Chúng ta ít giữ thời khóa, những việc “đột xuất” thường thích thú hơn những việc sắp đặt trong chương trình. Người xưa đạt đạo rất nhiều, còn thời đại chúng ta cũng nhiều người tu, nhưng nghe nói sáng đạo thì chưa nhiều. Đây là điều chúng ta nên suy nghĩ. Không thì ngày qua ngày rồi mất. Nếu chúng ta cứ buông xuôi... cho đến phút giây quan trọng cuối đời, không làm chủ được, lỡ mất thân này, theo nghiệp dẫn, trôi dạt đâu đó thì muôn ngàn đời chưa biết ngày trở lại của mình là ngày nào, ở đâu? Vì vậy nói chung, người tu theo Phật phải siêng năng tu trì.
Người tu phải là người chế ngự tâm. Chế ngự tâm tức là chế ngự những dấy niệm của mình. Tâm là cái gì không biết, nó vô hình vô tướng. Chúng ta chỉ biết được cái dụng do nó phát ra. Những vết tích của nó là tác động của căn trần thức. Nó không phải là cái thật chỉ là vọng tưởng. Vọng tưởng không thật, nhưng nếu không buông được, thì không phải nó không có. Chính vọng tưởng là cái dẫn ta đi trong luân hồi. Chính vọng tưởng làm ta bị cột trói trong cuộc đời này.
Chúng ta còn may mắn là được làm người. Chẳng may chúng ta ở địa ngục hay có phúc duyên ở cõi trời, một nơi quá khổ và một nơi chỉ có thụ hưởng... thì quả thật tu hành khó lắm, thưa quí vị! Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc tu hành của chúng ta. Vì vậy chúng ta phải chế ngự cho được vọng động của chúng ta. Còn chế ngự như thế nào thì mỗi người có một phương thức riêng, qua sự hướng dẫn của các vị Tổ, vị thầy. Đối với pháp không có gì cố định, nên phương thức chế ngự vọng tâm của từng người, chúng ta tôn trọng. Không dứt khoát phải thế này hay thế kia, mà tùy theo căn nghiệp của từng người, nên nẩy sinh sự tu khác nhau. Vấn đề chủ yếu là, làm sao chúng ta được định tuệ hiện tiền, không bị kéo lôi bởi ngoại cảnh.
Người tu phải là người tâm định. Nói dễ hiểu là đừng nghĩ tưởng nhiều. Nhưng chúng ta thì nghĩ tưởng và suy toán nhiều quá. Sự suy nghĩ và tưởng tượng là sản phẩm hào nhoáng của vọng tâm. Chính sự nghĩ tưởng vọng động làm đời sống của chúng ta trở nên già nua, suy yếu, cằn cỗi và phiền toái. Từng phút giây mình bị ngốn, bị trôi dạt, nhưng lại không biết, rồi lặng lẽ cho qua. Người xưa đã chiêm nghiệm thấy rõ và dặn chúng ta cố gắng đừng suy nghĩ nhiều. Nếu có suy nghĩ thì nên suy nghĩ có giới hạn, trong một phạm vi để tâm còn định. Còn cứ trôi dạt trong sự nghĩ suy tơ tưởng thì không thể tu được. Đây là căn bệnh trầm kha của người tu chúng ta, cần phải khắc phục.
Nếu người tu biết thiểu dục tri túc và siêng năng liên tục, chế ngự được tâm, dừng được những nghĩ tưởng thì người đó sẽ có trí tuệ. Đây là kinh nghiệm để lại của người xưa. Khi nào chúng ta áp dụng và dừng được những điều trên thì chúng ta có trí tuệ. Trí tuệ ở đây không phải là tốt nghiệp bằng cấp cao, hoặc tốt nghiệp ở những trường trên thế giới... mà trí tuệ này là do chúng ta buông bỏ vọng tưởng, làm chủ được mình, không bị kéo lôi bởi những hiện tượng truớc mắt. Nó là cái sẵn có của chúng ta, nhưng chúng ta từ lâu chẳng chịu nhận. Các vị Thiền sư nói “không bị quá khứ, hiện tại, vị lailàm khốn mình, đó là có trí tuệ”. Người có trí tuệ là người bất động, nên nói “tám gió thổi chẳng động”, là những người dám nhận lại “cái của mình”.
Trích Ý Nghĩa Của Người Tu - HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Bức thư có tiêu đề 'Con mơ ước trở thành một chiếc smartphone' khiến bất kỳ ai cũng phải đau lòng (21/02/2016 2:49)
- Cánh cửa cuộc đời (21/02/2016 2:15)
- Lạc quan sống trong mọi biến cố của cuộc đời (20/02/2016 2:42)
- Về trong tỉnh thức (19/02/2016 3:18)
- Đưa lòng tham vào "két" kiểm soát (19/02/2016 3:03)
- Tội của ai (18/02/2016 4:21)
- Giải quyết khó khăn và đau khổ (18/02/2016 3:44)
- Sống trong cuộc đời đừng dính đến quyền lợi (18/02/2016 2:55)
- Sức mạnh của những thay đổi nhỏ (18/02/2016 1:56)
- Mời gọi (17/02/2016 3:51)