Tu Phật phải hiểu Phật

6/10/2016 12:23
Chúng ta là đệ tử Phật, tu theo Phật, Phật là thầy, là bậc hướng đạo của chúng ta. Đệ tử thì luôn luôn quý kính Thầy, nguyện đi theo con đường Thầy đã đi, làm theo những hạnh nguyện Thầy đã làm. Muốn tu theo Phật trước hết phải hiểu Phật.
Nếu chúng ta chỉ kính nể, lễ lạy Phật thôi thì chưa đủ, mà phải hiểu Ngài. Hiểu để tu. Ngoài lòng quy ngưỡng kính trọng ra, giữa thầy và đệ tử còn phải có độ giao cảm nữa, mới có thể truyền nối mạng mạch Phật pháp.

Đặt vấn đề hiểu Phật, trong khi Ngài đã nhập Niết-bàn hơn 25 thế kỷ rồi, còn đâu để chúng ta thưa thỉnh, kể lể tâm tư cho Phật nghe và Phật dạy lại mình, không gặp gỡ làm sao mà hiểu. Thế thường, trước khi muốn hiểu nhau ít nhất phải nói chuyện, sống chung, hoặc tâm tình một đôi lần mới hiểu được. Nếu không hiểu thì tu theo Phật, biết có đúng với ý Phật không. Thế thì chúng ta nghĩ sao về chữ hiểu Phật?
 
Phước duyên của chúng ta không bằng quí thầy cô, cận sự nam, cận sự nữ hồi Phật còn tại thế. Chỉ cần lực dụng của Phật tác động nhẹ lên là quý ngài nhận ra yếu chỉ tu hành ngay. Cho nên trong kinh A Hàm thường nói, sau thời pháp của Thế Tôn, chư Tỳ-kheo đều đắc pháp nhãn tịnh, tức là được con mắt pháp thanh tịnh, con mắt trí tuệ. Chỉ cần một lời nói, một cử chỉ nhẹ nhàng của bậc giác ngộ đủ sức động viên hàng đệ tử tu tập tốt. Bây giờ tuy đức Phật bằng xương bằng thịt không còn, nhưng niềm an ủi lớn lao nhất đối với chúng sanh đời sau là giáo pháp của Như Lai vẫn còn lưu bố khắp trong đời, gọi là Pháp bảo. Pháp bảo được chư tăng tu hành thanh tịnh, đúng theo pháp theo luật Phật đã dạy, giữ gìn truyền nối nhau cho tới ngày nay, gọi là Tăng bảo.

Chư Thánh đệ tử của Thế Tôn đã thấu triệt được giáo lý đó và ứng dụng vào công phu tu tập, đạt kết quả như những gì đức Phật hằng mong muốn. Niềm tin từ sự tu tập là niềm tin kiên định nhất và có giá trị mồi đèn tiếp lửa cho những thế hệ sau. Các thầy có tu chứng thật sự mới tin Phật như thế, đồng thời mới đủ sức nắm giữ giềng mối đạo pháp, thắp sáng đuốc tuệ cho hậu thế. Nhờ sự có mặt của giáo pháp và Tăng bảo mà chúng ta có thể học Phật, hiểu được lời Phật dạy, từ đó ứng dụng tu hành cho mình và cùng chia sẻ với các bạn đồng tu. Chúng ta đồng chí hướng tu tập, bởi vì thấy giáo pháp của Phật rất hay, rất có giá trị đối với việc chuyển hóa tâm linh của mình. Do đó thay vì chạy theo thú vui ngũ dục, chúng ta cùng đến với Phật pháp. Như vậy chứng tỏ giáo lý nhà Phật có một sức thuyết phục rất lớn.

Chúng ta tu Phật mà không hiểu Phật chi bằng đừng tu. Phật tử không học giáo lý chỉ đến chùa cho vui, cúng kính theo truyền thống tín ngưỡng nhân gian, xưa bày sao nay làm vậy, đến chùa chỉ để cầu nguyện van vái đủ điều gì thật là oan cho đạo Phật. Phật không có dạy như vậy. Thế thì Phật dạy điều gì? Chúng ta biết chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, nghĩa là chỉ cho chúng sanh biết các con cũng có thể tu hành thành Phật. Pháp của Phật như ngón tay chỉ mặt trăng, chúng ta nương đó mà nhìn lại mình. Cho nên hiểu Phật không phải chỉ hiểu giáo pháp hay hiểu ông Phật ở Ấn Độ cách đây hơn 25 thế kỷ. Hiểu Phật là hiểu ông Phật nơi chính mình. Đó là mục đích Thế Tôn thị hiện ra nơi đời để chỉ dạy chúng ta. Hiểu được như vậy, tu Phật mới có giá trị, mới xứng đáng là người phật tử.

Có lần đoàn học giả gồm các vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ nước ngoài như Anh, Pháp, Đức đến xin gặp Hòa thượng Ân sư, thưa hỏi những thắc mắc về Phật pháp. Họ thuộc đạo Thiên Chúa, đạo Tin lành và một số người không theo đạo nào cả. Đoàn đưa ra nhiều câu hỏi, trong đó có câu này: 

- Bạch Hòa thượng, mục đích lớn nhất của đạo Phật là gì?

Ngài trả lời: 

- Mục đích chủ yếu nhất của đạo Phật là giúp cho mọi người biết được mình, trở về với mình và sống với chính mình.

Các vị nghe xong đều cười, nhưng chưa hài lòng. Họ nói:

- Bạch Hòa thượng, theo chúng tôi, mình mà không biết mình thì biết ai? 

Hòa thượng hỏi lại:

- Xin hỏi, quý vị có biết quý vị không?

- Biết chứ!

Hòa thượng nói: 

- Cho tôi hỏi một câu nữa. Quý vị có thể biết gan phổi lá lách của quý vị như thế nào, máu chảy vận tốc bao nhiêu. Trong thân, có bao nhiêu tế bào quen lạ nhập cư thường trú, tạm trú, quý vị biết hết không?

Khách nghe tới đây có hơi giật mình. Hòa thượng cười nói tiếp: 

- Chỉ phần thân thôi, chúng ta còn chưa nắm được, huống là phần tâm vốn phức tạp và vô thường, làm sao ta biết được. Chẳng hạn quý vị có muốn buồn không? 

- Buồn mà muốn làm chi, thưa Hòa thượng.

- Dĩ nhiên là quý vị không muốn buồn rồi, nhưng có bao giờ quý vị buồn không?

- Dạ có.

- Không muốn buồn mà vẫn cứ buồn, không muốn nhớ mà vẫn cứ nhớ, không muốn lo mà vẫn cứ lo, làm sao biết tâm mình ở chỗ nào? Đạo Phật chỉ xoay về mình, biết được mình, làm chủ được mình, coi như xong việc. Như tất cả quý vị đến đây, có người muốn nghiên cứu đạo Phật, có người không muốn, chỉ tùy tùng theo đoàn thôi. Cho nên khi tôi nói, có vị chăm chú nghe, có vị để tâm suy nghĩ chuyện này chuyện nọ. Như vậy để thấy tâm chúng ta trôi chảy không ngừng, hết nghĩ cái này đến nghĩ cái khác, do đó nó vô thường. Mình không biết nó tiếp diễn tới đâu, cũng không điều hành được nó.

Nghe đến đây, một số vị trong đoàn gật đầu. Tất cả đều chăm chú lắng nghe.

Hạnh Chiếu (còn nữa...) - Theo Thường Chiếu

Các tin tức khác

Back to top