Học để làm gì?

5/11/2017 1:43
Ngày nay trong cơ chế thị trường, không ít nhà giáo đã đánh mất nhân cách, lòng tự trọng, tự biến mình thành kẻ mua bán chữ bằng nhiều hình thức lừa dối tinh vi. Có một số thầy cô giáo coi học sinh như là chỗ kinh doanh, họ bán điểm, bán đề thi, đáp án, bán danh hiệu thi đua... Chính vì có một số hiện tượng như thế nên người ta nói: “con sâu làm rầu nồi canh”.
Chúng tôi hơn 40 năm lãng phí thời gian một cách vô ích, vì không có sự hiểu biết chân chính do nhân ngu si chấp ngã, vào tuổi gần năm mươi mới bắt đầu chăm chú vào việc học. Đến từng tuổi này chúng tôi phải cố gắng tìm hiểu, học hỏi trong khó nhọc, vất vả mới có chút kiến thức, hiểu biết ít ỏi và một số kinh nghiệm trong việc tu học Phật pháp có giới hạn.

Để minh họa cho việc học là cần thiết và quan trọng, chúng tôi sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện. Có một gia đình anh nông dân, ở miền quê xa xôi hẻo lánh, nhà nghèo lại đông con. Do quá nghèo lại không có ruộng đất. Ông ta mỗi ngày phải làm thuê làm mướn với rất nhiều việc khác nhau để có tiền nuôi sống gia đình, người thân như dựng nhà, cuốc đất, be bờ, nhổ mạ và làm đủ thứ các việc linh tinh khác… Nhờ siêng năng tinh cần làm việc trong khó nhọc và nhín ăn bớt mặc, người cha ấy mới có thể lo cho các con được ăn học.

Rồi bỗng nhiên đứa con trai lớn trong gia đình đến năm 15, 16 tuổi, không còn thiết tha việc học hành nên thường xuyên bỏ trốn học nhiều lần, bị nhà trường mắng vốn. Cha cậu biết được, nên mới bảo đứa con rằng: Cha cả một đời vất vả, nhọc nhằn, phải làm thuê làm mướn vì thất học. Con không thấy sao, gia đình nhà bác Hiếu giàu có sang trọng nhờ học cao hiểu rộng và tất cả mọi người trong gia đình đều thành đạt!
 
Sau nhiều lần khuyên nhủ con mình không được, một hôm ông ta kêu con lại bảo: Cha cho con một chọn lựa duy nhất, mong con suy nghĩ chín chắn rồi mới quyết định. Một là con cố gắng ăn học cho đến nơi tới chốn, hai là con sẽ phải đi làm mướn để tự nuôi sống bản thân mình. Nghe cha nói vậy, cậu con trai khỏi cần suy nghĩ liền chấp nhận giải pháp nghỉ học, để làm thuê kiếm sống qua ngày.
 
Rồi bắt đầu kể từ ngày hôm đó, người cha nhận lãnh khoán công việc để hai cha con cùng làm. Người cha đó, đã rèn luyện cho cậu con trai biết siêng năng lao động và học đức tính chăm chỉ, cần cù trong mọi công việc… Thời gian trôi qua, cậu bé trai đó giờ đây đã khôn lớn và trưởng thành. Cậu ta có một mái ấm gia đình bên người vợ trẻ và hai đứa con một trai, một gái. Cuộc sống cũng tạm ổn, nhờ cậu ta siêng năng chăm chỉ làm việc dưới mọi hình thức, miễn sao có tiền nuôi con là được.
 
Cho đến bây giờ, chàng thanh niên đó mới ân hận mà nói rằng: Thật là đáng tiếc, ngày xưa tôi không chịu nghe lời cha để giờ này phải chịu lao khổ trăm bề. “Tôi sẽ cố gắng hết mình bằng mọi cách để làm sao có đủ tiền nuôi cho con ăn học thành tài, bởi vì cuộc sống lao động chân tay thật vất vả, nhọc nhằn nhưng khó mà giàu có”.
 
Những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng thật thà chất phát này, vì hoàn cảnh khó khăn lại không có chí học hỏi nên đa phần đều không học đến nơi đến chốn, nhưng nhờ họ biết cần cù siêng năng, làm việc và có đức tính chịu đựng hy sinh, để lo cho con cái ăn học đàng hoàng mà sau này có thể làm tròn bổn phận đối với gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội.
 
Trong xã hội luôn tồn tại hai thực trạng giàu và nghèo. Thực tế người giàu chiếm số ít, người nghèo chiếm số đông. Hai hạng người này đều phải nương vào nhau để mà phát triển và bảo tồn sự sống, những người nông dân nghèo chân lấm tay bùn làm ra những hạt gạo thần tiên để cung cấp cho nhân loại, khỏi phải lo lắng về phần lương thực. Nhờ vậy họ có điều kiện để học hỏi và thành đạt dễ dàng trong kế sinh nhai.
 
Tuy nhiên nếu chỉ một mình, ta dù có tài giỏi đến đâu cũng không làm sao sản xuất đồng loạt các mặt hàng thiết yếu để phục vụ đầy đủ nhu cầu an sinh xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải biết ơn nhau qua nhịp cầu tương quan về mọi mặt trong cuộc sống, để sẵn sàng sẻ chia hay giúp đỡ mọi người khi cần thiết.
 
Trong thực tế đời sống của chúng ta hiện nay, ngành giáo dục đã không còn đủ sức và quan tâm đến việc rèn luyện nhân cách, đạo đức cho con người. Người học trò bước vào học đường với rất nhiều môn học chất chứa kiến thức khổng lồ, bằng một sự gượng ép mà không bắt nguồn từ sự yêu thích học hỏi.
 
Cùng với chương trình đào tạo không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống, buộc con người phải cố nhồi nhét vào bộ não quá nhiều... Việc học đã trở nên quá tải nhưng lại tốn kém một lượng chi phí quá lớn, khiến mất quân bình đời sống gia đình đối với bộ óc còn quá nhỏ bé. Chính vì vậy một số học trò ngày nay phần lớn rất chán ngán việc học, do quá tốn kém và không có hiệu quả thiết thực.
 
Cha mẹ ngày xưa đâu có học nhiều như bây giờ mà vẫn giàu có dư dả của ăn, của để, trong khi đó có rất nhiều người được đào tạo qua trường lớp hẳn hoi như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, luật sư, kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt… với vô số bằng cấp nhưng vẫn thất nghiệp, đói nghèo bởi không có việc làm do cung và cầu không phù hợp.
 
Gia đình là nhân tố nền tảng để mở mang và phát triển tốt đẹp cho xã hội được bền vững và lâu dài. Cơ thể được khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn sáng suốt thì dễ dàng tạo nên con người phi thường. Chính vì vậy muốn cho con người có hiểu biết chân chính, sống có đạo đức, biết phục vụ vì lợi ích tha nhân là gốc rễ cho sự tồn tại vững chắc ổn định, bền vững và lâu dài.
 
Đất nước chúng ta hầu như đã quên đi những con người của thời quá khứ 700 năm về trước, Phật giáo đời Trần là nét son vàng chói lọi, nhờ nền giáo dục nhân quả, tinh thần tự cường tự lực, phá bỏ các tập tục mê tín, tín ngưỡng giết hại, nhờ vậy mà toàn dân đều sống an lạc thái bình. Từ lâu con người chỉ quan tâm những vấn đề trọng yếu như chính trị, giáo dục, kinh tế, tôn giáo, khoa học,…

Nhưng chúng ta hầu như đã quên hẳn vai trò con người mới chính là yếu tố quyết định nên một xã hội bền vững, ổn định, hòa bình và hạnh phúc. Các ngành nghề chính trị, kinh tế, tôn giáo, xã hội,... chỉ là một phần của thân cây? Cộng đồng xã hội là một cái cây hoàn chỉnh, nhưng con người mới là gốc rễ? Chúng ta làm sao giúp con người sống có ý thức trách nhiệm và bổn phận, sống có hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, tin chính mình có khả năng làm chủ bản thân và biết san sẻ, nâng đỡ cho nhau, bằng tình người trong cuộc sống.
 
Học để biết cách làm người tốt trong hiện tại và mai sau

Muốn lập thân cho đúng nghĩa của nó, các bạn trẻ phải chú tâm vào việc học để tiếp thu nền kiến thức phong phú và đa dạng, bằng sự hiểu biết chân chính. Học không có nghĩa là chúng ta chỉ cần cắp sách đến trường và đọc nhiều sách vở, hay học được một nghề thật giỏi kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ.

Mục đích của việc học là để thành con người với đúng nghĩa của nó, tức là con người hoàn thiện về mọi mặt, tài giỏi và có nhân cách đạo đức, nhằm đóng góp phục vụ lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Trước tiên học là noi gương sáng của các bậc tiền nhân, vĩ nhân, tức là chúng ta bắt chước những việc làm có ích nước lợi dân mà các bậc tiền bối xưa đã làm. Chúng ta học để phân biệt được phải trái, tốt xấu, đúng sai…. Thấy điều tốt điều phải, ta phải bắt chước làm theo. Thấy điều xấu ác có hại cho người vật, ta phải tìm cách tránh xa. Người khôn ngoan sáng suốt là người biết học và tiếp thu cái tốt và loại bỏ cái xấu của người khác, người ngu si khờ dại là người chỉ biết cống cao ngã mạn, thấy mình là tài giỏi hơn người nên khó mà học thêm được điều gì.

Từ những hiểu biết căn bản của việc học trêm ghế nhà trường và gia đình là môi trường trực tiếp để dạy đạo lý làm người. Chúng ta không thể nào học suông lý thuyết mà cần phải tìm tòi nghiên cứu, suy diễn, nghiệm xét và phản biện. Chúng ta không nên quá tin vào sách vở, vì sách vở cũng có nhiều cái sai trái trong đó. Người xưa nói chúng ta đừng quá tin vào sách mà hãy học cách suy ngẫm để tìm ra bản chất thật của nó trong cuộc sống thực tế.

Đọc sách mà không chịu phân tích và nhận xét thì chỉ có hại mà thôi, giống như những người thuộc loại mọt sách. Những người biết cách học hỏi thì sẽ không dừng lại ở sách vở, vì họ chỉ tiếp thu những gì có giá trị thiết thực trong đời sống hiện tại, chứ không hoàn toàn tin hẳn vào sách. Những điều gì học được chúng ta phải đem ra thực hành để đóng góp lợi ích cho xã hội.

Khác với các loài động vật, hầu hết đều có thể tự lo cho cuộc sống của mình gần như ngay khi mới ra đời. Con người phải dành thời gian hơn mười năm để đi học mới có thể lo cho cuộc sống của mình, nhưng vẫn ở mức độ trung bình mà thôi. Việc học đã có truyền thống lâu đời từ rất xa xưa, được nối tiếp cho đến ngày hôm nay. Nhìn vào cách thức tổ chức học tập và thi cử của thời xưa, chúng ta có thể thấy rằng mục đích chính của việc học là để làm quan.

Mục đích chính của việc học là để ra ứng thí, thi cử nếu đỗ đạt thành ông nghè, ông cử hoặc trạng nguyên sẽ được bổ nhiệm làm quan. Nếu chẳng may thí sinh nào thi rớt thì phải chờ khóa sau thi lại. Chính vì thế mới có người suốt đời đi thi mà vận may chưa có, nên suốt đời lận đận với tư cách là người dân tầm thường. Cho nên việc học ngày xưa rất quan trọng, vì học để làm quan và được vinh hoa phú quý, ăn trên ngồi trước, bổng lộc dồi dào mà có thể giúp được ba họ cùng tiến thân. Nên tục ngữ có câu: "Một người làm quan, ba họ được nhờ" là vậy đó!

Ngày xưa đó là cách thức tiến thân duy nhất và khẳng định chính mình thành công hay không trên quan trường của xã hội phong kiến, với thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” được phân định rõ ràng. Sĩ là tầng lớp trí thức, có học. Nông là nông dân. Công là công nhân. Thương là người buôn bán, kinh doanh. Ông cha ta ngày xưa đã xếp 4 tầng lớp, nghề nghiệp trong xã hội theo thứ tự như vậy. Qua đó, đất nước chúng ta đã có truyền thống trong sự học hành, kiến thức như thế nào, vậy nên mới xếp sĩ lên hàng thứ nhất, trên tất cả mọi tầng lớp khác trong xã hội.

Tiếp sau hàng trí thức, tức những người có địa vị trong xã hội là nông dân, đã được ông cha ta coi trọng ở vị trí hàng thứ hai, chỉ đứng ngay sau trí thức. Như vậy, những người sản xuất ra lương thực thực phẩm tiêu dùng hằng ngày rất quan trọng, bởi vì “có thực mới vực được đạo”.

Trong 4 tầng lớp xã hội ngày xưa, thương là giao dịch buôn bán làm ăn được ông cha ta xếp cuối cùng, có nghĩa mua bán là điểm thứ yếu so với 3 đối tượng trên. Trong bối cảnh sống của người Việt ta ngày xưa, cho rằng nghề kinh doanh chỉ là buôn nước bọt, mua chỗ này rồi bán chỗ kia, ăn chênh lệnh, ăn hoa hồng, không phải là người làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Tuy nhiên, trong thời đại xã hội ngày hôm nay đã thay đổi nhiều so với khi xưa, nên mọi hình thức cũng được thay đổi theo cho phù hợp thực tế. Bất cứ thời đại nào tầng lớp sĩ là tri thức vẫn đứng đầu và thương từ vị trí chót bây giờ đã nhảy lên hàng thứ hai, còn công thì đứng vào hàng thứ ba và nông rơi vào vị trí chót. Ba tầng lớp nông, công, thương muốn tồn tại và làm lợi ích cho xã hội cũng phải học hỏi, trau dồi trí thức, văn hóa như người tri thức vậy.   

Chính mục đích học để làm quan của ngày xưa đã giúp cho một số gia đình người thân quan quyền, vua chúa nắm giữ quyền sinh sát trong tay và dẫn đến độc tài. Ngay cả với những người trong suốt thời gian trên 20 năm trời chuyên “sôi kinh nấu sử”, vẫn không đạt được mục đích của mình vì không thi đậu.

Hiện nay, hệ thống giáo dục của chúng ta đang có nhiều vấn đề, chúng ta nhồi nhét kiến thức cho học sinh quá nhiều, có thể dẫn đến tình trạng tốn kém tiền bạc mà không có kết quả thiết thực. Trong khi đó, học sinh phải được học âm nhạc, hội họa, những kỹ năng sống, giá trị sống nhiều hơn và phải có những thực hành. Được tham gia lao động, đi giúp đỡ những người khó khăn, phải có sân vui chơi giải trí lành mạnh cho học sinh, phát triển sách học đạo đức làm người cho học sinh đọc…

Việc dạy người là trách nhiệm và mục tiêu của ngành giáo dục. Nhưng muốn làm việc này cho có kết quả tốt đẹp, không phải dễ dàng vì chính sách giáo dục còn nhiều vấn đề bất cập.

Thứ nhất, các trường sư phạm của chúng ta hiện nay đào tạo sinh viên chưa kỹ, mới nặng về đào tạo kiến thức khoa học chứ chưa có kỹ năng, để dạy học sinh ý thức trách nhiệm làm người tốt. Việc dạy học sinh biết sống có văn hóa, biết sống đẹp, biết làm người tốt không phải chỉ dựa vào kiến thức suông, mà quan trọng nhất, các thầy cô phải có đủ kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, đó là cách hướng dẫn giảng dạy cho học sinh kỹ năng sống và đạo lý làm người sau khi ra trường.

Trước tiên, chúng ta phải xây dựng trường học thân thiện, phải có văn hóa học đường và đạo đức làm người. Tự mỗi nhà trường phải xây dựng văn hóa học đường, thực sự tạo nên một ngôi trường thân thiện có nền tảng đạo đức theo nguyên tắc trước giữ lễ nghĩa sau mới học chữ.

Các trường học cũng cần phải xây dựng tốt hơn nữa văn hóa học đường. Theo đó, học sinh khi đến trường không chỉ được truyền tải kiến thức mà còn phải được học đạo lý làm người, sống để yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Đối với học sinh, chúng ta cần tôn trọng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em nhiều hơn.

Những học sinh giỏi, có năng lực sẽ tự biết cách học hỏi và phát triển, bởi vì các em không có tư tưởng ỷ lại, còn những em yếu hơn thì rất cần sự bảo trợ dạy dỗ của các thầy cô giáo, bằng cách động viên và giúp đỡ nhiệt tình. Từ đó, chúng ta sẽ tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp để cho các em khi khôn lớn trưởng thành sẽ biết mình cần phải làm gì. Chúng ta là cha mẹ, thầy cô giáo ai cũng kỳ vọng, mong muốn ở học sinh rất nhiều, bởi vì các em là nhân tố nền tảng của đất nước trong mai sau.

Đất nước Việt Nam chúng ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Trong thời phong kiến, giá trị và vai trò của nhà giáo được xếp sau vua nhưng trước cha mẹ: “Vua, thầy, cha”. Với vinh dự và trách nhiệm quan trọng trong sự giáo dục, nhiều nhà giáo đã làm rạng rỡ non sông đất nước. Với các em học sinh, trước tiên phải biết tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Nếu chúng ta đi học mà không biết quý trọng thầy cô giáo, thì làm sao chúng ta đủ khả năng tiếp thu kiến thức được học qua trường lớp để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.

Trong cuộc sống hiện nay, nhà giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý khác trong xã hội”. Từ ngàn xưa cho đến nay, nhà giáo đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” và khi đất nước nguy khốn bị kẻ thù đe dọa, họ cũng sẵn sàng xả thân để bảo vệ giang sơn.

Là nhà giáo dù giảng dạy ở cấp học nào thì cũng đã từng là học trò trước khi bước lên bục giảng. Nhờ có công lao của bao thế hệ thầy cô giáo mới có thế hệ nhà giáo hôm nay. “Kính trọng thầy mới được làm thầy”. Nếu chúng ta tự đánh mất đi sự kính trọng đó, thì chúng ta phải tự trách mình không phải là kẻ sĩ chân chính, cho dù có quyền cao chức trọng.

Ngày nay trong cơ chế thị trường, không ít nhà giáo đã đánh mất nhân cách, lòng tự trọng, tự biến mình thành kẻ mua bán chữ bằng nhiều hình thức lừa dối tinh vi. Có một số thầy cô giáo coi học sinh như là chỗ kinh doanh, họ bán điểm, bán đề thi, đáp án, bán danh hiệu thi đua... Chính vì có một số hiện tượng như thế nên người ta nói: “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ngành giáo dục đang tìm mọi biện pháp để chống tiêu cực trong thi cử và bệnh báo cáo thành tích, bằng nhiều biện pháp như hạn chế việc dạy thêm, học thêm ngoài luồng, nhưng đó chỉ mới là chống phần ngọn thôi. Chúng ta chống tiêu cực bằng cách kêu gọi mỗi thầy cô giáo ý thức bổn phận của mình là nhiệm vụ cao quý hàng đầu và ai cũng tin sâu nhân quả thì đất nước sẽ tiến bộ và phát triển bền vững lâu dài, trong tình đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết.
 
Nếu chúng ta nâng cao được ý thức cho học sinh, cộng thêm với nhà trường có nhiều hoạt động ngoại khóa, như giảng dạy cho học sinh những giá trị sống: biết tin sâu nhân quả, biết kính trọng thầy cô giáo, biết khoan dung và độ lượng, biết cảm thông và tha thứ, biết sống yêu thương nhân loại bằng tình người trong cuộc sống và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.

Cái khó của chúng ta hiện nay là chưa có nhiều thầy giáo giỏi để giúp đỡ học sinh và giúp cả giáo viên tháo gỡ khó khăn, vì chính sách chưa được thông thoáng. Nếu ai cũng ý thức được điều ấy, thì nhà trường sẽ thực sự trở thành một nơi vững chắc vì sự nghiệp “trồng người” cho hế hệ tương lai.

Ngày nay có một số em không biết học để làm gì. Học vì thấy ai cũng học nên mình phải học vậy thôi. Học để có công ăn việc làm ổn định và kiếm được nhiều tiền. Đây là số đông của các em sinh viên học sinh đều mong muốn như vậy. Một số bậc cha mẹ cho con em mình đi học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình. Một thiểu số cho rằng học để mở mang hiểu biết. Và chỉ một vài trường hợp đặc biệt học để tự hoàn thiện chính mình.

Hoàn cảnh và sự nghiệp gia đình cũng có ảnh hưởng một phần nào đến sự hiểu biết và sự lập chí của con người. Xưa cũng như nay, vẫn có nhiều người tự lập nghiệp được ở cái tuổi hai mươi và có người còn sớm hơn nữa do ảnh hưởng hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người trên 30 tuổi rồi mà còn còn sống bám vào cha mẹ. Thậm chí có nhiều người con, cha mẹ phải nuôi suốt đời do biếng nhác và ỷ lại vào gia đình.

Cũng cùng một trình độ học vấn mà mỗi người lại có sự hiểu biết và nhận định khác nhau. Cùng một tác phẩm mà mỗi lần đọc lại, ta lại hiểu kỹ hơn. Cuộc sống và sự học hỏi giúp ta ngày càng thông suốt hơn về sự diễn biến của tất cả mọi hiện tượng sự vật. Chính vì thế mà phải từ 50 tuổi trở lên, con người ta mới có đủ sự hiểu biết và kinh nghiệm vững vàng trong cuộc sống, đó là nói những người có ý chí.

Không phải ai có nhiều tuổi rồi cũng được thông minh tài giỏi hơn người, ở đây còn tùy theo sự học hỏi và tu tập của người đó. Tuy nhiên, hiểu biết chân chính và kinh nghiệm trong cuộc sống, phải do học hỏi và có sự trải nghiệm mới có thể thành công.

Chúng ta cần phải chú tâm vào việc học ngay từ khi còn trẻ và tiếp tục học hỏi trau dồi mãi cho đến khi già chết mới thôi. Việc học phải bao gồm từ khi nghe đọc, rồi nghiên cứu, suy ngẫm, biết cách áp dụng thực hành từ ý nghĩ cho đến lời nói, hành động cũng phải học. Ngoài ra, chúng ta phải cố gắng và có quyết tâm cao độ trong học hỏi thì mới mong đạt được kết quả tốt đẹp trong tương lai.

Có cố gắng học hỏi như thế ngay khi còn nhỏ, thì các bậc cha mẹ mới đem hết khả năng và những gì biết được để chăm sóc dạy dỗ cho các con mình, hầu giúp chúng có ý thức trong việc học mà không phụ lòng cha mẹ.

Các em học sinh hãy nên nhớ rằng, nếu chúng ta không có ý chí tự lập thì sau này khó có cơ hội thành công. Những người như vậy dù cha mẹ có cố gắng quan tâm, lo lắng và giúp đỡ, cũng vẫn không thể nào giúp cho người đó tiến thân được. Cuối cùng những người này chỉ ăn bám gia đình và không giúp ích gì cho xã hội.  

Xét về ý thức trong việc học của các em rõ ràng chưa có đích đến một cách có logic, với hệ thống giáo dục nhân bản liên hệ đến sự phát triển của con người tất cả đều dạy và học, theo kiểu đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi tự đặt ra câu hỏi: học để làm gì?

Chúng ta học để biết cách làm chủ bản thân nhờ có suy nghĩ tích cực, tư duy quán chiếu nhận ra chân lý cuộc đời và học để biết cách chung sống với mọi người mà không làm tổn hại cho ai. Còn như số đông hiện nay quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm ổn định, đó là cách học để làm ăn.

Còn có một quan điểm khác rất quan trọng: học để nâng cao trình độ hiểu biết và biết cách hoàn thiện chính mình thì hầu như hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, có một số tu sĩ hiện nay học để được sự cung kính, lợi dưỡng mà lãng quên mục đích cao cả là giác ngộ, giải thoát. Chúng ta phải học theo cách của Phật dạy là văn, tư, tu. Văn là nghe lời Phật dạy rồi sau đó mới suy nghĩ, quán chiếu, nghiệm xét biết được sự thật giả phân minh, đến khi đó thì ta mới tu bằng cách buông xả phiền não tham, sân, si. Cái học để làm người có hiểu biết chân chính để dấn thân, đóng góp phục vụ, lợi ích xã hội đã biến dạng thành học để có bằng cấp cao, để chạy theo thành tích, để được hơn người.

Chúng ta học nhằm để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân và nhờ vậy giúp chúng ta biết cách làm chủ bản thân, biết được giá trị sống của đời mình mới là mục đích của việc học. Khi chúng ta đã biết cách phát huy tốt năng lực của bản thân mình, thấy được giá trị thiết thực là phải nương nhờ vào nhau mới bảo tồn mạng sống, chính vì vậy chúng ta cần phải có trách nhiệm, yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Học để có kiến thức và chuyên môn cao thì cũng không khó gì cho lắm chỉ cần ta siêng năng một chút là có thể thực hiện được, nhưng muốn học để làm người tốt, để hoàn thiện chính mình mới thật là việc khó. Chính vì vậy tất cả mọi thế hệ cần phải chú ý cách học làm người như sau để giúp cho chúng ta ngày càng thêm hoàn chỉnh về mọi mặt.

Học làm sao để làm người con hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. "Hiếu thảo là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây", là đạo lý chân thật không thể thiếu trong đời sống chúng ta hằng ngày. Cha mẹ là người sinh ra mình, săn sóc, nuôi dưỡng mình rất vất vả, nhọc nhằn và còn lo cho ta từ cái ăn tới việc học, cho đến khi khôn lớn rồi dựng vợ gã chồng và còn chia gia tài nữa.

Cha mẹ cũng chính là người thầy giáo đầu tiên dạy ta nên người. Công ơn cha mẹ được ví như trời cao biển rộng cũng không thể sánh bằng. Chính vì vậy mà con cái phải biết thương yêu kính trọng và biết ơn cha mẹ. Lúc nhỏ, chúng ta chỉ cần thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng cách nghe lời cha mẹ chỉ dạy, siêng năng chăm chỉ học hành và yêu mến cha mẹ.

Khi khôn lớn trưởng thành, chúng ta thể hiện sự biết ơn cha mẹ bằng cách sống làm tròn trách nhiệm bổn phận đối với gia đình, người thân hết lòng phụng dưỡng mẹ cha, ân cần săn sóc cha mẹ, kính trọng cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ mỗi khi cha mẹ cần đến. Chúng ta làm được như thế thì mới được gọi là người con có hiếu và mới được gọi là người có học thức. Nếu chúng ta làm trái các điều này, ta có thể bị liệt vào là hạng người con bất hiếu.

Trong các tội đồ, tội lớn nhất là tội bất hiếu, bởi vì cha mẹ là người có ơn nghĩa cao cả mà ta còn không biết nhớ ơn và đền ơn, huống hồ là người khác ta có thể giúp đỡ, sẻ chia? Con người một khi đã dính vào tội bất hiếu rồi thì không việc xấu ác nào mà họ không dám làm.

Khi muốn làm việc gì, ta phải quyết định làm cho bằng được, đó là chí. Người xưa thường nói: Người có ý chí ắt phải làm nên việc lớn, có chí thì nên, có chí làm quan và có gan làm giàu. Vậy chí là cái sự quyết tâm mãnh liệt của chính mình, khi chúng ta quyết định muốn làm một việc gì phải kiên trì, bền bỉ cho đến khi nào thành công mới thôi.

Ngày hôm nay, trong chương trình tài trợ học bổng cho các em học sinh khó khăn vùng sâu, vùng xa, do hội ấn tống từ thiện duyên lành tài trợ với chủ đề “Kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống”, chúng tôi muốn gửi gắm đến cho các em một thông điệp: ”Học để các em biết cách hoàn thiện chính mình”, hầu sống tốt hơn để làm tròn bổn phận đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

Các em học sinh thời nay cũng vậy, ta phải siêng năng chăm chỉ học hành, làm sao để thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình là thành tựu việc học để hoàn thiện chính mình nhằm đóng góp lợi ích cho xã hội. Ai có ý sắt đá, có quyết tâm cao độ thì mọi việc ta đang theo đuổi trước sau gì cũng sẽ được thành công tốt đẹp, ngay tại đây và bây giờ.

Thích Đạt Ma Phổ Giác 

Các tin tức khác

Back to top