Người đóng xe hay Pacetana

5/06/2015 3:36
1. Một thời Thế Tôn ở tại Bàranàsi, Isipatana, chỗ Vườn Nai. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo.

– Bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị vua tên là Pacetana. Rồi, này các Tỷ-kheo, vua Pacetana cho gọi người thợ đóng xe:

– “Này Người đóng xe, sau sáu tháng, sẽ có trận chiến. Này Người đóng xe, ông có thể làm cho ta một cặp bánh xe mới được không?”

– “Thưa Đại Vương, có thể được”.

Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.

Rồi này các Tỷ-kheo, Người đóng xe, sau sáu tháng trừ sáu ngày, làm xong một bánh xe. Rồi vua Pacetana bảo người đóng xe:

– “Sau sáu ngày, này người đóng xe, sẽ có trận chiến. Đôi bánh xe mới có thể làm xong được không?” 

– “Thưa Đại vương, sau sáu tháng trừ sáu ngày, một bánh xe đã làm xong”.

– “Này Người đóng xe, Ông có thể, với sáu ngày (còn lại) này, làm xong bánh xe thứ hai?”

– “Thưa Đại vương, con có thể làm được”.

Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.

2. Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng xe trong sáu ngày, sau khi làm xong bánh xe thứ hai, cầm cặp bánh xe mới, đi đến vua Pacetana; sau khi đến, thưa với vua Pacetana:

– “Thưa Đại vương, cặp bánh xe mới này đã làm xong cho Ngài”.

– “Này Người đóng xe, cái bánh xe này làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày và cái bánh xe này làm xong trong sáu ngày, có cái gì sai khác giữa hai cái này, ta không thấy có các gì sai khác hết”.

– “Có sự sai khác giữa hai cái này, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, hãy nhìn sự sai khác”.

Rồi, này các Tỷ-kheo, người đóng xe đẩy cho chạy bánh xe được làm xong trong sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Rồi nó đẩy cho chạy bánh xe được làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như đang mắc vào trong trục xe.

3. – “Do nhân gì, này Người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm trong sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Do nhân gì, này Người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như mắc vào trục xe?”

– “Thưa Đại vương, cái bánh xe này được làm xong sau sáu ngày, vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm. Vì rằng vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; vì rằng các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; vì rằng trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Còn bánh kia, thưa Đại Vương, được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày, vành xe ấy không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; các căm xe không cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; trục xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm. Vì rằng vành xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; vì rằng các căm xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; vì rằng trục xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm, nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như đang mắc vào ở trong trục xe”.

4. Rất có thể, này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ rằng trong thời ấy, người đóng xe ấy là một người khác. Này các Tỷ-kheo, chớ có nghĩ như vậy. Trong thời ấy, ta chính là người đóng xe. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, ta khéo léo về chỗ cong của gỗ, về chỗ hỏng của gỗ, về khuyết điểm của gỗ. Nay, này các Tỷ-kheo, ta là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, khéo léo về chỗ cong của thân, về chỗ hỏng của thân, về khuyết điểm của thân; khéo léo về chỗ cong của lời nói, về chỗ hỏng của lời nói, về khuyết điểm của lời nói; khéo léo về chỗ cong của ý, về chỗ hỏng của ý, về khuyết điểm của ý.

5. Đối với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong không có đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (không có đoạn tận), lời nói cong không có đoạn tận, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm (không có đoạn tận), ý cong không có đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (không có đoạn tận) như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy rời khỏi Pháp Luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong trong sáu ngày.

Đối với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong được đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (được đoạn tận), lời nói cong… ý cong được đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (được đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy vững an trú trong Pháp Luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng tôi sẽ đoạn tận thân cong, thân hư hỏng, thân khuyết điểm; chúng tôi sẽ đoạn tận lời nói cong, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận ý cong, ý hư hỏng, ý khuyết điểm”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. 

 

Trích Kinh Tăng Chi - PGVN

Các tin tức khác

Back to top