi. Hạnh phúc thật sự và an trú trong hiện tại là với những người nào mà cả ngày luôn luôn hoan hỷ, nở nụ cười để làm cho người khác cũng cảm thấy hạnh phúc lây.

4. Làm thế nào để chia xẻ hạnh phúc?

Đức Phật nói về vua trời Đế Thích trong quá khứ khi còn làm người thiện nam tử thì đã phát nguyện như sau:

1. Trọn đời phụng dưỡng cha mẹ

2. Lễ kính những bậc trưởng thượng, đạo đức

3. Nói lời hòa nhã, thân ái

4. Không nói xấu kẻ khác, không nói lời ác ngữ, đâm thọc

5. Nếu làm người gia chủ, luôn thương yêu những kẻ khốn cùng, cô độc

6. Nói những lời thật và luôn bảo vệ sự thật

7. Dứt bỏ các tâm sân hận, nóng nảy

5. Nghiệp là do chính chúng ta gieo, cho nên trước khi nghiệp thành hình chúng ta phải rõ quyết định nên gieo hoặc không nên gieo hạt giống bởi vì kết quả của hạt giống là do chính mình thừa hưởng. Phần quan trọng của đạo Phật là chúng ta phải ý thức được rằng chúng ta đang gieo những hạt giống gì. Nhân và quả là công lý của vũ trụ, như vậy mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những hành động và ý tưởng của chính mình. Thấy hiện tại là ta biết quá khứ, vì vậy nền tảng của hôm nay là ngày mai. Nếu trong hiện tại chúng ta có hạnh phúc thì trong tương lai chúng ta mới tiếp tục có được hạnh phúc. Khi hiểu rõ luật nhân quả thì trước khi gieo hạt giống, mỗi người chúng ta là chủ của nó cho nên chúng ta phải cẩn thận khi gieo nhân của thân, khẩu, ý. Cho nên hạnh phúc của hiện tại nằm ngay trong chúng ta và hạnh phúc của thiên đường hay cảnh giới địa ngục cũng do chúng ta quyết định.

6. Ta nên cho phép ta làm lỗi để ta không căng thẳng tâm trí vì đè nén, nghiêm túc thái quá. Ai cũng có thể phạm lỗi nhưng phải biết lỗi và cố sửa mà không cần phải che dấu lỗi lầm. Để sống bình an thì mình phải hiểu rằng con người làm lỗi là việc rất bình thường và có khi ta biết lỗi mà vẫn phạm như thường. Cái chính là ta có biết lỗi và cố gắng tận trừ nó hay không. Nếu như chung quanh ta mọi người đều chánh, đều thuận với mình thì sự tu hành và lòng bao dung của mình không thành tựu được. Còn khi mà mình sống với người lỗi lầm đó mà không thấy trở ngại và đồng thời dùng đó để làm bài học cho mình thì ta mới được thành tựu. Nếu như ta không chấp nhận lỗi thì ta sẽ mắc phải cái lỗi che dấu và không thật với chính mình. Nếu mình biết khổ đau và nhìn sự thật khổ đau thì mình giải quyết được khổ đau. Chúng ta phải có cơ hội tiếp xúc với cuộc sống và đồng thời thực tập với cuộc sống.

Nếu như thân này mà mình nhận thức là lỗi lầm, bệnh hoạn, xấu xa mình mới có thể tu tập được. Với những lỗi lầm đã làm, ta có thể dùng nó để học hỏi, kinh nghiệm và sau này ta mới có thể trở nên hoàn hảo hơn. Nếu ta nhìn cuộc sống một cách bình thường và tự điều chỉnh con người mình trong con đường đó (có nghĩa là tùy thuận theo như vậy) thì mình có hạnh phúc.

Đừng thần tượng hóa cuộc sống và cũng đừng sợ hãi cuộc sống tội lỗi. Nếu mình cứ ám ảnh bởi những tội lỗi của mình thì mình sẽ không làm những gì tốt. Tội từ tâm khởi mà khi tâm và tội diệt thì mới là chân sám hối. Tâm vì vô minh, mê mờ mới tạo ra lỗi thì lỗi đã không thật mà mình cứ bám giữ rồi khổ sở vì tội lỗi đã tạo. Bản chất hay tội tánh vốn không, do vì vô minh nên tạo tội. Khi biết lỗi lầm, biết ăn năn thì mình có thể đối diện với Phật một cách chân chánh.

Thế giới này là mọi sự nhân duyên chuyển hóa mà con người không thay đổi được. Cho nên để có một đời sống bình an là chúng ta phải chấp nhận thực tại của cuộc sống và hóa giải nó ở trong cái phạm vi của con người. Những biến chuyển trong đời cũng chỉ là bình thường, do đó chúng ta không bám chấp để rồi chịu khổ đau. Khi hóa giải được thì chúng ta sẽ thấy xuất hiện những cái thánh thiện. Thực tập cho đến khi ta và đời đều là một thì lúc đó là chân thật hạnh phúc. Nếu hôm nay ta không có hạnh phúc thì ngày mai cũng chẳng thể có được hạnh phúc. Cũng vậy, nếu sống hạnh phúc thì chết sẽ hạnh phúc. Do đó, nhận thức rõ ràng hôm nay ta làm gì, nói gì, suy nghĩ gì,… để chuẩn bị cho ngày mai và chỉ có chính mình mới quyết định được ngày mai.

 

Theo Minh Quang Thiền Viện

Các tin tức khác

Back to top