Do đâu mà làm ác

16/11/2015 3:28
Thiếu hiểu biết là ngu si, tên gọi khác của vô minh. Do ngu si mà làm ác, gây lỗi lầm là điều chúng ta có thể nhận thấy dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày.

Do tham mà làm ác

Khi hiểu khái niệm ác là làm cho người đau khổ, ta dễ dàng nhận ra rằng pháp ác được sinh ra từ gốc tham dục, vì trong giáo lý Tứ đế đã phân tích rõ, nguyên nhân của khổ đau là do tham dục. Gốc tham dục rất sâu, sâu đến mức dường như nó đồng hành cùng ta đến cõi đời này ngay từ lúc chui vào bào thai và nó xâm chiếm tâm, ngự trị tâm và trú trong tâm. Do tham mà lừa gạt người thân, do tham mà trong nhiều trường hợp, đứa con bất hiếu đã đoạt mạng sống của đấng sinh thành, người một đời tần tảo hy sinh cho mình được sống no đủ. Chính tham ái che mờ tâm trí, người ta không còn thấy đúng sai, thiện ác gì cả. Đức Phật dạy rõ, khi không còn ham muốn mới có thể thoát khỏi khổ đau (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm 2, kinh số 10 : S1,16)

Do sân giận mà làm ác

Trong cuộc sống, ta thường thấy nhiều người phạm tôi giết người chỉ vì mâu thuẫn ban đầu rất nhỏ, nhưng vì thiếu kềm chế, thiếu kiên nhẫn và không thể nhường nhịn nhau, họ đã vướng vào vòng lao lý chỉ vì sự nóng giận. Nhiều người giết để trả thù do tâm lý dồn nén, uất ức trào dâng chất ngất trong lòng. Các tình huống thì muôn hình vạn trạng, nhưng chung quy lại, do giận mà ai đó ráp tâm hại người đều là do sân giận mà tâm ác sinh khởi, được nuôi lớn và bùng nổ như một cách giải tỏa tâm lý bị thiêu đốt. Kết quả là đem thương đau đến cho mình và cho người, khi biết việc mình làm là sai và hối hận thì đã quá muộn màng.

Do thiếu hiểu biết mà làm ác

Thiếu hiểu biết là ngu si, tên gọi khác của vô minh. Do ngu si mà làm ác, gây lỗi lầm là điều chúng ta có thể nhận thấy dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày. Tất cả những lời dạy của đức Phật về vô minh cho chúng ta thấy rằng vô minh là điều đáng làm thì không làm, điều không đáng làm thì làm, do đó, đem lại khổ đau cho mình, cho người, khổ đau hiện tại và mai sau. Vô minh là thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề, nó có thể hành hoạt theo hai cách. Thứ nhất, những mê mờ bao quanh các nỗi lo sợ có thể khiến chúng ta không hiểu được những hiểm nguy mà mình đối mặt. Những nơi không có nguy hiểm thì chúng ta thấy có nguy hiểm, những nơi có nguy hiểm thì lại không thấy có nguy hiểm. Nếu bị ám ảnh quá mức về nơi không có nguy hiểm hoặc những nguy hiểm ấy quá nhỏ nhặt, chúng ta sẽ phí thời gian và năng lượng để tạo nên sự kháng cự vô ích, mà không chú ý đến chỗ có đe dọa thực sự. Ngược lại, nếu chúng ta loại những mối nguy hiểm thực sự như già, bệnh và chết ra khỏi suy nghĩ, chúng ta trở nên chủ quan trong hành động của mình, cho đến khi giật mình hiểu ra thì những nguy hiểm này đã đến quá gần, ta không có đủ thời gian và năng lượng để xoay xở gì được nữa.

Do lo sợ mà làm ác

Lo sợ là một tâm lý bất an, làm cho con người sống trong sự trói buộc, không thoải mái. Trong cuộc sống, chúng ta sợ đủ thứ: sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ mất đi những gì chúng ta yêu thích và đang sở hữu, và sợ nhiều thứ khác nữa (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương II, phẩm II, kinh số 9 : S1, 54). Một khi để tâm lý sợ hãi xâm chiếm và chế ngự, con người sẽ không làm chủ được mình, không tỉnh táo sáng suốt để biết rõ việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Người bị sợ hãi xâm chiếm, chế ngự là người mất cân bằng.

 

Trích Thức Ăn Nuôi Dưỡng Các Pháp Ác - TG: Hằng Như - Theo TVPS

Các tin tức khác

Back to top