Quả báo nghiệp ưa tranh cãi

24/06/2018 12:25
Nói lời hòa ái, không tranh cãi (khẩu hòa vô tranh) là hạnh tu căn bản của người con Phật. Trong đời sống cộng trụ, không tranh cãi có vai trò rất quan trọng để thiết lập hòa hợp và thanh tịnh.
Dĩ nhiên chúng ta có quyền tranh luận, thảo luận, bàn bạc về một vấn đề nào đó nhưng phải nói trong chánh niệm, yêu thương, hòa ái nhằm xây dựng và hoàn thiện lẫn nhau vì mục tiêu chung, vì lợi mình và lợi người.


Hòa hợp - Ảnh minh họa

Suy cho cùng, người đời tranh cãi nhau không ngoài danh lợi và chấp thủ tự ngã. Người tu nếu không vững tâm cũng vì danh lợi mà tranh cãi, hơn thua như thường. Trong thời đại mà nghiệp lực chúng sinh thiên về “đấu tranh kiên cố” thì sự tranh cãi trở nên dữ dội hơn. Tranh cãi để làm sáng tỏ chân lý, minh bạch cái đúng cái sai nhưng vẫn giữ tâm bình tĩnh, từ bi thì có thể chấp nhận. Còn tranh cãi vì “tôi, của tôi” gây đổ vỡ tình huynh đệ, tạo ra không gian sống bất hòa, mọi người luôn nghi kỵ, căng thẳng thì không nên, nhất là sự việc ấy lại xảy ra trong chúng Tăng.

“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia làm Tỳ-kheo trong pháp Phật Ca-diếp, ưa thích tranh cãi, làm rối loạn chúng Tăng, lắm mồm mép, làm mất sự hòa hợp. Các Tỳ-kheo ở trước chán bỏ đi, người chưa đến không muốn đến. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

Này các Tỳ-kheo, như Đại Mục-kiền-liên là thấy chân thật không sai. Các ông phải nên ghi nhớ.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 534)

Thực ra, người ưa tranh cãi do họ nặng về khẩu nghiệp xấu ác, chưa biết chuyển hóa để khẩu hành thanh tịnh. Sống trong hội chúng có một hay nhiều người như vậy thật là phiền phức. Người đã đến thì bỏ đi, người chưa đến thì không muốn đến là một bất hạnh cho hội chúng. Nhìn sâu hơn, không có việc gì mà không có nguyên nhân. Trước là do khẩu nghiệp của người ưa tranh cãi. Kế là do sự quản lý, điều hành của những người có trách nhiệm trong hội chúng. Những vị lãnh đạo trong hội chúng nếu không theo nguyên tắc lục hòa của Phật chế thì sớm muộn gì cũng gây ra mâu thuẫn, bất hòa, tranh cãi.

Thế Tôn đã xây dựng sáu nguyên tắc sống chung an lạc là lục hòa nhằm thiết lập thanh tịnh và hòa hợp cho chúng Tăng. Nếu chưa hòa, dù bất cứ phương diện nào thì lập tức có tranh cãi. 

Như vậy, để xảy ra bất hòa trong chúng Tăng, trước phải quy trách nhiệm cho các vị lãnh đạo, thượng thủ trong hội chúng không sống theo lục hòa, thiếu tâm và tầm cũng như dũng khí để áp dụng triệt để tinh thần lục hòa. Sau mới quy trách nhiệm cho cá nhân nặng nghiệp ác khẩu tạo ra bất hòa. Nếu vì nghiệp lực của cá nhân thì đại chúng có thể dang rộng vòng tay, nâng đỡ, dắt dìu giúp cho vị ấy chuyển hóa. Tâm yêu thương, tuệ thấu hiểu của đại chúng sẽ nâng đỡ, tưới tẩm cho người ác khẩu được mát mẻ, vui lòng, trở nên hoan hỷ hơn.

Ngoài việc hướng dẫn tu tập chuyển hóa nghiệp tranh cãi, Thế Tôn cũng dùng nhiều phương tiện để cảnh tỉnh. Cụ thể là, nếu không chuyển hóa khẩu nghiệp thì “Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ”. Đây là tuệ giác đồng thời là từ tâm của Thế Tôn dành cho những ai cố tình gây bất hòa trong đại chúng. 

Người ta thường nghĩ “lời nói gió bay” mà không biết bay về đâu nên cứ nói ác cho sướng miệng mà không ngờ lời ác vì quá nặng nên theo gió nghiệp bay xuống địa ngục. Do vậy nói lời yêu thương, đoàn kết, xây dựng là phẩm hạnh cần thiết để thăng hoa tự thân, góp phần thiết lập nên không gian sống thanh tịnh, an lạc. 

 

Quảng Tánh

Các tin tức khác

Back to top