Như bài kệ của vua Trần Nhân Tông, nhiều người nghe quen quá thành ra xem thường:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Nghĩa là sao? Nghĩa là ở đây nhận ra Bản tánh chân thật của mình hay của báu sẵn có trong mình rồi, thì khỏi cần phải chạy, phải tìm kiếm đeo đuổi cái gì bên ngoài nữa, nghĩa là không để cho cảnh nó lôi mình, nó làm mất mình. Như vậy mình sống ngay trong lòng đời này, ở giữa thế gian này mà vẫn vui với đạo, đó là biết tùy duyên, mà tùy duyên như vậy là để làm chi? Là để sống với Bản tánh của mình, sống trở về với Bản tánh chân thật, ngoài rakhông có gì quan trọng. Đó gọi là tùy duyên sống với Bản tánh, tiêu nghiệp cũ mà không tạo thêm nghiệp mới.
Như vậy tùy duyên mà thường sáng tỏ không có mê, không có mờ, tùy duyên mà không đặt thành một “cái ta” trong đó. Đó là điều quan trọng, còn tùy duyên mà có cái ta trong đó thì không phải tùy duyên. Cũng như ở đây “đói đến thì ăn, mệt ngủ liền” nhưng nếu còn có cái ý niệm là đói nên ăn hay không nên ăn thì sao? Đó là chen cái ta vào trong đó, tức là cái gì nên ăn hay không nên ăn ? Đó là hết tùy duyên. Cho nên tùy duyên ở đây là thuận theo Tự tánh để sống trên đời, để cho nó luôn luôn được hiện hữu khắp nơi, đó mới là tùy duyên chân thật.
Ngài Sùng Tín sau khi ngộ đạo, Ngài hỏi vị thầy là Thiền sư Đạo Ngộ: “Làm sao để bảo nhậm (giữ gìn) ?” Ngài Đạo Ngộ bảo rằng: “Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết phàm tình, không thánh giải khác.” Nghĩa là mặc tình thuận theo cái tánh đó mà tiêu dao tự tại, tùy duyên phóng khoáng thôi, chỉ cốt làm sao hết được cái tình phàm này, tình mê này chớ không có thêm một cái kiến giải thánh gì khác, không thấy có chứng có đắc gì khác nữa, đó là tùy duyên. Tùy duyên như vậy làm sao bắt chước đây?
Chỗ này là phải sống, biết rõ mình có cái chân thật rồi thì sống tùy duyên, duyên đến thì tiếp, duyên qua thì thôi, không có cố chấp, không có mong cầu thêm nữa. Đó là vì có được chỗ sống vững vàng trong này rồi, nên mới tùy duyên được như vậy, mới tiêu được những nghiệp cũ và nghiệp mới không tạo thêm.
Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài có bài kệ:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Giống như con nhạn bay trên không, nhạn bay qua thì bóng hiện dưới nước, nhạn không có ý lưu dấu vết lại dưới nước. Và bay qua rồi thì bóng mất, nước cũng không có tâm giữ bóng con nhạn lại. Đó là tùy duyên, nhạn bay qua là duyên đến thì bóng nó hiện trong nước, duyên qua rồi thì nước không lưu bóng lại.
Còn mình thì sao? Có khi duyên chưa đến mà kêu nó đến! Rồi duyên qua thì giữ lại không cho nó qua! Chính vì vậy cho nên khổ. Ngay trong lúc ngồi thiền cũng còn muốn giữ lại nữa. Ngồi thiền nhớ lại, giữ lại, lưu lại trong này, đó là không biết tùy duyên, còn biết tùy duyên thì tâm lúc nào cũng trong sáng, đâu có cái gì lưu lại trong đó thì có gì mà ngăn ngại ?
Có vị Tăng hỏi ngài Triệu Châu:
- Thế nào là cầu đá Triệu Châu?
Ngài đáp:
- Độ lừa độ ngựa.
Ở gần chỗ ngài Triệu Châu Tùng Thẩm có cái cầu đá do ông Lý Ưng làm, cầu đá cũng nổi tiếng, cho nên nghe nói tới cầu đá Triệu Châu là ai cũng biết. Nhưng ở đây ông Tăng hỏi “thế nào là cầu đá Triệu Châu” ý lại khác. Ngài đáp : "Độ lừa độ ngựa", độ tức là đưa, đưa lừa đưa ngựa qua hết. Như vậy quí vị hiểu sao là “cầu đá Triệu Châu”? thấy được “cầu đá Triệu Châu” chưa ?
Thường nghe hỏi cầu đá, người ta tưởng ngay cái cầu bằng đá. Nhưng ở đây, ý ông Tăng này chuyện đó ai cũng biết rồi, ông cũng ở đó thì ông biết rồi, đâu cần hỏi làm chi nữa. Vậy hỏi cầu đá này là hỏi cái gì? Đó là chỉ cho cái lý thật. Cho nên ngài Triệu Châu đáp “độ lừa độ ngựa”. Lừa ngựa gì cũng độ hết, đều cho đi qua hết. Lừa là loài vật, ngựa cũng là loài vật mà cái cầu đá độ hết, cho đạp đi qua hết, nhưng cầu đá không phải là lừa, không phải là ngựa, không đồng hóa nó với lừa với ngựa, đó là tùy duyên.
Còn mình thì sao? Độ thì phải độ làm sao? Phải độ những hạng thượng căn, hạng Bồ-tát chớ lừa ngựa đâu để cho đi qua. Mà không để cho đi qua tức là còn cái ngã trong này, bị cái ngã nó che. Cho nên ở đây muốn thấy lý thật thì phải như vậy, độ lừa độ ngựa, cái gì cũng là tùy duyên hết, cái gì cũng cho đi qua nhưng nó không là cái gì, khôngđồng hóa với cái gì .
Không đòi hỏi theo một cái ngã, không sanh những niệm sanh diệt hay lấy bỏ gì hết, đó là tùy duyên. Còn mình thì phải lựa, độ thì cũng phải lựa, người đó mình thương mình mới độ, còn không thương thì đâu có độ, đó là còn mắc kẹt. Còn ở đây thì độ hết, chỉ thuận theo duyên để sống trở về với Tự tánh, để làm sao cho Tự tánh của mình luôn luôn có mặt, không có vắng, vẫn luôn luôn sáng ngời trong tất cả mọi duyên, đó là khéo tùy duyên, tùy duyên mà đúng lý không lầm lẫn. Như vậy với nghĩa tùy duyên này mình làm được chừng bao nhiêu? Hiểu được như vậy mới thấy nghĩa tùy duyên rất là sâu.
Trích Sống Với Hai Chữ Tùy Duyên - HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Hoàn cảnh nào cũng có thể tu được (25/11/2016 1:34)
- Bài học đạo lý từ sự cúng dường (23/11/2016 11:48)
- Muôn vật hiện có trên cõi đời đều là tương đối (23/11/2016 11:43)
- Phép màu của hơi thở đem lại sự an lành (23/11/2016 1:50)
- Dòng sông tĩnh lặng (23/11/2016 1:42)
- Phản bổn hoàn nguyên (22/11/2016 3:02)
- Thân thể là đền thờ tâm linh (22/11/2016 2:25)
- Phật ở đâu (21/11/2016 1:46)
- Quán tâm từ gieo chủng tử từ bi (20/11/2016 2:08)
- Đi tìm ý nghĩa cuộc đời (19/11/2016 12:36)