Diệp Quế (1667 – 1746), tự Thiên Sĩ, là người huyện Ngô, tỉnh Tô Châu, một thầy thuốc nổi tiếng thời nhà Thanh, ông còn được gọi là Diệp Thiên Sĩ.
Cùng quê với ông cũng có một người nhỏ tuổi hơn, cũng rất có danh tiếng với ngành y lúc bấy giờ tên là Tiết Tuyết. Hai người dường như vì một duyên cớ nào đó nên có xung đột nhỏ, vậy là Tiết Tuyết đặt tên cho phòng sách của mình là “Tảo Diệp Trang” (quét bỏ Diệp Quế). Diệp Quế biết được điều này cũng không muốn tỏ ra mình là yếu kém, lập tức treo biển cho phòng sách của mình là “Đạp Tuyết Trai” (Dẫm đạp Tiết Tuyết), ngầm ý muốn ăn miếng trả miếng với Tiết Tuyết. Vậy là hiềm khích giữa hai người ngày một sâu, đồng thời họ trở thành kẻ thù của nhau.
Một lần, mẹ của Diệp Quế bỗng mắc bệnh đột phát, bệnh tình rất nghiêm trọng. Trong lòng Diệp Quế lo lắng khôn cùng, ông đã nhiều lần đi cắt thuốc tốt nhất về cho mẹ nhưng vẫn không thể nào chữa khỏi. Sau khi có người kể cho Tiết Tuyết biết được chuyện này, ông nói với người đó rằng: “Bệnh của mẹ Diệp Quế nhất định phải uống canh bạch hổ”.
Diệp Quế biết được tin này bỗng thấy nhẹ nhõm trong lòng, lập tức đi cắt thuốc theo lời của Tiết Tuyết. Quả nhiên không lâu sau bệnh của mẹ Diệp Quế đã chữa khỏi, Diệp Quế trong lòng bỗng thấy cảm phục trước vị bác sĩ trẻ tuổi này và cảm thấy mình không giỏi bằng nên đích thân đem lễ sang nhà Tiết Tuyết xin học y, đồng thời thành khẩn xin lỗi Tiết Tuyết. Từ đó về sau, hai người thường xuyên giúp đỡ nhau trị bệnh, rèn dũa y thuật. Và cũng từ đó Diệp Quế đã đạt được không ít kiến thức mới về y học.
Do danh tiếng của ông ngày một tăng nên người bệnh tìm ông cũng ngày một nườm nượp.
Một hôm, có một người mắc một căn bệnh hiểm nghèo từ Tô Châu đến, sau khi khám bệnh kỹ càng, Diệp Quế nói: “Bây giờ anh uống thuốc cũng không còn tác dụng gì nữa, tốt nhất là nên về gặp mặt người thân lần cuối. Muốn ăn uống thứ gì thì hãy thưởng thức đi, căn bệnh này không còn hy vọng gì nữa, e rằng chẳng kéo dài được bao lâu, theo kinh nghiệm của ta thì điều này rất rõ ràng, nếu sai, người có thể hạ biển hiệu của ta xuống”.
Khi quay về nhà, người bệnh phải đi qua chùa Kim Sơn, vì trời khuya quá nên đành ở lại đó qua đêm. Một lão hòa thượng đến bên anh ta quyên góp, anh nghĩ mình sống cũng chẳng được bao lâu nữa bèn đem tất cả số tiền mình có cho lão hòa thượng. Lão hòa thượng thấy dáng vẻ của anh ta như vậy thì nhìn kỹ mấy lượt rồi nói:
“Thí chủ! Có phải trong người có cái gì đó không ổn phải không?”
“Ngài nói đúng đấy, danh y nổi tiếng cũng nói ta chẳng sống được bao lâu nữa”.
Lão hòa thượng nghe xong, vừa cung kính vừa nói: “Lão tăng cũng có biết chút về y, hay anh hãy để lão thử giúp anh xem sao”. Người bệnh vui mừng hẳn lên, bèn để cho lão tăng khám bệnh, đồng thời kể rõ bệnh tình của mình cho lão tăng nghe. Sau khi khám xong, trong lòng tự khen y thuật của Diệp Quế quả là cao minh, bèn hỏi:
“Anh về nhà phải đi đường sông hay đường bộ?”
“Đi đường sông”.
“Vậy là tốt rồi, anh hãy làm theo những gì mà ta nói, bây giờ lại đúng vào mùa thu. Anh hãy mua một ít lê mới vừa được mang bán ở chợ rồi chất lên thuyền, dọc đường đi anh hãy ăn và ngủ trên chỗ lê đó. Đợi sau khi về nhà, số lê đó cũng được anh ăn hết, lúc đó ta sẽ kê một phương thuốc để anh uống thử xem sao”.
Một năm sau trôi đi, người bệnh không những không chết mà tinh thần ngày một tốt hơn. Anh ta lập tức đến nhà Diệp Quế dí dỏm nói: “Tiên sinh còn nhớ ta không? Ta vẫn chưa chết, mà còn có thể đến đây để hạ biển của ngài xuống”. Diệp Quế lúc này hiểu ra, bèn hỏi rõ đầu đuôi sự việc, và cũng không ngại ngùng gì hạ biển của mình xuống, dọn dẹp hành lý đến chùa Kim Sơn tìm thầy để học.
Sau khi tìm được lão tăng, vì sợ lão tăng không nhận mình làm học trò bèn giả vờ làm người làm thuê kiếm sống. Lão tăng thấy ông là người trung hậu, biết lễ nghĩa bèn giữ ông lại. Diệp Quế hàng ngày đều làm việc một cách chăm chỉ, dọn dẹp phòng trong, phòng ngoài sạch sẽ xong còn giúp lão tăng làm một số công việc khác. Ông chăm chú quan sát từng lời nói, từng hành động khám bệnh của lão tăng, từ đông y đến rất nhiều y thuật khác. Cứ như vậy nhiều năm trôi đi, Diệp Quế chăm chỉ phục vụ lão tăng và được lão tăng ngày một tín nhiệm.
Có một lần, một người mắc bệnh hiểm nghèo được khiêng đến chùa Kim Sơn, đúng lúc đó sư phụ không có ở chùa, bệnh tình của người bệnh lại rất nguy cấp, Diệp Quế đã học được cách chữa bệnh của lão tăng nên chữa khỏi được bệnh cho người đó.
Khi lão tăng quay về, vừa nhìn thấy đơn thuốc đã kêu: “Ngươi thật là giỏi, dám qua mặt cả ta. Ngoài ngươi ra còn ai dám kê đơn thuốc thạch tín có độc này”.
Diệp Quế vội vàng quỳ dưới chân sư phụ nhận lỗi, đồng thời giải thích tại sao ông lại làm như vậy. Lão tăng thấy Diệp Quế một lòng vì nghề y, lại khiêm tốn học hỏi, chịu khổ mấy năm liền, tôn kính bề trên, bèn đem tất cả những kiến thức mình có truyền lại cho Diệp Quế. Về sau Diệp Quế trở thành một nhà y học nổi tiếng, nhưng trong lòng ông luôn luôn giữ lòng biết ơn của mình đối với những người đã truyền thụ cho ông.
Lúc lâm chung, trong di chúc cho con cháu, ông dặn đi dặn lại: “Nghề y nên làm, mà cũng chẳng nên làm. Đầu óc sáng suốt, tư duy minh mẫn, đọc nhiều sách, sau đó mới có khả năng cứu đời; bằng không, ít có ai không giết người, vì bánh thuốc cũng như đao kiếm vậy. Ta chết, con cháu thận trọng, chớ xem nhẹ y đạo”.
Câu này đã nói rõ sự nghiệp y học là một sự nghiệp cao thượng cứu người giúp đời, lại cũng phản ánh đầy đủ thái độ trị học nghiêm túc của Diệp Thiên Sĩ.
Ông mất năm 1749, hưởng thọ 79 tuổi.
Theo Truyện về đức Lễ
Các tin tức khác
- Đọa ba đường ác (27/07/2015 2:13)
- Bên tòa kim cang dưới cội Bồ Đề (27/07/2015 2:05)
- Mỗi ngày ăn cái gì (26/07/2015 1:23)
- Quả báo của sự keo kiệt (25/07/2015 3:46)
- Thiền giúp giảm stress & thay đổi não bộ (24/07/2015 4:12)
- Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau (24/07/2015 4:08)
- Quyết định bị lung lay (23/07/2015 4:39)
- Các trường học cần dạy Thiền (23/07/2015 4:18)
- So bì (23/07/2015 4:14)
- Chân thiện, giả thiện (21/07/2015 11:15)