Thị hiện ba sự giáo hóa

18/11/2017 2:20
Gần nửa thế kỷ du phương hoằng hóa, thuyết pháp độ sinh của Đức Phật chính là thị hiện ba sự giáo hóa. Bằng cách sử dụng các phương tiện vô ngại của bậc Giác ngộ, Thế Tôn hầu hết là thuyết giảng giúp người khai tâm mở trí, phát nguyện tu hành gọi là ‘thị hiện giáo giới’.

Có không ít trường hợp, Ngài thấy rõ những tâm niệm vi tế của chúng sinh mà tháo gỡ, chỉ bày, giúp họ chuyển mê khai ngộ gọi là ‘thị hiện tha tâm’. Một vài trường hợp đặc biệt, Đức Phật đã thi triển thần thông, thiên biến vạn hóa khiến ngoại đạo khiếp phục mà quy kính gọi là ‘thị hiện thần túc’. 
“Một thời, Phật trú trong Chi-đề Thị-lợi-sa, tại Già-xà, cùng với một ngàn vị Tỳ-kheo mà trước kia là những Bà-la-môn bện tóc. Bấy giờ Đức Thế Tôn vì một ngàn vị Tỳ-kheo thị hiện ba sự giáo hóa. Những gì là ba? Đó là, thị hiện thần túc biến hóa, thị hiện tha tâm, thị hiện giáo giới.

Thị hiện thần túc là, Đức Thế Tôn tùy theo sự thích hợp mà thị hiện nhập thiền định chánh thọ; vượt qua hư không đến phương Đông hiện bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; vào hỏa tam-muội, rồi cho ra ánh lửa màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha lê; cả nước, lửa đều hiện; hoặc dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, hoặc trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, bốn phía chung quanh lại cũng như vậy. Thế Tôn sau khi thị hiện thần biến rồi, trở lại ngồi giữa đại chúng, đó gọi là thị hiện thần túc.

Thị hiện tha tâm là, như tâm người kia, tự thân an trú và chứng nghiệm, biết rằng ý của người kia như vậy, thức của người kia như vậy, người kia đang nghĩ như vậy, hay không đang nghĩ như vậy, đang xả như vậy. Đó gọi là thị hiện tha tâm.

Thị hiện giáo giới là, như Thế Tôn nói: ‘Này các Tỳ-kheo, tất cả bị thiêu đốt. Thế nào tất cả bị thiêu đốt? Mắt bị thiêu đốt. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, tất cả đều bị thiêu đốt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bị thiêu đốt; pháp, ý thức, ý xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc tất cả cũng bị thiêu đốt. Bị cái gì thiêu đốt? Bị lửa tham thiêu đốt, lửa nhuế thiêu đốt, lửa si thiêu đốt, lửa sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thiêu đốt’.

Bấy giờ, một ngàn vị Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, không còn khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 197)

Tuy Đức Phật có ba phương tiện giáo hóa nhưng chủ yếu vẫn là ‘thị hiện giáo giới’. Pháp tu mà Ngài đã dạy vốn rất nhiều nhưng tựu trung vẫn không ngoài quán sát mối quan hệ giữa sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức). Căn tiếp xúc với trần sinh ra nhận thức, phân biệt, cảm thọ (khổ, lạc, không khổ không lạc), tham sân si bắt đầu chi phối để tạo ra vô vàn khổ đau. Đây chính là một phần của chu trình nhân duyên: lục nhập-xúc-thọ-ái-thủ-hữu-sinh-lão-tử.

Ngay đây người đệ tử Phật thấy rõ mấu chốt của vấn đề. Khi sáu căn duyên với sáu trần mà chánh niệm tỉnh giác, rõ biết và làm chủ cảm thọ, ái không sinh, ái được đoạn tận thì tâm không còn lậu hoặc, chấm dứt sinh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Nghe thì có vẻ giản đơn nhưng thực hành là một quá trình gian khó. Bát chánh đạo hay giới định tuệ là hiện thực hóa lộ trình của pháp tu này. Căn tiếp xúc với trần, chánh niệm tỉnh giác, tham sân si và các lậu hoặc không khởi lên, ái diệt, sinh tử diệt, thành tựu giải thoát.


Quảng Tánh

Các tin tức khác

Back to top