Tùy thuận hoàn cảnh

2/05/2013 3:30
Khi đã hiểu “tùy duyên” thì sự tùy thuận theo hoàn cảnh rất có ý nghĩa, ở chỗ dù thuận hay nghịch, bản thân hành giả Phật giáo không được quyền ỷ lại hay bỏ cuộc nửa chừng.

Có hai nội dung là đánh mất lập trường và tuỳ duyên bất biến. Đối với trường hợp, tùy thuận theo cách “Cuốn theo chiều gió”, hoặc “Nắng bề nào che bề đó”, đương sự là người ăn ké, ăn theo, bị lệ thuộc hoàn toàn vào tính điều kiện của mọi diễn tiến trong xã hội, không có lập trường, không có khuynh hướng, không có sự vững chãi cho bước đi của mình. Những người như thế dễ dàng đứng núi này trông núi nọ, bỏ núi này ngắm núi kia, cuối cùng cái họ đạt được đôi lúc tệ và thua kém rất nhiều so với những cái họ đã vứt bỏ. Cho nên, chạy theo hoàn cảnh để mong phần tốt đẹp cho mình, bất chấp những giá trị tốt cho cộng đồng, cho xã hội, tùy thuận như vậy là không nên.

Đối với tùy duyên bất biến, đương sự biết rõ các hoàn cảnh xảy ra trong xã hội thường không thuận theo ý muốn của mình, bất mãn có thể diễn ra nếu thiếu tâm niệm và sự phấn đấu. Người đó có thể trở thành những kẻ nổi loạn, bất đắc chí, và không còn nỗ lực nào thay đổi hoàn cảnh nên phải chấp nhận. Bất mãn như thế là tiêu cực.

Bất mãn thứ hai có tính xây dựng. Nhìn thấy những gì chưa hoàn chỉnh, chưa tốt, chưa ấn tượng, thay vì trách cứ, phê bình, người đó đầu tư và đặt mình vào hoàn cảnh như thế trong tương lai để không bao giờ rơi vào tình trạng tương tự. Lắng nghe phê bình để thấy được những điều còn sở đoản. Nhờ vậy, người đó có động lực nung đúc chí nguyện lớn, tinh thần dấn thân mạnh, và phương tiện này như một chất xúc tác giúp càng hoàn thành tốt những gì đang hoàn thành ở hiện tại và tương lai. Bất mãn như vậy tạo ra phát minh, đóng góp với những giá trị tích cực.

Khi đã hiểu “tùy duyên” thì sự tùy thuận theo hoàn cảnh rất có ý nghĩa, ở chỗ dù thuận hay nghịch, bản thân hành giả Phật giáo không được quyền ỷ lại hay bỏ cuộc nửa chừng.

Tùy thuận có thể tạo ra thành công, nhưng nếu sử dụng sai phương cách thì sự thuận này dẫn theo các bế tắc khác, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng ăn chơi, hưởng thụ, phung phí, xa xỉ, không biết kiệm đức, và kiệm phước. Việc tiêu xài trong thuận cảnh như vậy, dẫn đến tình trạng trắng tay trong tương lai theo công thức “tọa thực sơn băng”. Đó là sự tổn thất.

Còn trong tình huống chướng tai gai mắt, phiền não, cau có, khó chịu có thể dẫn theo phản ứng của lòng tham, lòng si. Chúng ta phải tự tâm niệm rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Không có một con đường tốt nào không trải trên những mảnh đất gồ ghề, thậm chí trong sự lấp đất đó phải có đá, giẫm đạp có thể bị đau chân. Nếu không chấp nhận trải qua những con đường như vậy, thì con đường nhựa tốt hay bằng bê-tông khó có thể được thành tựu. Mỗi nghịch cảnh hoặc khó khăn tạo ra giá trị bài học kinh nghiệm và sự thành công cho chúng ta. Do đó, không nên chán nản, thất vọng mà hãy nuôi chí nguyện lớn thì sẽ làm được nhiều việc tốt.

Thuận cảnh dễ làm cho người ta chìm đắm trong hưởng phước, không phấn đấu để vươn lên, có thể rơi vào tình trạng ngủ quên trên chiến thắng, hoặc ngủ quên trên phước báu. Còn trong điều kiện nghịch cảnh thì ý chí và lập trường sẽ mạnh hơn, nó có động lực thúc đẩy.

Vì sao nhân tài xuất hiện ở miền Trung và miền Bắc nhiều hơn miền Nam? Vì môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi làm cho người miền Nam có tính ỷ lại. Người miền Nam mỗi buổi sáng tà tà uống cà-phê, nhâm nhi vài tách trà, chiều uống rượu xả láng. Thậm chí, mượn nợ để ăn chơi hôm nay, chuyện ngày mai để ngày mai tính. Khí hậu, đất đai, đồng ruộng vốn ưu ái miền Nam hơn miền Trung và miền Bắc. Cho nên người nghèo ở miền Nam vẫn có lúa gạo ăn. Đó là lý do chính khiến mức độ phấn đấu vươn lên trong thuận cảnh không cao bằng những vùng “kiến ăn cỏ, cỏ ăn đá”, đủ sự trở ngại, nhưng như thế càng làm cho người ta phải phấn đấu, vì nếu không sẽ không đảm bảo được tương lai vững chắc.

Do đó, trong nghịch cảnh, con người trưởng thành hơn trong thuận cảnh. Chỉ trừ những bậc đã giác ngộ, người có chí nguyện lớn thì dù thuận hay nghịch, họ đều có thể sử dụng hoàn cảnh, phương tiện vốn có hay không có để làm những việc lợi lạc. Tùy thuận hoàn cảnh, nhất là có tinh thần làm chủ cảm xúc, để tận dụng thuận và nghịch đó phấn đấu vươn đến thành công. Thuận theo hoàn cảnh như vậy mang lại giá trị trước nhất là sự hoan hỷ cho bản thân mình, sau đó dẫn đến sự tùy hỷ ở tha nhân.

Những mảnh đời bất hạnh đạt thành công lớn trở thành những bài học, mỗi khi người khác nghĩ đến có sự tùy hỷ rất lớn. Người ta thường chỉ ca ngợi những người trong khốn khó mà thành công, chứ đâu ai ca ngợi trong phương tiện đầy đủ mà thành công. Sinh ra trong gia đình nghèo khổ, cha mẹ tàn tật, bản thân đi bán vé số hàng ngày, nhưng đậu cùng lúc mấy trường đại học, thành công văn bằng này, chức nghiệp nọ, mới đáng được tán dương. Còn nếu sinh ra trong gia đình hoàn cảnh thuận lợi, cha mẹ thương yêu, tiền bạc đủ đầy, cơm ăn, áo mặc, xe cộ, và các phương tiện mà thành công, mặc dù cũng đáng khen nhưng không gây ấn tượng mạnh bằng những người ở trong tình huống nghịch cảnh hoạn nạn.

 

Thầy Thích Nhật Từ (Trích từ sách Con Đường An Vui)

Các tin tức khác

Back to top