Thường người ta hay sợ chết, không dám nghĩ hay nói đến cái chết, cho dù gần chết cũng vậy, khi cái chết đến thì hoảng hốt. Còn chúng ta là người học đạo, phải luôn nghĩ về cái chết để khi đến giây phút đó không lấy làm lạ. Bởi vì ai cũng phải chết, có sanh thì có tử là lẽ thường nhiên, không ai tránh khỏi được.
Hòa Thượng Ân sư có bài pháp “Con Tàu Kỳ Lạ”, nói về chiếc xe lửa đặc biệt có nhiều toa mà không người lái. Toa trên tàu có nhiều hạng: từ hạng nhất, hạng nhì….cho đến các hạng thấp xấu. Mỗi hành khách có hành lý riêng, cùng đi chung một con tàu. Trên tàu có vô số người lính, áp tải hành khách lên các toa khác nhau. Tàu tự động chạy từ thành phố ra biển. Vì con tàu chạy đường dài, nên có người mệt thì ngủ vùi, có người lo ăn uống hay vui chơi suốt đêm, có người khi say sưa thì cãi nhau rồi đánh nhau……. Bao nhiêu cảnh chen lấn, giành giựt, ồn ào đều xảy ra trên tàu, nhưng con tàu vẫn cứ tiến ra biển. Tàu chạy qua nhiều phong cảnh, cảnh vật bên ngoài thay đổi liên tục. Cảnh đẹp thì thích ý, có người muốn tàu chạy chậm để ngắm xem cho kỹ. Còn cảnh không thích ý, thì muốn tàu chạy nhanh. Nhưng con tàu vẫn chạy đều đều không theo ý ai hết. Hành khách trên tàu bị các cảnh vật trước mắt và những lo nghĩ, quên mất điểm đến cuối cùng của tàu là gì?
Những hành khách đi trên tàu không phải ai cũng đến được bến đỗ. Có những trường hợp gặp nhiều chuyện buồn bã, bất như ý, phiền muộn, đau khổ…., nhiều hành khách đã nhảy ra cửa tàu tìm cái chết trước khi tàu đến bến. Hoặc có những sự tranh giành, cãi nhau về chỗ ngồi, về tiện nghi, họ quăng ném nhau ra khỏi toa tàu…, tất cả tạo nên những sự náo động nguy hiểm, bất an cho hành khách và con tàu.
Tuy vậy trong số những hành khách trên tàu, có vài người biết rõ số phận của mình là tàu sẽ đi thẳng xuống biển, nên âm thầm lặng lẽ ngồi tìm những miếng cao su vụn, kết lại thành những chiếc phao để dành sẵn. Khi họ làm công việc này, lại bị những người xung quanh nhìn bằng con mắt khinh khi, chê cười cho là những người khùng điên, làm việc không đáng. Mặc ai nói cười gì thì nói, họ vẫn tiếp tục làm việc của mình.
Thế rồi, con tàu cũng đến bến đỗ cuối cùng, trước mắt là biển cả bao la, con tàu vẫn tiến tới. Những hành khách trên tàu bây giờ mới hoảng hốt, lo sợ la lối yêu cầu con tàu ngừng lại. Nhưng con tàu không ngừng. Tại sao? Vì đây là con tàu không người lái. Và cuối cùng tàu đâm xuống biển. Tất cả hành khách theo con tàu đều chìm xuống biển, riêng chỉ có những người bị gọi là điên khùng lại có phao, họ ôm phao bình tĩnh bơi vào bờ.
Hợp pháp câu chuyện: Những người lính áp tải trên tàu là nghiệp lực, đưa đẩy dẫn con người đi vào chiếc tàu. Còn các toa tàu hạng nhất, nhì, tốt, xấu……, tùy theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi người mà ngồi vào toa của mình. Như hiện tại, người tạo nghiệp tốt thì sanh ra trong hoàn cảnh tốt, còn nghiệp xấu thì sanh vào hoàn cảnh xấu. Phong cảnh, cảnh vật bên ngoài là năm trần. Các trần cảnh bên ngoài luôn thu hút lôi kéo con người khiến quên mất, không nhớ được điểm cuối cùng kia. Còn những hiện tượng tâm lý vui buồn, thương ghét bên trong là tam độc, bát phong luôn thường thổi đến.
Sự vận chuyển liên tục của con tàu là thời gian. Thời gian cứ trôi đều, và điểm khởi đầu cùng điểm cuối của con tàu là con đường sanh và tử.
Bắt đầu đi là sanh ra, chạy tới chỗ cuối là tử, ai sanh ra rồi cũng đến điểm cuối cùng là cái chết, đó là điều chắc chắn không tránh khỏi. Nhưng vì vô minh nên ta say đắm những dục trần trước mắt, tạo nghiệp chịu khổ, không nhớ được điểm cuối là cái chết.
Người tỉnh giác biết phải lo tu tập đạo nghiệp, kết những cái phao, dù khi ngồi kết bị chê cười là ngu, là điên, nhưng vì đã có hướng đi, thấy được cái gì phải tới trước mắt, nên ai nói gì thì nói, họ cứ làm công việc của mình. Đó là cái khéo của người biết tu, nhẫn chịu sự nhạo báng chê cười của mọi người, chỉ lo kết phao chuẩn bị cho điểm đến cuối cùng của đời mình.
Có người lý luận tu cũng chết, không tu cũng chết, vậy tu làm chi? Do đó họ mặc tình hưởng thụ. Quả thật, trong thế gian này, từ vua chúa giàu sang đến kẻ cùng cực nghèo hèn, cuối cùng rồi ai cũng chết, đó là chuyện thường tình. Nhưng trong cái chết của mỗi người lại có điểm khác nhau.
Người không biết tu, chết trong mê lầm tối tăm, hoảng sợ đau khổ, chới với không có điểm tựa. Còn người biết tu khi chết được bình tĩnh, an ổn vào bờ, vì đã lo chuẩn bị phao sẵn từ trước. Điểm khác nhau là như thế! Người biết rõ lẽ vô thường, khi cái chết đến không bị bỡ ngỡ.
Trong kinh Pháp Cú kể câu chuyện: Có bốn vị Phạm Chí tu đắc được ngũ thông, nên biết trước là bảy ngày nữa mình sẽ chết. Họ nghĩ đã có ngũ thông vì sao lại đành chịu chết? Nên cùng nhau bàn tìm lối thoát. Vị thứ nhất nói: “Tôi dùng thần thông lặn xuống lưng chừng biển sâu, trên thì không nổi lên, ở dưới không chạm đáy, quỷ vô thường không biết rõ chỗ nào để đến bắt”. Vị thứ hai nói: “Tôi dùng thần thông vạch núi Tu-di vào trong giữa núi rồi khép lại. Quỷ vô thường có đến cũng không thể bắt được”. Vị thứ ba nói: “Còn tôi dùng thần thông biến mất, ẩn trong hư không, đâu có thể tìm ra được”. Vị thứ tư nói: “Tôi vào giữa chợ đông người lộn xộn, khi quỷ tới không biết ai, gặp người nào bắt người đó”. Bốn người đều làm theo như vậy. Nhưng đúng vào thời gian đó các vị đều chết hết. Người ở biển thì nổi lên; người trên hư không thì rớt xuống; người trong núi thì trồi ra, và người trốn trong đám đông thì nằm chết giữa chợ.
Đức Phật nghe được chuyện liền nói bài kệ:
Dù trốn giữa hư không,
Hay biển khơi, núi rộng,
Không một nơi nào cả,
Tránh khỏi được tử vong.
Vậy, chúng ta sợ chết có khỏi không? Sợ cũng không khỏi vậy sợ làm gì? Quan trọng là không mê lầm, sáng suốt biết rõ từng sự việc là tốt rồi.
Vua Trần Thái Tông (Việt Nam) là một ông vua thiền sư ngộ đạo, có sức sống thật sự. Tuy làm vua, sống cuộc đời cao sang vương giả mà lúc nào Ngài cũng lo kết phao. Nên trong bài “Nói rộng về sắc thân” nhà vua cảnh tỉnh cho nhau: “Chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết, hoặc để trong nhà thì vòi đục tửa sinh, hoặc ném ra đường thì quạ ăn chó xé. Người đời bịt mũi đi qua, con hiếu thì lấy mền quấn giấu; nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương, quan quách phó cho đóm lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông. Khi xưa tóc đen má ửng, ngày nay xương trắng tro đen.” Khi chết rồi con cháu thương thì lấy mền quấn, bỏ vô hòm mà chôn. Đem quan quách phó mặc cho đóm lửa ma trơi nơi đồng hoang, đâu có ai ở đó mà giữ. Mồ mả giao cho muôn dặm núi sông ngoài hoang dã, mục đích cuối cùng cuộc đời, là hiện tượng như vậy.
Đó là điều chúng ta phải luôn quán niệm kỹ về cái chết, để không bị mê lầm và cũng là chuẩn bị cho tự thân của mỗi người, biết trước lẽ thật chắc chắn là như vậy, khi việc đến sẽ không bị bở ngỡ. Người Tây Tạng có câu: “Ngày mai hay đời sau điều gì tới trước, ta không thể biết được!”. Tức là hôm nay sống, nhưng ngày mai chưa biết còn sống hay không, ngừng thở là chết qua đời sau rồi. Lẽ thật của sự vô thường là như vậy, phải quán kỹ để chuẩn bị cho chính mình.
NIỆM VỀ CÁI CHẾT - Thích Thông Phương
Các tin tức khác
- Mở mắt tuệ thấy đúng lẽ thật (23/05/2016 1:58)
- Bảy phần tám của vấn đề (22/05/2016 2:57)
- Cảm xúc mùa Phật đản! (20/05/2016 12:03)
- Ý nghĩa lễ Phật đản (19/05/2016 11:51)
- Hà Nội: Tư gia kính mừng Phật đản PL: 2560 (19/05/2016 10:58)
- Hà Nội: Rộn ràng không khí rước Phật đản sinh tại Tổ đình Hồng Phúc - Hòe Nhai (19/05/2016 4:38)
- Đức trân trọng hiếu sinh (19/05/2016 12:19)
- Việc quá khứ, hãy để cho nó qua đi! (18/05/2016 11:06)
- Cách hóa giải hận thù (18/05/2016 12:11)
- Chánh kiến và sự tự do (17/05/2016 11:17)