Chúng ta sợ hãi tại vì ta nghĩ trên đời này sẽ không có một người nào có thể chăm sóc ta, có thể làm chỗ nương tựa cho ta. Đó là những tình cảm nẩy sinh từ khi chúng ta còn thơ ấu. Khi mới sinh ta, tuy có mắt nhưng ta chưa dùng được mắt, có tai nhưng ta chưa dùng được tai, ta có hai tay hai chân mà chưa dùng được hai tay hai chân. Chúng ta không có khả năng tự lo cho mình. Làm sao một em bé ba tháng hay sáu tháng hay một năm có thể tự lo cho mình? Em bé cảm thấy rất trống trải, rất sợ hãi. Nếu không có một bà mẹ hay một vú nuôi chăm sóc những khi đói lạnh thì em bé không biết làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó.
Ngay lúc mới sinh ra đã là một giây phút hiểm nguy, nhất là ngày xưa, có thể cả mẹ con đều chết trong quá trình sinh con. Vì vậy cho nên mẹ sợ mà con cũng sợ, cái sợ của mẹ truyền sang con. Trong thời gian chín tháng đứa bé nằm trong bào thai rất êm ấm, không quá nóng không quá lạnh và nó có tất cả những tiện nghi. Em bé khỏi phải làm gì cả, mẹ ăn cho mình, mẹ thở cho mình, cho nên ra khỏi bụng mẹ là đứa bé đi vào một thế giới mới. Sau khi cắt rốn thì sợi dây liên lạc giữa mẹ và em bé không còn nữa. Nó phải tự thở lấy, tự ăn lấy, điều này rất khó cho em bé. Và em bé chỉ có một vũ khí thôi, đó là khóc; ngoài ra nó không có phương tiện nào khác để tự vệ. Khi đói nó cũng khóc, khi lạnh nó cũng khóc, khi cô đơn nó cũng khóc. Nhờ khóc mà mẹ tới ẵm nó vào trong hai tay, nhờ khóc mà nó có sữa bú khi đói, có áo mặc khi lạnh. Vì vậy rõ ràng vũ khí của em bé chỉ là tiếng khóc mà thôi. Trong em bé phát sinh ra một loại tình cảm là sự sợ hãi
Em bé sợ rằng có khi mình khóc mà người kia không tới được. Trước hết nó sợ chết, và nó sợ không có người chăm sóc cho mình, sợ bơ vơ. Tình cảm từ hồi còn bé thơ còn sống cho tới bây giờ. Cái sợ của chúng ta bắt nguồn từ đó, sự tìm kiếm của chúng ta cũng bắt nguồn từ đó, và sự yêu thương của chúng ta cũng bắt nguồn từ đó. Trong kho tàng âm nhạc của đạo Bụt có một bài tán dâng hương, trong đó có câu:
Da Du tử mẫu lưỡng vô ương
tức là mẹ con Da Du Đà La không bị tai nạn, tại vì ngày sinh ra Rahula là một ngày rất khó cho Siddharta. Da Du Đà La sinh con rất khó, tưởng là cả hai mẹ con đều chết rồi. Siddharta đi bộ ở ngoài, trong lòng rất lo lắng, sợ hãi, nghĩ rằng vợ con của mình có thể chết bất cứ lúc nào. Chính Siddharta cũng rất khó sinh, nên khi sinh ra Siddharta thì hoàng hậu Maya qua đời. Cái sợ đó có trong Siddharta mà cũng có trong Rahula.
Hỏa nội đắc thanh lương
có nghĩa là là trong cơn lửa cháy bừng bừng đó, có Cam Lộ tức tin mừng sinh con được rồi, và mẹ tròn con vuông. Đó là một giây phút rất là khó khăn cho cả mẹ lẫn con.
Khi đứa bé được sinh ra thì công việc đầu tiên nó phải tự làm là phải thở. Nó phải thở vào hơi thở đầu tiên và phải thở ra hơi thở đầu tiên, nhưng nó chưa được học kinh An Ban Thủ Ý. Lúc đó trong phổi của em bé có một ít chất loãng làm nó thở vào và thở ra đều khó, nó phải làm cách nào đó để đẩy chất loãng đó đi thì nó mới thở được. Vì vậy khi ra đời đứa bé bắt đầu bằng tiếng khóc, khóc để đẩy chất loãng trong phổi ra và thở vào một hơi. Thở vào và thở ra được một hơi thì biết là mình sống.
Sự sợ hãi phát sinh ngay từ khi mình mới sinh ra, mình sợ chết và sợ không có người chăm sóc mình. Cái sợ đó là cái sợ nguyên thủy, cái ao ước đó là ao ước nguyên thủy. Cái sợ nguyên thủy là sợ chết, sợ cô đơn một mình. Sự ao ước nguyên thủy là ao ước có người chăm sóc mình. Khi chúng ta lớn lên thì cái sợ và sự ao ước đó vẫn còn. Là con trai hay con gái cũng vậy, chúng ta có cảm tưởng chúng ta là một cái nồi chưa có nắp. Chúng ta đi tìm cái nắp, mà không biết nguồn gốc của ước muốn đó là từ thời thơ ấu. Khi tìm được một người rồi thì ta mừng quá, cái nồi đã có vung rồi và ta thấy an tâm. Cái người mà ta tìm ra đó là đối tượng tìm kiếm của ta từ hồi còn nhỏ, tức là một bà mẹ, một người vú em hay một người cha. Ngồi bên cạnh người yêu ta nghĩ:“Như vậy là được rồi. Mình yên tâm rồi, đã có người lo cho mình rồi. Mình đã có một người cha, một người mẹ, một người vú em rồi.“ Người yêu của mình là sự tiếp nối của người cha, người mẹ hay người vú em đó. Nhưng mình có thể an tâm vài tháng hay vài năm rồi mình thấy người kia không phải là người cha, người mẹ hay người vú em. Người đó, thay vì chăm sóc mình, lại còn gây ra bao nhiêu khó khăn cho mình. Lúc đó mình đi tìm cái vung khác.
HT. Thích Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Bất hại ( 7/05/2018 12:06)
- Pháp hành căn bản cho hàng Phật tử ( 6/05/2018 11:32)
- Dùng từ bi hỷ xả đối trị tam độc ( 5/05/2018 3:10)
- Ván cờ sinh tử ( 5/05/2018 2:58)
- Ta là ai? ( 4/05/2018 3:07)
- Tự mình trói buộc mình ( 3/05/2018 3:11)
- Hãy để khổ đau của bạn được tắm mát ( 3/05/2018 3:10)
- Quyết tiến không lui ( 2/05/2018 2:59)
- Ý nghĩa hồng danh sám hối ( 1/05/2018 11:45)
- Loài người là quý nhất có đủ điều kiện để tiến đến quả vị Phật (29/04/2018 11:45)