Chuyện Lộc Vương Hoan Hỷ
Thuở xưa, khi Bồ-tát sanh làm con nai chúa tên Nandiya rất hiếu thảo với cha mẹ. Vua trị vì Kosala rất thích săn bắn. Các cuộc đi săn của ông và tuỳ tùng đông đảo làm hư hao mùa màng của thần dân rất nhiều. Dân chúng cùng nhau bàn bạc kiến tạo một lâm viên, đào một hồ nước và gieo cỏ mọc lên, rồi vào rừng đuổi bắt bầy nai về để nhà vua săn hầu tránh thiệt hại cho mùa màng.
Nandiya hy sinh tính mạng của mình vì cha mẹ và trốn theo đoàn nai vô vườn. Nai trong đoàn đồng ý hy sinh từng con một cho cuộc săn bắn của nhà vua. Bầy nai chuẩn bị chờ đến phiên mình, con nào đến phiên phải đứng sang một bên, rồi họ mang nó đi khi nó đã bị bắn chết. Nandiya cứ uống nước trong hồ và ăn cỏ, nhưng chưa đến phiên mình. Mặc dù nai chúa biết rằng mình chắc chắn có thể nhảy rào trốn đi. Song vì đã thọ hưởng thức ăn nước uống đầy đủ của đức vua và việc ấy đối với nai chúa như một món nợ. Ngoài ra, nai chúa đã sống lâu nay với bầy nai này, thật không hợp lý nếu ra đi mà không làm ích lợi cho đức vua và bầy nai nữa, hoặc không chứng tỏ sức mạnh của ta. Vì vậy bồ-tát nai chúa vẫn chờ cho đến khi nào đến lượt của mình, sẽ làm lợi ích cho cả người lẫn vật rồi an vui trở về. Mặc dù nhận được tin cha mẹ đang trông ngóng con về, nhưng bồ-tát vẫn quyết ở lại theo tâm nguyện của mình.
Lúc tới phiên mình, không sợ hãi, Nandiya xuất hiện với tâm từ ái. Tâm từ ái này khiến nhà Vua không thể bắn tên được. Trái lại, vua cho Nandiya một ước nguyện và Nandiya ước nguyện cho mọi chúng sanh được an lạc. Sau đó, nhà vua bỏ đường ác và cai trị theo chánh pháp.
Chuyện Hiếu Tử Sutana
Bồ-tát sanh làm con của một gia đình nghèo, tên Sutana và chăm lo phụng dưỡng cha mẹ già. Một hôm, nhà vua trị vì Benares đi săn, đến nghỉ lưng dưới gốc cây đa bên đường. Trên cây đa có Dạ xoa Makhādeva trú; Dạ xoa được phép của Thiên vương Vessavaṇa bắt ăn thịt ai đến gần trú xứ của mình. Bị bắt, nhà vua thương lượng với Dạ xoa thả ông ra để rồi mỗi ngày ông đem cống nạp cho Dạxoa một người với một dĩa cơm. Đạt được thỏa thuận, đức vua được thả ra. Về kinh thành, vua kể chuyện này lại cho quần thần nghe. Các cận thần sắp xếp để đưa những tù nhân đi nạp mạng cho Dạ xoa. Một thời gian sau, không còn phạm nhân nào để đi cống nạp nữa. Nhà vua đem một ngàn đồng tiền ra thưởng cho ai hy sinh cho Dạ xoa. Hiếu tử Sutana tình nguyện ra đi mặc dầu cha mẹ khuyên can rất nhiều. Ông ra đi với một đôi hài vàng, chiếc lọng của vua, thanh gươm và tô vàng đựng cơm. Sutana đến cây cổ thụ, dùng mũi gươm đẩy tô cơm tới chứ không đến gần. Tiếp theo hai bên nói lên những bài kệ giao tiếp với nhau và Sutana chinh phục được Dạ xoa. Sau đó ngài ra đi cùng quỷ Dạ xoa, bảo nó cầm kiếm cùng nhiều vật khác vàđến thành Ba-la-nại. Quân sĩ báo tin Sutana đã trở về cùng quỷ Dạ-xoa. Vua cùng triều thần đi ra đón Bồ-tát và làm chỗ cư trú cho quỷ Dạ-xoa tại cổng thành, rồi sai người đem cao lương mỹ vị cho nó. Xong vua vào thành, lấy trống truyền lệnh hội họp toàn dân trong thành để tuyên dương công trạng của Bồ-tát và phong ngài chức vụ thống lãnh quân đội.
Chuyện Voi Hiếu Dưỡng Mẹ
Một thời, Bồ Tát sanh làm con voi chăm sóc mẹ mù sống trên núi Caṇḍoraṇa. Một hôm, có người thợ rừng đi lạc, voi đã giúp đỡ đưa khỏi ra khu rừng. Người thợ rừng về tâu vua và được vua phái đi bắt voi. Để công đức không bị tổn hại vì phẫn nộ, voi ngoan ngoãn để bị bắt đưa về kinh thành. Voi được nghinh đón trọng thể và phong làm vương tượng. Nhưng voi không màng ăn uống vì lo cho mẹ. Nhà vua biết voi có mẹ mù, thả voi trở về Hy Mã Lạp Sơn, rồi cho kiến tạo một thị trấn gần chỗ voi trú để tới lui phụng sự voi Bồ Tát và voi mẹ. Sau khi mẹ voi chết, voi đi thật xa đến tịnh xá Karaṇḍaka để phụng sự các trí giả trú tại đây; nhà vua cũng thường đến đó cúng dường chư vị.
Chuyện Hiếu Tử Sāma
Có chàng trai thuộc gia đình giàu có ở thành Sāvatthi, vì lòng tịnh tín nơi Tam Bảo nên chàng xin đi xuất gia. Khi xuất gia một thời gian, gia đình của vị ấy lâm vào cảnh khốn khó, cha mẹ già phải lang thang xin ăn, khi hay tin cha mẹ như vậy, sầu thương nổi lên và vị ấy buồn khóc thật nhiều, nghĩ rằng mình phải trở về gia đình để lo cho cha mẹ. Nghĩ vậy, trên đường hoàn tục để quay lại quê nhà tại Sāvatthi, Tỳ-khưu ấy đã đến Kỳ Viên để đảnh lễ Phật lần cuối, quán thấy những bất an của vị Tỳ-khưu này nên bậc Đạo Sư đã dạy, một người con đi xuất gia vẫn lo được cho cha mẹ mình. Hôm sau trên đường về, vị ấy đã gặp cha mẹ đang ngồi xin ăn bên vệ đường, không kìm lòng được và đã cúng dường hết cho cha mẹ phần thức ăn mà mình đã khất thực, hôm sau Tỳ-khưu ấy cũng phụng dưỡng cha mẹ bằng cách đó.
Việc làm này của thầy đã gây ngờ vực cho các Tỳ-khưu khác, mọi người nghĩa rằng vị ấy đã phí phạm lễ vật cúng dường và đem cho người thế tục nên đem chuyện này trình lên đức Phật. Thế Tôn cho gọi vị Tỳ-kheo trẻ đến và hỏi:
- Có phải ông đã xuất gia mà còn lấy vật cúng dường của thí chủ đem cho người thế tục không?
Vị ấy thú nhận là có. Rồi bậc Đạo Sư muốn ngợi khen việc làm của ông và nói về một việc cũ của Ngài, liền hỏi:
- Thế ông phụng dưỡng người thế tục nào đó?
- Bạch Thế Tôn, chính cha mẹ của con.
Lúc đó Thế Tôn muốn khuyến khích việc làm của ông hơn nữa, Ngài bảo ba lần:
- Tốt lành thay! Tốt lành thay! Ông đang đi con đường ngày xưa Ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực Ta cũng phụng dưỡng cha mẹ Ta.
Các vị Tỳ-kheo khi xuất gia tu hành, dù cắt ái từ thân thực hiện nếp sống viễn ly, nhưng trên phương diện đạo đức xã hội, phụ mẫu tình thâm nên vẫn phải làm tròn bổn phận đạo con. Thời Đức Phật còn tại thế, mỗi khi biết vị Tỳ-kheo nào có hiếu với cha mẹ Ngài đều tán thán, vì trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp, tiền thân của Phật cũng là hiện thân của người con đại hiếu như những câu chuyện tiền thân đã trích lược ở trên.
Chữ hiếu ở mỗi thời khác nhau, do sự khác biệt ý thức và hoàn cảnh xã hội luôn đặt sự nhận thức khác nhau về bổn phận trách nhiệm của người con phải hành xử như thế nào cho trọn tình hiếu nghĩa với cha mẹ. Chính vậy, trong buổi giao thời chữ hiếu rất hệ trọng, ngày nay kỹ nghệ thông tin bùng nổ như thác lũ, chúng ta sẽ tiếp nhận rất nhiều nguồn thông tin: Internet, truyền hình, báo, di động…trong dòng thác đó, tốt có, xấu có, sự thông tin qua lại trong gia đình từ đó ngày một giảm dần, con cái ít nhận thông tin từ cha mẹ, lơ là hiếu đạo, tình cảm xa cách.
Cuộc sống hối hả, tình người hời hợt, kẻ sống đua đòi, háo danh, lắm lúc quên đi tình cảm thiêng liêng nhất là gia đình, quên rằng mình chỉ có duy nhất một người cha và một người mẹ trên đời. Chuyện bao đời nước chảy xuôi chứ chẳng bao giờ chảy ngược, cha mẹ khổ nhọc sớm hôm tần tảo nuôi con ăn học thành tài, làm ông này, bà nọ, là chuyện thường, nhưng khi con thành tài chăm lại cha mẹ không phải là nhiều, thậm chí chuyện con làm phật lòng cha mẹ, có kẻ nghịch tử còn đánh cha chửi mẹ, chuyện đó không phải ít trên các báo hằng ngày.
Một người con có hiếu, sẽ biết phải làm gì để cha mẹ vui lòng, ngược lại bổn phận người làm cha mẹ cũng phải biết làm sao để con nên người. Khi con cái không cần biết cha mẹ thích gì, cần gì vì cái gọi là tổ ấm hạnh phúc riêng tư mà quên bẵng đi cha mẹ mình, tới tháng dấm dúi vào tay cha mẹ vài đồng như một cái máy gọi là xong trách nhiệm, đợi khi cha mẹ qua đời thì làm tang ma thật lớn, sự hiếu thuận tưởng chừng đã muộn nhưng không là chuyện hiếm thời nay.
Chúng ta dường như đang hiện hữu trong cái thời mà thước đo giá trị bị lệch về phía thực phẩm thay vì nhân phẩm, lương thực thay vì lương tâm. Cuộc sống bộn bề, hào nhoáng của thế gian khiến bao người con bị cuốn theo ma lực của tiền tài, danh vọng. Vì thế, những Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, tinh thần của mùa Vu Lan báo hiếu như là một lời cảnh tỉnh những người con quay về với cha mẹ để giữ trọn đạo làm con sao cho phải.
Đạo Phật ra đời hơn hai ngàn năm, những gì mà Phật dạy không ngoài mục đích giúp xác lập trật tự bình đẳng và sự bình an cho xã hội loài người trên con đường đoạn tận khổ đau, trong đó đạo hiếu là căn bản. Và những gì torng nội dung bài viết dựa theo tinh thần kinh điển ghi chép lại như là một món quà dành cho những người con trong mùa Vu Lan này. Hãy quay về bên cha mẹ, vì rằng trong cuộc đời này chỉ có cha mẹ là người duy nhất chúng ta đáng phải cúng dường, tôn kính và phụng dưỡng.
Các thế nhân theo Pháp chánh chân,
Chăm nuôi cha mẹ lúc gian truân,
Chư thiên thế giới này ca tụng,
Đời kế cõi thiên hưởng phước phần.
Theo TVPS
Các tin tức khác
- Hổ thẹn với chú chăn bò (10/09/2018 3:44)
- Trị liệu ung thư bằng chính niệm ( 9/09/2018 3:08)
- 12 quy tắc quan trọng để sống như một thiền sư ( 9/09/2018 3:06)
- Để cuộc sống được an ổn và vui vẻ ( 8/09/2018 3:06)
- Kết quả của sự hành động ( 8/09/2018 3:05)
- Quán niệm hơi thở ( 7/09/2018 3:25)
- Sự nguy hại của sân hận ( 7/09/2018 3:23)
- Tự trọng - vốn đạo đức quý giá của mỗi người ( 6/09/2018 3:37)
- Thiền sư Động Sơn ( 5/09/2018 3:00)
- Lòng hiếu chim oanh vũ ( 5/09/2018 2:59)