Phật dạy người tu hành về nhẫn nhục

11/01/2017 1:18
Khi nghe, có năm cách nói: “Nói đúng lúc hay không đúng lúc, nói chân thật hay giả dối, nói dịu dàng hay hung ác, nói hòa hợp hay đâm thọc, nói có nghĩa hay vô nghĩa”.
Với năm cách nói này nếu người tu hành khi nghe mà tâm bị biến đổi, có thể miệng phát ra lời ác, người tu hành bị suy thoái. Khi ấy người tu phải khởi tâm từ mẫn đối với người kia, tâm tương ưng với Từ trải khắp một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, phương trên phương dưới, bao trùm tất cả, không tranh cãi, không sân không oán. Đối với tâm Bi, Hỷ, Xả cũng vậy, không tranh, không sân oán, biến mãn tất cả thế gian rộng lớn trùm khắp, thành tựu an trú.

Cũng vậy, nếu người tu bị người khác dùng tay đấm, đá ném, gậy đánh, dao chém, mà tâm biến đổi, hay miệng phát lời ác, hay đánh trả, người tu tất bị suy thoái. Hãy học sao cho tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời ác, không đánh trả, mà hướng đến người ấy, duyên nơi người ấy khởi tâm từ mẫn, không tranh, không kết, không oán, rất rộng lớn vô lượng vô biên, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ, khéo tu tập như thế.
        
Cũng như vậy, nếu có giặc, cướp lấy lưỡi cưa bén cắt xẻ tay chân người tu hành, nếu tâm biến đổi, hay miệng phát ra lời ác, hay đánh giết trả, người tu tất suy thoái. Hãy học sao cho tâm không biến đổi, không phát ra lời thô ác, không đánh giết trả, mà hướng đến người ấy khởi tâm từ mẫn. Tâm tương ưng với Từ trải khắp một phương, hai, ba, bốn năm, sáu phương, bao trùm tất cả, không tranh, không kết, không oán, rộng lớn bao trùm khắp thế gian, thành tựu an trú. Hãy khéo tu tập như thế, liền được giải thoát.
 
Trích Trung A Hàm quyển 4 trang 286, 290, 291

Các tin tức khác

Back to top