Những điều cần biết về tham thiền của Phật giáo

14/04/2018 12:15
Kinh nói: “Ninh tĩnh an tường giả, thiền định trung lai.” Nghĩa là người điềm tĩnh khoan thai, là đến từ thiền định. Tham thiền tu định là pháp môn tu trì quan trọng của Phật giáo.

Thông qua công phu của thiền định, Chân như (tathata) Phật tính (buddha-dhatu) vốn có trong mỗi con người, sẽ hiển lộ. Đây là con đường tu trì xưa nay mà các tông phái lớn Phật giáo đều thực hành. 

Thiền, Phạn ngữ là dhyana (thiền-na), Pali ngữ là jhana, Hán dịch (dịch ý) là tĩnh lự (tịnh tâm suy xét/gột sạch tất cả tạp niệm). Thiền, có mặt khắp nơi, xưa nay hệt như nhau. Thiền sư Thanh Nguyên nhà Đường nói: Thiền chính là tâm của chúng ta. Cái tâm này là chỉ cho “chân tâm” - trái tim chân thật trú ẩn dưới đáy sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Chân tâm này, siêu vượt hết thảy sự tồn tại hữu hình, lại lộ bày trong vũ trụ vạn hữu, cho dù là cuộc sống hàng ngày trông giống như rất đỗi bình thường, nhưng khắp nơi tràn ngập thiền cơ. Vì thế, Lục tổ Đại sư Huệ Năng nói: “Đạo do tâm ngộ, khởi tại tọa dã?” (đạo được bừng tỉnh từ tâm, há chỉ ở tư thế ngồi?) chính là nói rõ rằng tham thiền cầu đạo, quan trọng là ở chỗ giác ngộ chân tâm bản tính, nhưng hoàn toàn không phủ nhận vai trò của ngồi thiền (tĩnh tọa). Thế nên, đối với kẻ sơ học, tọa thiền vẫn là phương pháp nhập môn quan trọng lúc tham thiền.Thiên Thai tiểu chỉ quán cho biết, người mới bắt đầu học đạo thì phải ngồi thiền, phải điều hòa năm việc: điều hòa việc ăn uống (điều thực), điều hòa việc ngủ nghỉ (điều thụy), điều hòa thân thể (điều thân), điều hòa hơi thở (điều tức), và điều hòa tâm (điều tâm). 

Về phương diện điều hòa thân, theo Tỳ-lô (Vairocana) thất chi tọa pháp, chia làm bảy nội dung chính: (1) hai chân đan chéo vào nhau (thế kiết-già), ngồi xếp bằng gác một chân lên bắp vế chân kia (thế bán già); (2) sống lưng thẳng đứng, không được dựa vào vách tường; (3) tay kết định ấn, đặt ở dưới rốn; (4) hai bả vai ngang bằng, thả lỏng tự nhiên; (5) đầu mặt ngay ngắn, hàm dưới thu vào bên trong; (6) hai môi khép lại, lưỡi chạm nhẹ vào hàm răng trên; (7) hai mắt khép lại, quán chiếu thân tâm. 

Trong đó “kiết-già phu tọa” tục gọi là “bàn thối tọa” (hai chân xếp chéo nhau đặt đều trên đệm). Lại chia làm đơn bàn1 và song bàn2. Những người mới học nếu không thể song bàn, thì có thể đơn bàn, hoặc ngồi đan chéo hai chân vào nhau, hoặc có thể ngồi trên ghế (giường) đặt hai chân trên mặt đất (thảm), tư thế áo quần ngay ngắn. 

Về phương diện điều hòa hơi thở, hơi thở (tức) chính là thở ra hít vào. Thông thường, thở hít có bốn hiện tượng: gió (hít vào thở ra có âm thanh), thở (ngẹt không thông), hơi (ra vào khò khè), hơi thở (không thanh không ứ không ồ). Ba hiện tượng trước đều là tướng của hơi thở chưa điều hòa, không nên ngồi thiền, chỉ có hơi thở nhẹ nhàng thoải mái, cõi lòng mới có thể vững chãi an ổn. 

Điều hòa hơi thở là phương pháp nhập môn của tu định. Phương pháp điều hòa hơi thở có sổ tức3 và tùy tức4. Sổ tức là một trong “ngũ đình tâm quán”5. Sổ tức có năm công đức như giảm bớt giấc ngủ, là nền tảng của tu định; đối trị tâm tán loạn có công đức nhất. Nó và bất tịnh quán được cho là “nhị cam lộ môn”. Sổ tức cũng là một trong nhân tướng (cái tướng nguyên nhân vạn pháp) của “lục diệu môn”6

Lục diệu môn tức là sáu loại diệu pháp của tu định, gồm: sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, và tịnh. Trong pháp môn của tất cả tập định, “an-na-bát-na (anapana) thiền pháp” là căn bản nhất, đồng thời cũng là vững chắc, an toàn nhất. Thiền pháp an-na-bát-na tức là thông qua việc tu trì lục diệu môn, khiến tâm dừng lại ở một cảnh giới (nhất cảnh), sau đó nương định theo vào chánh lý quán sát thực tướng các pháp, theo đó đoạn hoặc chứng chân (đoạn trừ tất cả phiền não tham sân si, chứng ngộ chân lý vũ trụ nhân sinh). Đức Phật xưa kia ngồi xếp bằng ngay ngắn dưới cội cây bồ-đề (bodhi-druma), bắt đầu nội quán an-bát (an-na-bát-na), cuối cùng được vạn hạnh mở mang, đối trị được ác ma và thành đạo, sau đó cũng lấy thiền pháp an-bát dạy bảo cho mọi người, là phương tiện chủ yếu của nhập môn. 

Về phương diện điều hòa tâm, kinh Phật di giáo nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện.” Nghĩa là nếu có thể khống chế tâm vào một chỗ, thì không có việc gì không làm được. Điều tâm chính là đem tạp niệm, vọng tưởng, tâm tán loạn chuyên chú vào một chỗ, khiến vọng tâm dừng lại mà bước vào thanh tịnh, minh giác, quên cảnh của ta, đây cũng là mục đích căn bản của tọa thiền. Điều tâm là phương pháp quan trọng của tu định. Bình thường mới tham thiền thường sẽ xuất hiện hai trạng thái tâm lý, một là hôn trầm (hôn mê muốn ngủ), hai là trạo cử (dao động xao xuyến, vội vàng bất an), điều tâm ngoài việc phải điều phục tâm tán loạn, không để phóng dật, còn phải làm cho những trạng thái khác nhau của tâm đạt đến an ổn thích hợp; ví như lúc hôn trầm thì quán tâm ở đỉnh mũi hoặc mí tóc, khởi lên chánh niệm (samyak-smrti/những ý nghĩ chân chính), khiến tâm ý tập trung; lúc trạo cử thì quán tâm ở đan điền (vùng dưới rốn), khiến tâm nóng nảy nông nổi chìm xuống. 

Ngoài ra cũng có thể quán tưởng các tướng tốt của Đức Phật, hoặc là niệm Phật, trì chú; hoặc là tham nhập thoại đầu, công án,… chỉ cần phù hợp với phương thức tu thiền tu (thiền tư/thiền định/thiền quán) của giới đức, định đức, tuệ đức. Tùy vào căn cơ của mình mà ta chọn một pháp tu thích hợp. 

Nhung dieu can biet (1).jpg


Nói chung, mục đích chủ yếu của thiền tu là ở chỗ tu tâm đạt được định, theo đó (nhờ có định) mà khai phát trí tuệ. Tập thiền tu định không thể chóng thành, không thể vượt qua thứ bậc. Kinh nói “y giới tu định, y định phát tuệ”. Đây là học trình (chương trình học) rõ ràng đúng đắn không được xem nhẹ. Nhất là quá trình tu học từ sơ học nhiếp (nắm/giữ) tâm, đến chánh định thành tựu, cần chú trọng dưỡng thành thiền định cơ bản, cũng là dựa vào chín tâm trụ7 mà luận Du-già-sư-địa (Yogācāra-bhūmi-śāstra) nói, hoặc dựa vào tám đoạn hành mà luận Biện trung biên (Madhyānta-vibhāga) nói để mà tu tập, từ từ sẽ diệt trừ những sai lầm như vọng niệm, tán loạn, trạo cử, hôn trầm, khiến tâm an trú ở cảnh sở duyên, dần dà thì tâm không trầm (sa sầm) không trạo (xao động), thăng bằng cân đối, an trú tùy vào sự vận động tự nhiên các pháp. Đây chính là tâm trụ thứ chín cao nhất trong Dục giới, có tên là “đẳng trì tâm” (giữ tâm ở thế thăng bằng; tên gọi khác là định). 

Từ “đẳng trì” mà tiến vào “xa-ma-tha”8 (śamatha), cũng tức là “vị đáo định” (chưa được định) trong Sắc giới, thời kỳ cần phải tu Tứ thiền Bát định9, hoăc tu tứ đế thập lục hành tướng…10 Phật giáo đặc biệt chú trọng tu học về văn tư tuệ. Văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ là học trình thứ lớp trí tuệ và năng lực tu học pháp Phật. Người thiền hành sau khi tu được căn bản thiền định chín loại tâm trụ thì phải thêm bước nữa, dốc sức vào việc nghiên cứu những lời dạy trong kinh điển, đạt được những thành tựu “pháp trụ trí”11 của văn tuệ và tư tuệ, mới có thể chứng đắc thánh quả “Niết-bàn trí”12 của tu tuệ. 

Thiền, là cần chúng ta không trụ sinh tử, cũng không trụ Niết-bàn (Nirvana). Không trụ ở sinh tử, là muốn chúng ta dùng trí tuệ của Bát-nhã (Prajna) vượt qua sinh tử luân hồi; không trụ vào Niết-bàn, là muốn chúng ta lấy tâm từ bi phục vụ quần chúng, cứu độ chúng sinh. Vì thế, tập thiền hẳn không nên xem nhẹ việc giữ tịnh giới, tu từ bi. Có thể giữ gìn tịnh giới, thân tâm thanh tịnh (trong sạch), tập định sẽ dễ dàng thành tựu; có tâm từ bi, trong lòng thường khởi lên tâm thương cảm, thì sẽ không đọa vào thiền cảnh khô mộc13

Chọn lựa môi trường (điều kiện) tọa thiền cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Ví dụ, không nên ngồi thiền ở những nơi ẩm ướt hoặc nóng nực, không khí phải lưu thông, độ sáng tối cần vừa phải, không ngồi ở dưới đầu (nguồn) gió, đệm (bồ đoàn/tọa cụ) không nên quá mềm mại hoặc quá cứng… Người mới học giả sử còn ở giai đoạn điều hòa thân, để thích nghi dần, trong một ngày nên “ngồi nhiều lần, với thời gian ngắn”. Tọa thiền có thể bố trí vào buổi sáng lúc mới thức dậy, ban đêm trước khi đi ngủ, hoặc vào những ngày nghỉ lễ lúc nghỉ ngơi, đồng thời nên tránh ăn uống quá no, thân thể mệt mỏi rã rời, hoặc ngồi thiền sau khi vận động mạnh. Thêm nữa, người mới học tốt nhất nên thường xuyên đến chùa viện tu chung với đại chúng, đợi sau khi hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản, hẵng ở nhà tu một mình. 

Ở nhà tu thiền nên có nhân duyên trợ đạo (hỗ trợ tu hành) đầy đủ, như: gần gũi thiện tri thức, bồi dưỡng từ bi, dừng ác làm thiện, không bấu víu vào ngoại duyên (đến từ bên ngoài), khéo điều tiết việc ăn uống, khéo điều phục việc ngủ nghỉ, trừ bỏ trạo hối cái14, lòng tin kiên định, lễ Phật sám hối, phát khởi Bồ-đề tâm mỗi ngày… Trong quá trình tập thiền, nếu gặp phải nghiệp chướng hiện tiền, cần phải khởi tâm sám hối hành vi đó, cũng như hành thiện pháp công đức, bồi dưỡng hạt giống thiện, điều càng quan trọng hơn cả là, trong tư tưởng phải nghe nhiều huân tập vô thường và giáo nghĩa Phật pháp duyên khởi tính không; lập thời khóa biểu cố định khi ngồi thiền, phải thường xem thân tâm của tự ngã ngay tại bây giờ như là đối tượng thiền quán, tiến hành thể sát (quan sát, theo dõi và thể nghiệm) đối với vấn đề vô thường, vô ngã, một khi phát hiện ra trí tuệ Bát-nhã thì nghiệp chủng khô héo, nghiệp chướng tự diệt vong. Đặc biệt tốt nhất có thể tự lập ra biểu tu thiền và biểu ưu khuyết điểm, mỗi ngày tự mình yêu cầu, đồng thời xem tọa thiền như là khóa học thông lệ. Nếu có thể nương vào phương pháp tọa thiền đúng đắn, bền chí luyện tập, với một khoảng thời gian dài, sẽ có một ngày tọa xuất yên tĩnh, khinh an (prasrabdhi/ung dung an tường), hỷ duyệt (vui vẻ), tự nhiên có thể thu được lợi ích của tọa thiền, kiến lập lòng tin của tọa thiền. 

Tinh Vân
Nhã Tuệ
 dịch

_______________
(Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.133-136) 
(1) Là ngồi tư thế bán kiết-già, đặt chân phải lên đùi trái, hoặc ngược lại, đặt chân trái lên đùi phải. 

(2) Là ngồi tư thế toàn kiết-già, là hai chân đan vào nhau, trước hết đặt bàn chân trái lên đùi phải, tiếp theo đem bàn chân phải đặt lên đùi trái. Cũng gọi là “kiết tường tọa”. 

(3) Sổ tức: ở đây “sổ” là đếm, “tức” là hơi thở. Sổ tức nghĩa là đếm hơi thở. Phép này lại được chia làm đếm hơi thở ra, đếm hơi thở vào. Đếm hơi thở ra tập trung sự chú ý vào hơi thở, mỗi hơi thở ra thì đếm số 1, đếm đến số 10; rồi bắt đầu đếm từ 1 cho đến 10 lại. Cứ lặp lại như thế thì tâm ý có thể từ từ tập trung mà tạp niệm dần giảm thiểu, cho đến tan biến. Ngược lại, đếm hơi thở vào thì tập trung sức chú ý vào mỗi hơi thở. Khi đếm hơi thở, nếu do lúc vọng niệm sinh khởi mà quên đi con số đếm, có thể bắt đầu lại từ đầu đếm lại số 1. 

(4) Tùy tức: ở đây “tùy” là theo, “tức” là hơi thở. Nghĩa là tâm niệm tự nhiên quán chiếu hơi thở ra vào, niệm niệm rõ ràng, không để gián đoạn. 

(5) Còn gọi là ngũ quán, ngũ niệm, ngũ đình tâm, ngũ độ môn, ngũ môn thiền. Là năm phép quán ngừng nghỉ, chấm dứt phiền não ma chướng, gồm: (1) bất tịnh quán (azubhàsmfti): quán tưởng thân mình và thân người là nhơ nhớp để trừ bỏ lòng tham muốn; (2) từ bi quán (maitrì-smfti), cũng gọi từ tâm quán, từ mẫn quán. Quán tưởng lòng thương xót để đối trị với phiền não oán giận; (3) duyên khởi quán (yayatà-pratìkyasamutpàda-smfti), cũng gọi nhân duyên quán, quán duyên quán. Quán tưởng 12 duyên khởi thuận và nghịch để đối trị phiền não ngu si; (4) giới phân biệt quán (dhàtuprabheda-smfti), cũng gọi giới phương tiện quán, tích giới quán, phân tích quán, vô ngã quán. Quán tưởng các pháp 18 giới đều do sự hòa hợp của đất, nước, lửa, gió, không và thức mà có thể đối trị ngã chấp; (5) sổ tức quán (ànàpàna-smfti), cũng gọi an-na-ban-na quán, trì tức niệm. Đếm số hơi thở ra, thở vào để đối trị tầm, tứ tán loạn, giữ cho tâm dừng yên ở một cảnh. 

(6) Là chỉ 6 loại thiền quán đi vào Niết-bàn, tức: (1) sổ tức môn: tức là khéo điều hòa thân tâm, số đếm (đếm hơi thở) từ một đến mười để nhiếp loạn tâm; (2) tùy môn: tức là không miễn cưỡng cứ tùy theo hơi thở dài ngắn. Hít vào biết hít vào, thở ra biết ra, dài ngắn, lạnh ấm thảy đều biết cả; (3) chỉ môn: tức là ngưng tâm tịnh lự (lắng niệm). Tâm an nhàn, sáng sủa, trong sạch, không chút lay động; (4) quán môn: cần phải quán tâm rõ ràng, biết ngũ ấm là hư vọng, phá tất cả vọng kiến điên đảo; (5) hoàn môn: tức xoay tâm phản chiếu cái tâm năng quán, biết tâm năng quán là hư vọng chẳng thật; (6) tịnh môn: Tâm chẳng chỗ dựa, chẳng trụ chẳng khởi, chẳng chấp trước, trống rỗng trong sạch. Y theo sáu môn này tu tập sẽ đạt đến diệu cảnh Niết-bàn Tiểu thừa, nên gọi là lục diệu môn. 

(7) Khi tu thiền định, hành giả không để cho tâm tán loạn, khiến nó an trụ ở một cảnh. Cộng có chín loại tâm, gồm: (1) An trụ tâm: khiến tâm ở yên nơi đối tượng; (2) Nhiếp trụ tâm: ngay khi tâm khởi tác dụng duyên theo đối tượng bên ngoài thì lập tức khiến tâm trở về; (3) Giải trụ tâm: đương khi tâm hiểu biết phân biệt duyên theo đối tượng bên ngoài, thì thu nhiếp tâm ngay; (4) Chuyển trụ tâm: đình chỉ tâm hiểu biết phân biệt, an trụ nơi đối tượng; (5) Phục trụ tâm: khi vào thiền định lâu, nếu tâm sinh nhàm chán, thì phải chiết phục ngay; (6) Tức trụ tâm: khi trong tâm động niệm thì chấm dứt ngay; (7) Diệt trụ tâm: ngay lúc tâm tham ái dấy lên phải diệt trừ luôn; (8) Tính trụ tâm: đương khi các vọng niệm đình chỉ hoạt động, thì biết rõ bản tính của tâm vốn trong sáng, tự nhiên an trụ; (9) Trì trụ tâm: kết quả của công phu thiền định được tích lũy nên lâu ngày được an trụ trong định và tự nhiên làm thiện, dứt ác. 

(8) Còn gọi là chỉ tịch, đẳng quán, là tên gọi khác của thiền định. Nghĩa là dừng nghỉ tất cả tưởng niệm và tư duy suy xét, khiến trạng thái của tâm chuyên chú vào một cảnh, không bị tán loạn. 

(9) Tứ thiền còn gọi là tứ tịnh lự, sắc giới định, tức là chỉ cho sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, và tứ thiền của cõi Sắc giới. Tứ thiền với tứ vô sắc định gồm: không vô biên xứ định, thức vô biên xứ định, vô sở hữu xứ định, phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định, hợp lại thành bát định. Tám phép định trên vượt khỏi cõi Dục giới. Bốn phép đầu thuộc cõi Sắc giới, bốn phép sau thuộc cõi Vô sắc giới, cho nên người ta gọi chung là Tứ thiền Bát định. Hành giả khi nhập định siêu quá bát định trên là tu tiếp diệt tận định, thoát ra khỏi ba cõi, không còn lăn lộn sanh tử, tức đắc quả Thánh A-la-hán, Duyên giác, Phật. 

(10) Còn gọi là Thập lục hành, Thập lục hành quán, Thập lục hành tướng quán, Thập lục thánh hành. Hành tướng, ý là tướng trạng. Là chỉ cho phương pháp quán xét 16 hành tướng của 4 đế để diệt trừ các kiến chấp. Căn cứ theo luận Câu-xá quyển 26 thì 16 hành tướng là: 1. Bốn hành tướng của Khổ đế: (a) Vô thường: vì đợi duyên mới có, (b) Khổ: vì có tính bức bách, (c) Không: vì trái với ngã sở kiến, (d) Phi ngã: vì trái với ngã kiến; 2. Bốn hành tướng của Tập đế: (a) Nhân: lý ấy như hạt giống, (b) Tập: giống như lý hiển hiện, (c) Sinh: có năng lực làm cho sinh khởi liên tục, (d) Duyên: có công năng khiến cho thành tựu, ví như các duyên (điều kiện): đất sét, cái bàn quay, dây và nước hòa hợp thành cái bình; 3. Bốn hành tướng của Diệt đế: (a) Diệt: vì các uẩn đều đã hết, (b) Tĩnh: vì 3 thứ lửa (tham, sân, si) đã tắt, (c) Diệu: vì không còn các hoạn nạn, (d) Ly: vì đã thoát khỏi mọi tai ách; 4. Bốn hành tướng của Đạo đế: (a) Đạo: vì có nghĩa là con đường thông suốt, (b) Như: vì khế hợp với chính lý, (c) Hành: vì hướng tới chân chính, (d) Xuất: vì có khả năng vượt thoát vĩnh viễn. Mười sáu hành tướng tuy có 16 tên nhưng thực ra chỉ có 7. Nghĩa là khi duyên Khổ đế thì danh, thực đều có 4, nhưng duyên 3 đế còn lại thì danh có 4, thực chỉ có 1. Mục đích tu 16 hành tướng là để đối trị các kiến chấp, trong đó, vì đối trị các kiến chấp: thường, lạc, ngã sở, ngã kiến… cho nên tu các hành tướng: vô thường, khổ, không, vô ngã,…; vì đối trị các kiến chấp như: vô nhân, nhất nhân, biến nhân, tri tiên nhân… cho nên tu các hành tướng: nhân, tập, sinh, duyên; vì đối trị kiến chấp giải thoát là không, nên tu hành tướng diệt; để đối trị kiến chấp giải thoát là khổ, nên tu hành tướng tĩnh; để đối trị kiến chấp cho cái vui của tĩnh lự và đẳng chí là diệu nên tu hành tướng diệu; để đối trị kiến chấp cho rằng giải thoát luôn luôn lui sụt chứ chẳng phải vĩnh hằng, cho nên tu hành tướng ly; vì đối trị các kiến chấp vô đạo, tà đạo, dư đạo, thoái đạo,… cho nên tu các hành tướng: đạo, như, hành, xuất. 

(11) Có 3 cách lý giải: (1) chỉ cho cái trí đúng biết như thật về pháp duyên sinh 12 chi như vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử (kinh Tạp-A-hàm,quyển 14); (2) trí nương theo lý pháp Đức Phật đã dạy mà đặt ra các pháp môn để giải nói về lý pháp ấy (phẩm Tâm ý thức tướng trong kinh Giải thâm mật, quyển 1); (3) Trí nương theo giáo pháp mà phát sinh, tức chỉ cho trí tuệ của phàm phu (luận Du-già-sư-địa, quyển 10). Hay nói cách khác, cái biết rộng khắp đầy đủ về pháp sinh khởi, từ đó biết có Phật không Phật, pháp tính thường trụ, gọi là pháp trụ trí. 

(12) Chỉ cái trí ngộ nhập các pháp sinh diệt vô thường, pháp tính không tịch. 

(13) Cây khô, ví dụ trạng thái vô tâm, hoặc chỉ bám chặt vào việc ngồi thiền cầu khai ngộ, chứ không có công dụng hóa độ người khác. 

(14) Là một trong năm thứ phiền não che đậy (cái) tâm tánh, không cho pháp thiện nảy nở, gồm: 1. Tham dục: tham muốn mọi thứ nhất là tình dục. 2. Sân nhuế : giận hờn, nóng nảy. 3. Thụy miên : biếng nhác mê ngủ. 4. Trạo hối : xao động, buồn rầu nơi tâm tướng. 5. Nghi pháp : nghi ngờ, nghi hoặc Chánh pháp.

Các tin tức khác

Back to top