Quyết tiến không lui

17/03/2013 6:29
Đây là điểm quan trọng. Đọc sử Phật, khi Ngài tu khổ hạnh không mãn nguyện nên cuối cùng nhận bát cháo sữa của nàng Sujata rồi đến tòa kim cang ngồi và phát nguyện: “Nếu không thành đạo thì quyết không rời khỏi đây.” Đó là bài học giác ngộ lớn cho chúng ta.

Chúng ta nên học theo Ngài nhưng cũng nên học vừa sức thôi, phải liệu sức. Vì đây là cuộc đời cuối cùng của Ngài trước khi thành Phật nên sức mạnh tròn đủ, chắc chắn thành Phật. Còn sức chúng ta chưa bằng Phật mà muốn bắt chước thì không nổi đâu. Nhưng ở đây chúng ta học tinh thần quyết tiến không lùi đó, chớ đừng bắt chước hôm nay về ngồi thiền không thành đạo thì không đứng dậy. Phải lượng sức mình.

Người phát tâm học đạo tu hành cần học tinh thần tiến tới, tức học đạo càng lâu, càng sâu thì phiền não càng bớt chớ không thể thêm. Học đạo lâu phải thêm sức tỉnh giác chớ không thể thêm sức mê, đó là tinh thần phải học theo. Phải tiến lên chớ không được lùi. Chúng ta tự kiểm học đạo được mấy năm rồi thì phiền não thêm hay bớt? Nếu không bớt hoặc đứng tại chỗ cũng không được, ít nhất là phải nhích tới một chút chớ không được đứng tại chỗ. Đó là tinh thần cần phải học theo.

Phải quyết tiến, khi gặp khó khăn khổ nạn chừng nào thì chí mình càng kiên cố, đừng gặp khó khăn rồi buông xuôi, mà càng gặp khó thì chí mình càng cứng chắc, càng vững để vươn lên như cá nhảy khỏi lưới. Nên mỗi năm khi lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo thì chúng ta phải thế nào? Là phải tiến sâu thêm vào đạo, rồi đem tâm đó để dâng lên cúng Phật và lễ Phật thì mới thật có ý nghĩa. Mỗi người phải luôn nhớ bài kệ Tứ Hoằng Thệ Nguyện để luôn luôn sách tấn chính mình.

- Chúng Sanh Vô Biên Thệ Nguyện Độ: Chúng sanh dù nhiều vô biên không có bờ mé nhưng phải thệ nguyện độ hết chứ không phải độ nửa chừng, không phải nhìn ai đó không thích rồi không độ, đó mới là tinh thần tiến tới. Tinh thần Bồ-tát là dù chúng sanh thuận hay nghịch cũng đều nguyện độ hết, chớ không phải chúng sanh này nghe lời nên độ, còn chúng sanh kia không nghe lời nên không độ. Phải tập mình có cái tâm rộng lớn để vươn lên và đây cũng là tinh thần phá ngã. Phật tử trong đạo tràng học theo tinh thần như vậy thì sống với nhau rất là vui vẻ. Chúng sanh nguyện độ hết thì huynh đệ trong đạo tràng chẳng lẽ không độ? Do đó lâu lâu có buồn vui chút chút thì nên xóa, hiểu được vậy rồi thì luôn tiến chớ không lùi.

- Phiền Não Vô Tận Thệ Nguyện Đoạn: Thệ nguyện độ hết phiền não, độ sạch chớ không phải độ một chút, phần còn lại thì để dành. Có nhiều Phật tử sợ độ hết phiền não rồi buồn, theo tinh thần này thì phải độ sạch hết, chưa hết thì chưa thôi. Thông thường ở thế gian nếu ai đó làm cho mình bực tức nóng giận thì hay nói là tôi chỉ nhịn lần thứ nhất thôi chứ lần hai lần ba thì không nhịn nữa, vì người đó chỉ đoạn lần thứ nhất chứ những lần sau thì không đoạn nữa, còn đây là phải nguyện đoạn dứt. Đó là tinh thần quyết tiến không lùi.

- Pháp Môn Vô Lượng Thệ Nguyện Học: Nghĩa là pháp môn nhiều vô lượng thệ học hết, không phải học chút ít rồi cho là đủ mà phải học hoài, không được học nửa chừng. Có người thấy mình học vài bộ kinh là thấy đủ, nhưng đây thì càng học càng thấy mình còn mê, không có là tinh thần tự mãn nên sẽ tiến bộ luôn luôn.

- Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành: Dù Phật đạo vô thượng nhưng chúng ta vẫn quyết phải thành tựu, không phải chỉ tu cầm chừng để được quả báo cõi trời là mãn nguyện. Phải quyết tu đến thành Phật đạo mới thôi.

Đây là bốn thệ nguyện rộng lớn nhằm mở rộng lòng người tu hành để luôn tiến không lùi.

Kinh Duy Ma có câu: “Trực tâm thị đạo tràng”, tức tâm ngay thẳng chất trực đó là đạo tràng. Nếu tất cả khéo học đạo như vậy thì mau có kết quả tốt. Trực tâm tức là tâm ngay thẳng. Từ khi mới phát tâm cho đến hết cuộc đời hiện tại chỉ thẳng một tâm là bảo đảm học Phật rất tinh tiến. Nhưng thường thì chúng ta không được như vậy. Khi mới phát tâm thì rất dũng mãnh, đến nửa chừng thì cong cong trở lại. Người tu mới quyết tâm xuất gia rất mạnh, không ai cản được, nhưng vào chùa ít lâu rồi thì một hai cái nhỏ nhỏ cản cũng được nữa, đó là tâm đã cong rồi. Chúng ta phải giữ “Trực tâm là đạo tràng”, ngay đây là đạo tràng chớ không phải tìm đạo tràng đâu xa hết. Học Phật là học theo tinh thần đó, cũng là những bài học giác ngộ. Quý Phật tử thấy ba điểm đó chúng ta học suốt đời đủ chưa?

Đây xin nhắc lại lời của Thiền sư Đạo Nguyên: “Học đạo là học tự ngã, học tự ngã là để quên tự ngã.” Nói học đạo chủ yếu là học tự ngã chớ không gì hết! Tức là để sáng tỏ lại chính mình, rõ được mê lầm của mình, biết cái nào là thật - không thật, cái nào là lầm - không lầm để rõ lại chính mình. Nếu chúng ta sáng tỏ chính mình thì càng sáng đạo, còn chúng ta chỉ lo học điều này điều kia, tìm ở đâu đâu có khi tìm hoài không thấy đạo.

Khi đã rõ được cái mê tức là giác, bởi vì giác là giác cái mê. Phật cũng từ chúng sanh mà thành Phật, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức đều có tánh giác, điều này đã được đức Phật xác nhận trong kinh Đại Bát Niết-bàn. Vậy thì ai ai cũng đều có cội nguồn giác ngộ, trí tuệ sáng suốt như Phật, chớ không phải là chúng sanh tối tăm này. Và quê hương của chúng ta là tánh giác, còn tánh chúng sanh không phải là quê hương của chúng ta. Nên chúng ta hiện giờ cần phải trở về quê giác chớ không thể sống mãi trong kiếp lầm mê, tức là không thể làm khách phong trần, lang thang xứ người mãi. Như trong kinh Pháp Hoa nói chàng cùng tử gốc là con ông trưởng giả chứ không phải là người đi xin ăn, là sở hữu cả gia tài đồ sộ, vì vậy mà cần trở về nhận lấy gia tài đó, đừng để đi xin ăn từng ngày.


TT. Thích Thông Phương (Thường  Chiếu)


Các tin tức khác

Back to top