Có nhiều gia đình cha mẹ vừa nằm xuống thì trong nhà anh em ruột thịt đã tranh nhau đòi chia gia tài, so bì với nhau từ lằn ranh bờ đất, chửi bới thưa kiện nhau ra tòa để giành của về mình. Anh em ruột thịt còn như thế thì huống chi là người dưng nước lã, làm sao có thể thương yêu giúp đỡ nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Người có tiền của còn tham như vậy thì nói gì đến người nghèo khổ thiếu trước hụt sau. Trong cảnh túng quẫn có khi họ phải ăn trộm, cướp giật, lường gạt của người khác. Người Phật tử chân chính phải biết tạo dựng cho mình một đời sống trong sạch, miễn sao có miếng ăn thức uống vừa đủ mà trau dồi đạo đức tâm linh; biết nhường cơm xẻ áo, nhín ăn bớt mặc để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên tinh thần của ít lòng nhiều.
Người thế gian trước tiên muốn thỏa mãn tiền bạc của cải rồi mới đến sự quyến rũ của sắc đẹp. Sắc đẹp cũng là vị ngọt mà cũng là vị đắng. Nó là một thứ men say tình ái khiến con người phải đam mê, thích thú, đắm say. Sự mến luyến, khoái lạc cảm giác rồi mơn trớn, vuốt ve đã làm đại đa số anh hùng hào kiệt đều chết dưới lỗ chân trâu.
Tai hại của lòng đam mê sắc dục làm biết bao người phải hao tài tốn của, tán gia bại sản. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ cũng vì sự tham muốn quá đáng mà vợ chồng gây gỗ, đánh đập nhau vì ghen tuông, hờn mát.
Tình chồng nghĩa vợ bấy lâu bị mất mát, đổ vỡ có thể làm con người ta đau khổ đến tột cùng. Lòng khát ái của con người không bao giờ biết đủ vì họ không bao giờ thấy thỏa mãn trong cuộc tìm kiếm, săn đuổi tình yêu; cũng giống như người khát nước mà uống nước muối nên càng uống lại càng khát. Họ cứ đi tìm những thụ hưởng cảm giác mới lạ có tính cách dị hợm, thậm chí có một số nước họ chơi trò đổi vợ qua lại để tạo thú vui thấp hèn, trụy lạc.
Tâm tham tức là tham lam, mong muốn quá đáng. Chúng ta cứ nghĩ rằng có được đầy đủ tiện nghi vật chất là hạnh phúc lâu dài nên ta luôn tìm cách chiếm đoạt. Như chúng ta đã biết, dù biết rằng những ước muốn quá xa vời, không thực tế nhưng chúng ta vẫn cố tìm mọi cách trong vô vọng. Người tham lam tánh hay để ý dòm ngó, rình rập những gì họ ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở và làm sao có đầy đủ phương tiện về mọi mặt.
Từ tham lam dẫn đến tham vọng, rồi từ đó họ bày mưu lập kế để tìm kiếm cho được những gì mình ưa thích chẳng cần biết có thiệt hại cho ai, nên tục ngữ có câu "bể kia dễ lắp, túi tham khó đầy". Tham cho mình rồi tham cho gia đình, người thân và tham cho cả quốc gia, xã hội. Tham vọng bắt nguồn từ tâm tham cầu quá đáng nên nó khiến cho ta đau khổ vì được thì phải gìn giữ sợ mất mát, không được thì phiền muộn khổ đau.
Khi chúng ta thấy cái gì vừa ý như sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, lợi dưỡng thì ưa thích, luyến ái, muốn chiếm hữu. Đó gọi là tham, tham lam, tham vọng hay tham cầu. Lòng tham không có đáy nên ta tham cho mình chưa đủ mà tham luôn cho gia đình, người thân, rộng hơn nữa là tham cho đất nước. Cũng vì tham lam mà ta ăn không ngon, ngủ không yên, đầu óc lúc nào cũng phải lo nghĩ, tính toán làm sao vơ vét về cho mình thật nhiều.
Nhiều người đi tu để tìm sự giác ngộ, giải thoát mà vẫn để lòng tham ngự trị dưới hình thức vi tế hơn như thích có chùa to Phật lớn, thích nhiều người tôn kính cúng dường, thích có nhiều đệ tử, thích được nhiều người biết đến, ham thích các địa vị, chức sắc trong giáo hội.
Tham có nhiều trạng thái được biểu hiện qua sự ưa thích, yêu thương, ham muốn, thèm khát. Khởi đầu là ưa, rồi từ từ tới thích. Nếu đối tượng là người thì dẫn tới yêu thương rồi luyến ái chấp giữ. Nếu đối tượng là đồ vật thì tham lam muốn chiếm đoạt. Khi tham muốn nhiều thì trở thành thói quen mà sinh ra thèm. Thèm quá thì thành ra có khát khao, tức là không có thì không thể chịu đựng được hay còn gọi là nghiện.
Cũng vì tham vọng, tham cầu quá đáng mà con người tranh giành, xâu xé, cướp bóc, giết hại lẫn nhau gây đau thương, tang tóc cho nhiều người. Tham là một loại phiền não không những có hại cho mình trong hiện tại mà còn có hại cho mình trong tương lai và còn liên lụy đến nhiều người khác nữa.
Những người có quyền cao chức trọng thường có tham vọng rất lớn và họ là những người có ý chí nên dễ dàng làm nên việc lớn. Chính vì tham vọng đó mà xã hội tiến bộ và phát triển, những kẻ an phận thủ thường không bao giờ có địa vị cao trong xã hội.
Có hai loại muốn ai cũng có thể bị nó chi phối là tham muốn và mong muốn. Tham muốn là sao? Là nhất quyết muốn cho bằng được, nếu không được thì bất mãn, tức tối, khó chịu, phiền muộn, giận dỗi phát sinh và tìm cách chiếm đoạt. Do đó, tham muốn càng nhiều thì càng phát sinh các thứ phiền não vì tham muốn mà không được như ý, nếu được thì tham càng thêm tham, nếu tham không được thì sinh ra giận hờn, khó chịu, tìm cách trả thù.
Mong muốn có nghĩa là mong cầu, ước mơ, nếu có cũng được, không có cũng không sao. Tham muốn và mong muốn khác nhau ở chỗ đó, một đàng muốn cho bằng được, nếu không được thì nổi giận, oán hờn, tìm cách trả đũa và quyết tâm chiếm đoạt về cho mình nên bất chấp luân thường đạo lý, có khi phải giết người để thỏa mãn lòng tham muốn. Trong cuộc sống này chúng ta có quyền ước mơ, mong muốn chớ đừng nên tham muốn quá đáng mà làm khổ đau cho nhau.
Như chúng ta đã biết, ít ai trong cuộc đời này mà không tham muốn. Có sự sống là có tham muốn, nhưng tham muốn nhiều hay ít là tùy theo sở thích của mỗi người mà thôi. Tham có nghĩa là tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn, làm cái gì cũng muốn đem về cho riêng mình, dù có của dư thà để đó mục nát chứ không dám đem ra giúp đỡ cho ai hết.
Sự tham lam khiến con người ta suy nghĩ, nói năng, hành động một cách độc tài để làm thế nào vơ vét về cho mình hay đất nước mình thật nhiều. Hiện tượng này ngày nay đã tràn lan khắp các nước cường quốc, do đó chiến tranh cứ tái diễn hoài không bao giờ có hồi kết thúc. Cá lớn nuốt cá bé là chuyện đương nhiên, con người cũng lại như thế, khó bao giờ bằng lòng với những gì đã có trong hiện tại.
Nhiều người làm lụng vất vả để có thật nhều tiền mà không dám tiêu xài hay giúp một ai khi cần thiết, họ chỉ chủ yếu mong mọi người biết đến mình là người giàu có. Họ sắm xe hơi đắt tiền mà không dám chạy, chỉ trưng bày cho nhiều người xem để chứng tỏ đẳng cấp giàu sang.
Chúng ta chỉ muốn thu về cho riêng mình những gì thuộc quyền sở hữu của kẻ khác, đó là ta đang đánh mất đi tình thương yêu nhân loại. Kẻ mê mới hành xử như thế, chúng ta hãy cho đi đến tận cùng để được sống chan hòa với trái tim hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống.
Theo TVHS
Các tin tức khác
- Có bấy nhiêu đó thôi ( 2/08/2018 5:06)
- Không có gì đặc biệt ( 1/08/2018 12:57)
- Người Phật tử chánh tín có cầu xin không? ( 1/08/2018 12:42)
- Thế nào là sự tu tập (31/07/2018 1:01)
- Không phải của mình thì nên buông (30/07/2018 12:26)
- Hạnh phúc đến từ đâu? (29/07/2018 12:44)
- Kinh Phật dạy về hạnh phúc, an lạc ở hiện tại và tương lai (29/07/2018 12:43)
- Coi chừng tâm bạn (28/07/2018 1:13)
- Bạn làm gì khi gặp chuyện thị phi? (28/07/2018 1:12)
- Điều quan yếu của đời sống (28/07/2018 1:09)