Rồi cư sĩ suy nghĩ: Nay chưa phải thời, ngày mai mới phải thời để yết kiến Thế Tôn. Với ý nghĩ như vậy, Anàthapindika nằm ngủ. Trong đêm ấy, ông thức dậy ba lần, tưởng rằng trời đã sáng.
Rồi cư sĩ Anàthapindika đi đến rừng Sìta. Lúc bấy giờ, Thế Tôn thức dậy khi đêm vừa mãn và đang đi kinh hành ngoài trời.
Thế Tôn thấy Anàthapindika từ xa đi đến liền nói với cư sĩ:
Hãy đến đây, Sudatta!
Cư sĩ Anàthapindika cúi đầu đảnh lễ và bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, Ngài ngủ có an lạc chăng?
Thế Tôn trả lời:
Bà la môn tịch tịnh/Luôn sống trong an lạc/Không đèo bòng dục vọng/Thanh lương, không sinh y/Mọi tham ái đoạn diệt/Tịch tịnh, sống an lạc/Tâm tư đạt hòa bình.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Sudatta [lược],
VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.465)
LỜI BÀN:
Trong khi chờ đợi những công việc quan trọng sắp xảy ra hay gặp những phiền muộn, rắc rối, đa phần chúng ta cảm thấy bồn chồn, thấp thỏm, không ngủ được. Sự thao thức ấy vốn xảy ra rất bình thường trong cuộc sống con người, nếu không biết cách khắc phục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và công việc sắp đối diện. Cư sĩ Cấp Cô Độc cũng vậy, mong sớm được diện kiến Thế Tôn nên đã giật mình, thức giấc đến ba lần, cứ nghĩ là trời đã sáng và chắc chắn, ngày hôm sau sức khỏe của ông sẽ bị suy giảm vì mất ngủ.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, ngủ an lành là một yếu tố quan trọng để giữ gìn sức khỏe, luôn tỉnh táo, vui vẻ, tươi tắn trong cuộc sống và nhất là tạo ra sảng khoái, làm thăng hoa tinh thần. Muốn được vậy, trước hết phải thiết lập một đời sống an tịnh cho cả thân và tâm.
Về thân, một chế độ làm việc và ăn uống hợp lý rất cần thiết, tránh dùng nhiều những chất kích thích, chất béo; ăn chay cũng là một phương thức dưỡng sinh rất tốt cho giấc ngủ. Đặc biệt là phải thiết lập được sự bình ổn tinh thần. Dệt mộng, tơ tưởng, mong ước, hoạch định cho tương lai cũng rất cần cho cuộc sống nhưng nó cũng chính là thủ phạm quấy phá giấc ngủ an lành. Nói cách khác, chính lòng tham, dục vọng và những điều không như ý đã khuấy đảo tâm tư, làm cho con người đau khổ, bất an. Ngoài ra, những niềm vui thái quá cũng góp phần làm dao động, không ngủ được. Vì vậy, nhiếp tâm, tịnh tâm bằng những phương thức thiền định là điều cần thiết đối với mọi người.
Một người khi tâm thanh tịnh, không còn bị dục vọng chi phối, luôn sống trong niềm tịnh lạc thì lúc thức cũng như ngủ đều an lành. Mới hay, hạnh phúc đích thực ở đời là có thân thể khỏe mạnh và tinh thần an lạc, điều mà ông cha ta đã từng kinh nghiệm “Ăn được, ngủ được là tiên”.
Quảng Tánh
Các tin tức khác
- Chuyện Phật chỉ ra điều tốt và điều ác ( 7/02/2016 2:42)
- Những câu chuyện về Tết cổ truyền mẹ nên kể cho bé nghe ( 7/02/2016 2:14)
- Bốn hạng kẻ thù và bốn hạng người đáng thân ( 6/02/2016 1:44)
- Năm Bính Thân nói chuyện khỉ - Cái bẫy khỉ, nguyên nhân của khổ đau ( 6/02/2016 1:38)
- Xuân đời xuân đạo ( 6/02/2016 1:30)
- Câu đối xuân Bính Thân ( 6/02/2016 1:21)
- Luyện tâm để sống cho xứng đáng ( 5/02/2016 1:26)
- Thắp hương lễ Phật không được cầu mười điều gì? ( 5/02/2016 12:48)
- Ham muốn đến mức nào là đủ? ( 3/02/2016 12:04)
- Một cành hoa ( 2/02/2016 4:22)