Thiền sư: Hãy nhận biết đến mức mình có thể nhận biết được. Đừng cố tìm kiếm những gì mình chưa thể thấy được, và cũng đừng cố đoán xem nó là cái gì nữa.
Thiền sinh: Nhưng phải có một cái gì đó đằng sau thái độ ấy nữa chứ?
Thiền sư: Cũng đừng nghĩ về điều ấy nữa. Nếu bạn nghĩ, nó đã đi qua mất rồi bởi vì tâm bạn đã tạo nên ý tưởng rằng có lẽ nó phải là như thế này, sẽ phải là như thế kia. Cũng đừng nghĩ đến “đằng sau” hay “đằng trước” gì nữa cả! Nếu tâm có khả nhìn thấy, nó sẽ thấy được, nếu không có, nó chẳng thấy được gì.
Thiền sinh: Con vẫn cứ phải vật lộn với những điều cơ bản như thái độ hành thiền, cứ băn khoăn thái độ hành thiền đúng là gì, làm thế nào để thực sự chánh niệm được v.v… Chẳng có một công thức nào cả và thật là mệt mỏi. Thầy dạy chúng con phải nhớ lại những kinh nghiệm (những lần thực hành) tốt trước kia, vì vậy con nhớ lại trạng thái tâm chánh niệm lúc đó và cách mà mình đã đạt được trạng thái tâm ấy. Nhưng không làm được, càng cố nhớ lại tâm chỉ càng rối thêm mà thôi.
Thiền sư: Đừng thực hành quán chiếu như vậy vào lúc này. Bạn vừa nói rằng mình vẫn đang phải vật lộn với những điều cơ bản và cảm thấy mết mỏi với việc ấy. Ở giai đoạn này chưa nên quán chiếu và thẩm xét vội vì chỉ làm mọi việc thêm phức tạp. Bạn phải cần chờ cho đến khi tâm ổn định lại đã. Bây giờ chỉ cần thực hành một cách đơn giản, chỉ theo dõi những gì đang diễn ra.
Trình pháp theo nhóm có thể làm mình thêm rối vì thiền sinh cứ phải thu nhận nhiều thông tin hướng dẫn (khi thiền sư dạy cho các thiền sinh khác) không thực sự thích hợp với mình. Cái thích hợp với thiền sinh này lại có thể chẳng hợp với thiền sinh khác tý nào. Nếu có thông tin nào bạn nghe được mà có ích thì tất nhiên bạn có thể áp dụng, nhưng đừng có cố thực hành theo những lời thiền sư dạy cho người khác nếu thấy nó không lợi ích cho mình.
Thiền sinh: Vậy là con phải đợi cho đến khi tâm trở lại ổn định đã phải không ạ?
Thiền sư: Đúng vậy. Chỉ khi nào tâm ổn định thì mới quán chiếu được, lúc ấy sự quán chiếu xảy đến một cách tự nhiên. Song cũng có nhiều người cảm thấy mất phương hướng khi tâm trở nên tĩnh lặng và ổn định, họ không biết phải làm gì với sự tĩnh lặng ấy nữa. Đó là lúc tôi phải dạy họ cách quán chiếu và thẩm sát.
Thiền sinh: À, vậy thì con hiểu rồi. Con thì không gặp phải khó khăn ấy…
Thiền sư: Có nhiều kiến thức (về Phật Pháp) thì cũng tốt. Nhưng nhu cầu (về kiến thức) của mỗi cá nhân thì rất khác nhau, vì vậy, bạn phải lựa chọn cẩn thận xem mình nên áp dụng cái gì.
Mỗi khi cảm thấy bế tắc và có thái độ tiêu cực đối với thiền tập, bạn phải nhớ xem trước kia thiền đã từng giúp ích cho mình ra sao, thiền tập đã làm thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào. Hãy nghĩ đến lợi ích mình đã thu được, những điều mình đã hiểu biết nhờ tu tập. Nghĩ đến mỗi lúc thất niệm mình cảm thấy ra sao và sự khác biệt với khi mình có chánh niệm như thế nào. Suy nghĩ như thế sẽ giúp bạn định hướng lại cho tâm mình.
Có một số cách khác nữa để bạn thử áp dụng: Mỗi khi kinh nghiệm được một trạng thái tâm tốt đẹp, hãy cố gắng ghi nhớ nó. Tự nhắc mình: À mình đang trải nghiệm một trạng thái tâm tốt đây, mình hoàn toàn có khả năng đạt được trạng thái tâm tốt đẹp như vậy, trạng thái tâm tốt là như thế này đây. Làm như vậy bạn sẽ củng cố thêm hiểu biết về trạng thái tâm tốt mà mình đang trải nghiệm. Nếu bạn biết tại sao nó tốt hay cảm thấy nó tốt như thế nào, hãy cố gắng ghi nhớ nó. Điều này sẽ giúp bạn nhớ lại mỗi khi thấy tâm mình đi xuống, chán nản. Mỗi lúc như vậy nó sẽ dễ dàng nhớ lại những điều tốt đẹp trước kia.
Thiền sinh: Vâng, con rất hiểu điều đó. Nhưng có những lúc sự chống đối của tâm mình quá mạnh và thái độ tiêu cực đến mức con chỉ có thể làm được mỗi việc là đi kinh hành qua lại mà thôi. Rồi, rất chậm chạp, chánh niệm cũng tăng dần lên, kéo theo cảm giác vui và thái độ con lại trở nên tích cực trở lại.
Thiền sư: Một khó khăn mà rất nhiều thiền sinh hay gặp phải là họ quá quen với cái thói bắt mọi việc phải diễn ra (như mình mong đợi- mà không chịu để yên cho mọi việc tự diễn tiến, mở dần ra một cách tự nhiên theo chính nó). Trong cuộc sống hàng ngày, họ đã quen tự đặt ra cho mình các mục tiêu để tự phấn đấu, để cố gắng thật nhiều và đạt được những gì mình mong muốn. Thế rồi họ cũng làm y hệt như thế trong thiền. Họ muốn phải tốt, thật tốt, phải nhất. Không tốt được như họ muốn thì họ sinh ra thất vọng. Đó là lý do họ đánh mất đức tin và mất luôn sự nhiệt tình, hứng thú với việc tu tập.
Đừng nghĩ gì về thiền nữa, thậm chí cũng đừng cố gắng hành thiền nữa mà chỉ đi lại như vậy thôi có khi lại là điều tốt nhất cho bạn trong lúc đó. Khi bạn không còn cố làm việc gì nữa, không mong đợi điều gì nữa mà chỉ để yên cho mọi việc tự diễn ra, thì chánh niệm sẽ quay trở lại. Bởi vì sao? Bởi vì nó vẫn luôn có sẵn ở đó rồi.
Thiền sinh: Con cảm thấy mình chẳng tiến lên được chút nào cả. Con rất dễ chán. Làm sao để tránh được sự chán nản ấy? Làm thế nào để tránh khỏi bị bế tắc trong pháp hành?
Thiền sư: Bạn không thể và cũng không nên tránh né để khỏi bị buồn chán như thế, và bạn cũng không thể cũng không nên tránh né khỏi bị bế tắc trong pháp hành như vậy. Khi còn chưa cao thì những việc như thế vẫn thường xảy ra. Đó là chuyện hết sức bình thường. Bạn chẳng thể làm được gì cả đâu. Nếu chán nản hay bế tắc trong đường tu, hãy ý thức rằng điều này đang xảy đến và cố gắng biết những yếu tố đã dẫn đến điều đó.
Bạn phải luôn luôn ghi nhớ rằng hành thiền Vipassanā không phải là cố gắng làm gì hay khiến cho một cái gì phải xảy đến cả. Chỉ mỗi hay biết những gì đang diễn ra, chỉ thế thôi, rất đơn giản!
Theo: Chỉ mới chánh niệm thôi thì không đủ
Dịch giả: Tỳ kheo Tâm Pháp
Các tin tức khác
- Chỗ của Nanryu (14/02/2015 1:49)
- An tâm (14/02/2015 1:44)
- Chân thật sám hối (13/02/2015 1:05)
- Nhìn thấu bản chất của sanh mệnh (13/02/2015 1:01)
- Không nhận y và danh hiệu (12/02/2015 1:46)
- Hối cải thực sự (11/02/2015 4:15)
- Lời Phật dạy về đạo làm người ( 9/02/2015 4:31)
- Nếu thắng hãy thắng người hơn mình bằng đức khiêm cung ( 9/02/2015 4:05)
- Là cái gì? ( 8/02/2015 4:39)
- Nghe ( 8/02/2015 4:31)