Những mặt khác nhau của hạnh kham nhẫn

19/03/2016 12:53
Cũng vậy, hạnh kham nhẫn được hiển bày qua nhiều cách khác nhau. Ngài Munindra là hiện thân của hạnh kham nhẫn qua nhiều ý nghĩa khác nhau:

. Chịu đựng đau khổ do người khác gây ra.

. Nhẫn nại trước sự phỉ báng hoặc điều bất toại.

. Tha thứ cho ai gây tổn hại cho mình.

. Khoan dung hoặc không chống trả.

. Bền chí làm việc lợi ích cho người.

. Biết chấp nhận, tâm vững chãi, không mong cầu sự đền đáp, không tranh dành danh vọng tiền tài…

Trong đời thường, ngài Munindra biểu lộ hạnh kiên nhẫn qua các hành động đơn giản như ngồi chờ xe lửa (ở Ấn Độ thời gian chờ xe lửa có thể hàng giờ, có khi cả ngày) hoặc băng qua đường. Bob Ray kể lại một kinh nghiệm ở Calcutta: “Chúng tôi đến một trong những con đường rất rộn – vô cùng hỗn loạn, xe buyt và thú vật chen nhau, không đèn giao thông và tôi nghĩ thầm: “Làm sao băng qua con đường này? Chắc phải đứng mãi ở đây rồi!” Thầy chỉ đứng đó, chẳng tỏ vẻ bị cảnh tượng này phiền hà gì cả. Thình lình, một khoảng trống mở ra, và chúng tôi nhanh nhẹn len qua đường. Còn thầy vẫn điềm nhiên, thật kiên nhẫn, thật im lặng, thong thả bước qua đường!”.

Dwarko Sundrani, hội trưởng trụ sở Gandhi Ashram ở Bodh Gaya, gặp ngài Munidra lần đầu tiên năm 1954. Ông mô tả thầy là “một người rất hòa nhã và trong sạch”. Còn nhớ rõ những lần đàm đạo với nhau qua nhiều năm, nhất là bàn luận những điểm khác nhau về niềm tin giữa hai bên, như đức Phật là ai, giáo pháp là gì, thiền Vipassana phát xuất từ đâu v.v… Dwarko nói: “Tôi nghĩ những quan điểm Ấn Giáo của tôi không thuyết phục được ngài. Ngài trình bày nhận thức của mình, chúng tôi trình bày nhận thức của chúng tôi. Nhưng với bản chất ôn hòa, không tranh cải hay nóng giận, ngài chỉ nói: “Vâng. Vâng. Được rồi, được rồi”. Vì khuôn viên này có tên Samanvaya (sự hòa hợp) nên chúng tôi không muốn áp đặt điều gì ở đây. Lấy thí dụ về hoa hồng. Đây là một loại hoa đẹp, nhưng khi kết tràng hoa thì chúng ta sử dụng nhiều loại hoa khác nhau. Không phải vì hoa hồng kém đep hơn mà vì thứ hoa nào cũng hoàn mỹ. Cũng thế, nếu con người nhiều tôn giáo, nhiều tư tưởng, nhiều triết lý khác nhau, chúng ta vẫn có thể sống hài hòa với nhau”.

Dwarko nói thêm: “Bản tính hòa hợp này được nhìn thấy ở ngài Munindra. Có thể ngài sẽ không tin lời bạn, nhưng ngài không áp chế, không mâu thuẫn với bạn. Trong vùng này có nhiều phật tử. Họ sẽ không nghe theo chúng tôi và thường nói: “Chúng tôi đúng”. Còn với ngài, có thể ngài không đồng ý, song sẽ không khi nào ngài nói ngài đúng. Ngài chỉ im lặng”.

Zara Novikoff, trong lần đầu gặp gỡ ngài Munindra lần đầu tiên ở Bodh Gaya năng 1968, cũng nhận xét: “Thầy không bao giờ nóng giận, không bao giờ khăng khăng chứng minh quan điểm của mình, mà rất tử tế, hòa nhã và hóm hỉnh”. Theo Uffe Damborg, khi thấy thiền sinh bắt đầu tranh cải về vấn đề thầy đưa ra, thầy chỉ nói “Được rồi, đúng rồi! Các bạn đều có cách riêng của mình. Hãy cứ làm theo cách của mình”.

Jacqueline Schwarts Mandell thấy: “ Thầy vô cùng kiên nhẫn lắng nghe để tìm hiểu chúng tôi học hỏi ra sao. Thầy cũng rất cởi mở khi trao đổi những quan điểm khác nhau về giáo pháp. Thầy làm gương cho chúng tôi thấy rằng, nếu tôi hiểu khác về một quan điểm đạo pháp nào đó, tôi có thể trình bày ý kiến của mình mà không chấp chặc vào đó”.

 

Mirka Knaster – Thích Ca Thiền Viện dịch
Theo Thường Chiếu

Các tin tức khác

Back to top