Học cách lắng nghe

8/05/2016 11:15
Rất nhiều người trong số chúng ta cảm thấy mình cô đơn trên cõi đời này. Bạn bè dù nhiều nhưng dường như ta lại chẳng tìm được một ai để giãi bày tâm sự. Mỗi người lại bận bịu với những công việc riêng. Số khác thì không hợp hay không đủ tin tưởng để chúng ta trải lòng. Sự lạc lõng, cô đơn phát sinh chính vì ta không có được ai có thể hiểu và chia sẻ những suy tư trong mình. Chẳng phải do cuộc sống làm tăng khoảng cách giữa con người mà ở chỗ chúng ta không biết lắng nghe nhau đó thôi.

Lắng nghe tưởng chừng như là việc dễ dàng nhất mà ai cũng có thể làm. Nhưng hình như con người hay thích phóng đại mọi thứ lên làm cho nó trở nên phức tạp, để rồi một điều đơn giản mà chẳng mấy ai có thể thực hiện. Chỉ cần hiểu lắng nghe theo đúng nghĩa đen, chứ đâu cần chúng ta phải suy rộng, thêm bớt ý nghĩa của nó với điều gì. Lắng nghe là dùng đôi tai mình để nghe những lời người khác nói. Nghe là nghe trọn vẹn, nghe từ đầu tới cuối, nghe không bỏ sót, nghe trong im lặng, nghe bằng hết tâm trí của mình. Bạn có thể quên hết thế giới khi nghe bản nhạc yêu thích, vậy tại sao bạn không thể nghe người khác nói theo cách như vậy? Lắng nghe đâu có khó khăn gì.   

Song sẽ chẳng dễ dàng nếu chúng ta không cho mình cơ hội để có thể lắng nghe người khác. Làm sao có thể biết người khác đang muốn nói gì trong khi bạn chỉ thích chen ngang vào lời nói của họ để kể lể những câu chuyện của mình. Làm sao có thể lắng nghe một cách trọn vẹn nếu đầu bạn chứa đầy những suy nghĩ phiến diện cá nhân, nào là đánh giá về đối phương, nào là phán xét tính đúng sai trong những câu chuyện… Đó chính là những điều mà con người ta vẫn thường làm trong các cuộc nói chuyện với nhau. Thay vì biết lắng nghe, chúng ta lại chỉ muốn người khác nghe mình nói. Ta chẳng để ý xem người kia đang suy nghĩ thế nào hay muốn chia sẻ với mình điều gì. Nhớ ra điều gì hay ho là ta có thể ngắt quãng đột ngột để xen vào khi người kia đang nói. Ta vội vã thể hiện mình mà quên mất rằng đối phương cũng cần sự lắng nghe và chia sẻ.

Có bất công không khi bạn thiếu tôn trọng người khác mà lại đòi hỏi sự tôn trọng về nơi mình? Bạn muốn người khác lắng nghe mình, trân trọng những gì mình nói. Trong khi đó suy nghĩ, tâm tư của người kia lại chẳng được bạn lắng nghe và thấu hiểu. Cuộc đời vốn dĩ luôn công bằng là vậy. Nó sẽ trả về cho ta như cách ta đã cho đi với đời. Bạn có thể tìm được sự đồng cảm nơi người thì đến một lúc sẽ có người cũng có thể cảm thông, hiểu và chia sẻ với những suy nghĩ sâu kín nhất trong bạn. Bởi mỗi người đều có một sự tự tôn cao ngất, nếu không dung hòa được lẫn nhau, ai cũng muốn mình hơn, mình nhất thì chẳng thể nào con người có thể sát lại gần hơn. Bạn có tôn trọng đối phương thì tự nhiên cũng tạo được sự tôn trọng nơi người đó với bạn. Bạn có thể chăm chú lắng nghe người kia nói thì lời nói của bạn mới được người khác tiếp thu và trân trọng. Khi không thể hiểu cho người khác thì sao có thể đòi hỏi ai đó hiểu được mình. Lạc lõng, cô đơn đâu phải do đời đem đến mà tự chúng ta gây ra cho mình đó thôi.

Lắng nghe vốn dĩ rất đơn giản. Đơn giản như việc ăn cơm, uống nước vậy. Bởi cái ta cần chỉ là một đôi tai để tiếp nhận những thanh âm của người đối diện. Chúng ta không cần một cái miệng có thể nói quá nhiều hay cái đầu đầy một biển suy nghĩ. Lắng nghe trong im lặng và chăm chú là sự lắng nghe tốt nhất. Điều đó sẽ mang đến cho người đối diện cảm giác an tâm và tin tưởng. Nghe chỉ là nghe mà thôi. Vậy tại sao con người ta không thể thực hiện sự đơn giản này mà cứ phải nói thật nhiều, nghĩ thật nhiều rồi làm cho ý nghĩa của việc lắng nghe trở nên méo mó và khó thực hiện đến vậy?

Con người ta không bận rộn làm việc đến mức không có thời gian để quan tâm tới những người xung quanh mình. Chúng ta chỉ bận rộn thể hiện mình, giành giật sự chú ý của người khác tới vấn đề của mình nên mới không có thời gian để lắng nghe những câu chuyện mà người kia muốn chia sẻ. Cuộc sống trở nên lộn xộn và đầy rẫy sự bất công vì ai trong chúng ta cũng chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Nếu có thể hạ mình xuống một chút, biết nghĩ cho người khác, chia sẻ với người khác thì bạn sẽ thấy cuộc đời sẽ nhẹ nhàng, dễ thở hơn biết bao. Bởi chỉ khi cho đi rồi, chúng ta mới có thể nhận lại nhiều hơn thế.

Người ta thường nói im lặng là quý giá và là biểu hiện của sức mạnh lớn. “Tĩnh lặng là sự thể hiện cao cấp nhất của sức mạnh” (Swami Vivekananda). Và nó cũng chính là một phần không thể thiếu, để bạn có thể học cách lắng nghe, thể hiện được sức mạnh của lắng nghe, và từ đó, hiểu nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn.

Chap Zen - Theo Hơi Thở

Các tin tức khác

Back to top