Thấy như huyễn tức là thấy Như Lai

2/08/2017 2:10
Kinh Kim Cương dạy phải lìa tất cả tướng, vì “tâm có chỗ trụ” đó là trụ nơi sanh tử. “

Thế nên Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chẳng thể trụ sắc sanh tâm, chẳng thể trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Phải sanh tâm không chỗ trụ. Vì sao thế? Nếu tâm có chỗ trụ, tức là chẳng phải trụ”.

“Chẳng phải trụ” nghĩa là chẳng phải trụ vào Pháp, vào “thật tướng của các pháp” mà lại trụ vào các thứ chẳng phải pháp, phi pháp; vào các thứ như huyễn để thành ra sanh tử.

Vì sao phải lìa tất cả tướng? Vì sao phải không trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp?

Kinh trả lời: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”.

Lìa các tướng, không trụ các tướng, bởi vì các tướng đều là hư vọng, đều là như huyễn. Bồ-tát làm hạnh Bồ- tát trong thế giới mà vị ấy thấy là như huyễn, như thế mới gọi là hạnh Bồ-tát; hành động (karma, nghiệp) mà như huyễn thì hành động ấy là giải thoát.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật, có độ chúng sanh không?”.

- “Bạch Thế Tôn, không. Vì sao thế? Trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm. Chúng sanh ấy, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, đó gọi là chúng sanh”.

- “Thế nên Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát phải nên như vậy mà sanh tâm thanh tịnh. Chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm. Nên không chỗ trụ như vậy mà sanh tâm”.

Tâm thanh tịnh tức là tâm lìa các tướng, tâm thấy và làm trong chỗ “chẳng phải”, trong “không chỗ trụ”, tức là trong cái thấy biết như huyễn.

“Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” là công việc của Bồ-tát. Nhưng công việc ấy phải không ngoài “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp, hãy quán thấy như vậy”. Công việc ấy là một công việc như huyễn, nên có thể làm mà bất chấp thời gian và không gian:

“Phật bảo Tu-bồ-đề: Các người thiện nam người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phải sanh tâm như vầy: ‘Ta phải giải thoát cho tất cả chúng sanh, giải thoát cho tất cả chúng sanh rồi mà thật không có một chúng sanh nào được giải thoát’.

Vì sao thế? Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát có tướng ngã tướng nhân tướng chúng sanh tướng thọ giả thì chẳng phải Bồ-tát. Tại vì sao vậy? Thật không có pháp gì phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả nơi ta và nơi người đều không có, đều như huyễn. Thế nên, “thật không có pháp gì phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Mục đích của sự thực hành Phật giáo là đạt đến vô ngã, vô pháp. Đây là sự lìa tướng rốt ráo, tự do rốt ráo. Vô ngã vô pháp là tánh Không, một vị tánh Không. Tánh Không này đi song đôi với như huyễn, đồng nghĩa với như huyễn. Thấy biết tánh Không đến đâu thì các pháp trở thành như huyễn đến đó, và ngược lại, thấy biết các pháp như huyễn đến đâu thì tánh Không hiện ra đến đó.

Trong kinh có hơn mười lần Đức Phật nói đến “công đức vô lượng vô biên”, tức là công đức của người thấu đạt tánh Không, bởi vì chỉ có tánh Không mới vô lượng vô biên. Công đức vô lượng vô biên ấy có được ngay khi “quán thấy” như huyễn, các tướng là như huyễn, sắc thanh hương vị xúc pháp là như huyễn, thế giới là như huyễn, chúng sanh để độ là như huyễn, phát nguyện độ chúng sanh là như huyễn… Thấy như huyễn, như bài kệ chấm dứt kinh Kim Cương, sống cuộc đời Bồ-tát như huyễn, đó là công đức vô lượng vô biên, công đức của tánh Không.

Như huyễn là khó tin, khó chấp nhận, vì làm tiêu tan tất cả sanh tử, nên trong kinh Kim Cương, Đức Phật nói:

“Như Lai nói tất cả tướng tức chẳng phải tướng, hoặc nói tất cả chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh. Tu-bồ-đề! Như Lai là bậc nói lời chân, lời thật, lời như, lời không dối, lời chẳng khác”.

Như huyễn là vô ngã, vô pháp, và nó tát cạn biển sanh tử nên khó tin, khó hành, cho nên trong kinh Đại Bát-nhã, ngài Tu-bồ-đề nhấn mạnh tầm quan trọng của nó:

“Dù có pháp nào cao hơn Niết-bàn, tôi cũng nói như huyễn như mộng. Bởi vì huyễn mộng và Niết-bàn không hai không khác”. (Phẩm Phật mẫu, Phẩm Đế Thích)

Câu kinh trên còn có một nghĩa quan trọng, “huyễn mộng và Niết-bàn không hai không khác”: chứng như huyễn như mộng đến đâu là chứng Niết-bàn đến đó, chứng như huyễn như mộng hoàn toàn tức là chứng Niết-bàn hoàn toàn.

Người thực hành chúng ta cần liên tục quán như huyễn, nhờ quán huyễn mà các trụ chấp tạo thành phiền não chướng và sở tri chướng mỏng dần, cho đến khi thực sự thấy được như huyễn, thấy được tánh Không, khi ấy mới gọi là có được “tín tâm thanh tịnh liền sanh thật tướng”. Từ “tín tâm” này được nói đến hai lần trong kinh, cho thấy sự quan trọng của tín tâm liền thấy thật tướng như huyễn là thế nào. Chữ “liền” (“tức”) này cho thấy sự trực tiếp, tức khắc: “Thấy tất cả tướng chẳng phải tuớng tức thấy Như Lai”.

Cần tin hiểu như lời kinh dạy, bất cứ khi nào chúng ta thấy “chẳng phải tướng”, thấy như huyễn, ngay lúc ấy chúng ta liền, lập tức thấy Như Lai. Và liên tục thấy như vậy, không cho phiền não chướng và sở tri chướng che lấp trở lại, cho đến khi hoàn toàn thấy được thật tướng mà nói theo Thiền sư Cảm Thành (?-860), “vốn chưa từng che giấu”.

Quán thấy như huyễn tức là thấy Như Lai, thấy Pháp thân. Một thí dụ kinh điển hay nói đến là tấm gương. Bất cứ khi nào chúng ta không duyên theo, không chạy theo các hình bóng trong gương; nói cách khác, chúng ta thấy các hình bóng trong gương là như huyễn, vô tự tánh, vô sở hữu, thì ngay lúc ấy chúng ta thấy gương. Thấy các hình bóng trong gương là như huyễn, do duyên sanh không thật, ngay lúc ấy chúng ta thấy nền tảng cho mọi sự xuất hiện như huyễn là tấm gương. Không phải chúng ta xóa đi những hình bóng trong gương, điều đó không thể làm được, mà chúng ta lìa tướng bằng cách thấy những hình bóng ấy là không thật, như huyễn, lập tức nền tảng của các bóng là tấm gương hiện ra:

“Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”.

 

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo năm 2017 |Số 278 1-8-2017

Các tin tức khác

Back to top