Chính họ là người phải gánh chịu hoàn toàn những hành động do mình tạo ra, không thể trốn chạy được. Hiểu nhân quả, họ sẽ không dám làm.
Trong các nhà tù có ứng dụng phương pháp của Phật giáo, người ta cho treo những câu kệ về nhân quả ở mỗi phòng giam, chẳng hạn như: “Phàm làm việc gì cũng nên nghĩ đến hậu quả của nó”, chắc chắn phạm nhân sẽ sợ, không dám làm. Khi phải đối diện với khổ đau, tù tội, phạm nhân mới cảm thấy ăn năn, hối hận. Những bài kệ về giáo dục nhân quả chính là chiếc phao đạo đức cứu vớt, để họ bám vào và từ bỏ tội ác bằng thái độ sám hối chân thành. Điều này tốt cho họ lẫn cộng đồng về sau.
Thái Lan là quốc gia áp dụng phương pháp giáo dục thông qua hình ảnh ngài Hộ Pháp, bằng việc thỉnh mời các vị giảng sư, pháp sư vào các trại tù giảng dạy cho phạm nhân, hướng dẫn họ tu Bát Quan Trai, làm công tác từ thiện xã hội v.v… Những tù nhân phạm tội nhẹ sẽ được người quản giáo dẫn đi làm công quả tại những ngôi chùa khác, và có người giám sát chặt chẽ. Số phạm nhân phạm tội ăn cắp được dẫn đến các trung tâm để làm từ thiện, bằng cách đích thân trao tặng những phần quà cho người đang có nhu cầu. Cảm xúc khi nhìn thấy người khác hạnh phúc vì nhận được một phần quà như vậy khiến họ biết trân quý tài sản được làm ra từ mồ hôi nước mắt. Từ đó về sau, họ không có suy nghĩ muốn cướp đi những tài sản không thuộc về mình.
Điều này tạo nên gốc rễ về lòng nhân ái, nếu ta biết kích thích, tạo chất xúc tác thích hợp thì hạt giống đó sẽ trổi dậy mãnh liệt. Về sau, họ không còn tái diễn lại hành động tội ác nữa. Sau khi học Phật pháp xong, tù nhân được tổ chức thi giáo lý ngay trong tù. Ai được điểm cao và có sự sáng tạo về khuynh hướng đổi đời, người đó sẽ được giảm án. Khuynh hướng sáng tạo giúp phạm nhân có hướng suy nghĩ tích cực. Nó như một phương châm làm thay đổi cuộc đời họ về sau. Phương pháp tâm lý trong giáo dục tại Thái Lan rất ấn tượng và hiệu quả.
Ngoài ra, các trại giam còn nhấn mạnh đến phương pháp giáo dục thiền định cho phạm nhân. Đây là hình thức giáo dục mang tính chất tịnh nhiều hơn. Trước nhất, phạm nhân phải trải qua kinh nghiệm đối diện với khổ đau do chính mình gây ra bằng sự tù đày. Ý thức về tội lỗi cũng như sự mặc cảm khiến phạm nhân có nhu cầu ăn năn sám hối.
Hằng ngày, phạm nhân được hướng dẫn phương pháp thiền tập, và phải thực tập ngồi thiền vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Phương pháp thực tập thiền ở đây khá đơn giản. Họ được hướng dẫn ngồi trong tư thế hoa sen bán phần hoặc trọn phần, còn được gọi là tư thế bán già hoặc kiết già.
Tư thế hoa sen bán phần (bán già), nghĩa là bàn chân này nằm lên trên bàn chân khác. Tùy vào sự thuận chân của mỗi người để có thể lựa chọn đặt bàn chân nào lên trên, và điều này không có sự qui định bắt buộc. Tư thế hoa sen toàn phần (kiết già), nghĩa là hai chân bắt chéo vào nhau, lòng bàn chân trái nằm trên đùi phải và lòng bàn chân phải nằm trên đùi trái. Đây là tư thế giao thoa âm dương tạo năng lực giúp hành giả nhiếp tâm dễ dàng.
Vì Thái Lan là quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam tông, nên các phạm nhân được hướng dẫn thực tập phương pháp thiền quán, với nhiều cách thức buông xả nỗi khổ niềm đau.
Thứ nhất, buông xả về tội lỗi, giúp họ quán tưởng về sự ăn năn, hối cải tội lỗi mình từng gây ra cho người và xã hội. Thứ hai, thực tập lòng từ bi. Lòng từ bi phải được trải rộng khắp mười phương, từ con người, loài vật đến môi trường thiên nhiên. Giúp phạm nhân có được chất liệu yêu sự sống, yêu con người, nhìn thấy nỗi đau của người khác cũng chính là nỗi đau của mình.
Thứ ba, là quán tình thân. Phạm nhân được thực tập quán tất cả người nam từng là cha, ông, chú, bác, cậu, anh trai, em trai, con trai, cháu trai v.v… của mình trong một kiếp nào đó, và quán tất cả người nữ từng là bà, mẹ, cô, dì, thím, mợ, chị gái, em gái, con gái, cháu gái v.v...Thực tập như thế để thấy nỗi khổ đau dễ tác động và ảnh hưởng đến bản thân mình nhiều nhất. Vì vậy, họ không còn có động cơ muốn gây khổ đau cho những người thân của mình. Nếu quan niệm tất cả mọi người trong xã hội đều là người thân thì không ai muốn gây tội lỗi để họ bị khổ đau.
Thứ tư, quán “sau cơn mưa trời lại sáng” là cách thức giúp phạm nhận thấy rằng, cuộc đời của họ không phải vứt bỏ, chỉ cần biết ăn năn, hối lỗi là có thể làm mới cuộc đời.
Dùng hình ảnh bầu trời sáng xua đi bóng đêm mịt mờ. Khi xoá mây mù thì vầng nhật nguyệt sẽ chiếu rạng. Sử dụng nhiều hình ảnh để kết nối sự hướng thượng, lúc đó hiệu ứng giáo dục thực sự mang lại kết quả cao. Hướng dẫn thiền quán là tạo cơ hội giúp phạm nhân có đời sống tốt trong cuộc đời.
Tôi đã có hai năm kinh nghiệm thực hiện công việc này tại các trung tâm cai nghiện, trại tù v.v… Cứ mỗi lần đến, đoàn chúng tôi không chỉ đơn thuần làm công tác từ thiện bằng cách tặng quà, chương trình ca nhạc, mà tặng cho họ bài pháp thoại để làm mới đời sống. Luật pháp và sự trừng phạt không thể giúp phạm nhân hồi đầu, mà trái lại hận thù càng gia tăng, tình trạng đại bàng xuất hiện khắp trại tù. Chỉ có lòng từ bi, nhân quả của đạo lý nhà Phật mới có thể giúp họ chuyển hóa. Tôi nhận thấy những chương trình từ thiện như thế rất thành công trong thời gian vừa qua.
Thích Nhật Từ (Nguồn: vedepphatphap.vn)
Các tin tức khác
- Ai làm cho ta khổ? ( 2/09/2018 3:00)
- Phút nhìn lại mình ( 2/09/2018 2:56)
- Đổ nước vào bình rỗng ( 1/09/2018 5:46)
- Diệu Cao thiền sư ( 1/09/2018 5:45)
- Bạn phải đi qua bao nhiêu kiếp luân hồi sinh tử mới được là con Phật, hãy trân trọng điều đó! (31/08/2018 3:12)
- Ham muốn của con người (31/08/2018 3:04)
- Đổ nước vào bình rỗng (30/08/2018 1:21)
- Diệu Cao thiền sư (30/08/2018 1:19)
- Nghiệp thức che đậy (30/08/2018 1:11)
- Trạm dừng nào cho ta (28/08/2018 11:27)