Niệm Phật Là Để Trở Về Với Tánh Giác Thanh Tịnh

25/07/2013 4:56
Niệm Phật là một pháp môn thực tập hay và ngày nay có nhiều người thực tập. Niệm Phật là trở về tánh giác, hay trở về sự giác ngộ của bản thân. Tỉnh thức trong việc niệm Phật có thể giúp hành giả an trú trong chánh pháp và đưa người đến giải thoát, tuy nhiên việc niệm Phật phải miên mật và nên mang hương vị thiền vào trong việc niệm.

niem phat

Bất cứ tâm nào khởi lên ngoài tâm niệm Phật đều phải được nhận biết, từ khi tâm bắt đầu phát khởi, đến khi nó diễn ra và kết thúc. Niệm Phật là niệm tự tính của mình. Niệm Phật A Di Đà là niệm tự tính A Di Đà. Niệm Phật Thích Ca là niệm tự tính Phật Thích Ca. Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là niệm tự tính Bồ Tát Quán Thế Âm. Mình hay vọng tưởng trong việc niệm Phật, như là nhìn thấy cảnh giới Phật hay cảnh  giới Bồ tát. Niệm Phật cho đến khi tâm vắng lặng thì còn có gì là cảnh giới. Niệm cho đến khi không còn thấy gì nữa, cho đến khi thực sự im lặng, im lặng ở trong tâm.

Phật A Di Đà có khả năng tiếp dẫn và cứu độ chúng sinh. Mình cũng vậy, tự tính của mình là tự tiếp dẫn và tự cứu độ nên khi thực tập niệm Phật đúng đắn, mình có thể tiếp dẫn mình và cứu chính mình. Không ai có thể cứu mình bằng tự cứu mình cả. Phật Thích Ca là bậc đại tỉnh thức, giác ngộ trong từng phút giây nên niệm Phật Thích Ca là tiếp xúc với tự tính tỉnh thức và tự tính giác ngộ. Mình không thể thành Phật do Phật tu được. Phật tu thì Phật thành Phật. Mình không tu, sức mấy thành Phật, mà thành cái gì đó không phải Phật. Bồ tát Quán Thế Âm hành trì việc quán chiếu âm thanh, hành trì kham nhẫn và bốn tâm vô lượng nên niệm Bồ tát Quán Thế Âm là niệm sự quán chiếu âm thanh, niệm kham nhẫn và niệm bốn tâm vô lượng. Tất cả sự hành trì này mình đều có thể làm được, đơn giản vì tất cả đều là tự tính của mình. Mình có tự tính quán chiếu âm thanh, tự tính kham nhẫn và tự tính bốn tâm vô lượng.

Một cách niệm Phật khác có thể đem ra áp dụng là niệm chính mình, niệm tự tính Tam bảo trong mình. Niệm Phật tính trong mình, giúp cho chất liệu Phật được tăng trưởng. Mà chất liệu Phật là gì, là giới hạnh, là thiền định, là tuệ giác, là tri kiến, là tri kiến giải thoát. Thực tập những điều này thì thân tâm mình thấm nhuần chất Phật, mình gần với Phật hơn, và thực tập cho đến khi mình đánh đồng với Phật, đây gọi là niệm Phật đúng đắn. Cũng vậy, Phật A Di Đà có tính sáng soi và tịnh độ là lòng trong sạch. Đem tính sáng soi ra mà niệm, đem lòng trong sạch ra mà niệm, cho đến khi tự tính Di Đà biểu hiện rõ ràng, mình làm cho đóa sen chín phẩm nở ra, ngay thời khắc mình có niệm đó, mình đã chế tác cõi cực lạc cho mình, nhờ niệm mà có an, nhờ có an mà có lạc, nhờ cực niệm hay niệm tinh tấn mà có cực lạc hay lạc tinh tấn. Như niệm Phật Thích Ca thì phải có tỉnh thức, nếu không thì niệm không đúng cách, không tiếp xúc được với cực tỉnh thức hay tỉnh thức tột cùng. Bồ tát Quán Thế Âm lắng nghe âm thanh đau khổ và âm thanh hạnh phúc, chịu cái khổ về mình để chúng sinh được hạnh phúc. Ngài còn thực tập im lặng sấm sét để bản thân và chúng sinh đều được bình an. Ngài hành từ, bi, hỷ, xả thôi chưa đủ mà còn hành đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Mình niệm bồ tát là niệm âm thanh, niệm im lặng, niệm bốn đại tâm vô lượng một cách miên mật cho đến khi tự tính Quán Thế Âm tròn đầy. Nếu mình chỉ niệm cái tên thôi thì mình bị kẹt vào ngôn từ, trở thành con vẹt niệm.

Khi niệm Phật đến khi nhất tâm bất loạn, cõi tịnh độ hiện ra, lòng trong sạch hoàn toàn và tâm được soi sáng, mình tiếp xúc với cõi tiểu tịnh độ và mình an lạc trong mini tịnh độ đó. Gia đình niệm Phật thì gia đình có thể tạo ra gia đình tịnh độ và cộng đồng niệm Phật thì cộng đồng tịnh độ sẽ biểu hiện. Để cho đúng nghĩa của tịnh độ, niệm Phật bằng cả thân và tâm, niệm cho đến khi mọi vọng tưởng, mọi ý niệm, mọi chấp ngã, mọi đau khổ lẫn hạnh phúc đều không còn làm mình sa ngã nữa. Muốn có cực lạc phải có cực an, niệm Phật đến khi cực an thì cực lạc sẽ hiện tiền thôi. Cõi cực lạc nó không mang hình tướng, không phải là nơi để đáp phi thuyền xuống. Nếu nói có một cõi như thế thì còn kẹt vào không gian và thời gian, mà giải thoát thì vượt thắng không gian và thời gian nên có cái để sinh về thì sẽ có cái để ra đi. Không còn sinh và không còn về nữa thì đi đến đâu cũng là cực lạc hết. Phước đức lớn nhất là tiếp xúc được với cực lạc ngay giờ phút này, tại chỗ này, chứ mình không trông mong về một thứ cực lạc trong tương lai, hay một thiên quốc trong tương lai. Khi khát nước, mình uống nước và mình đỡ khát ngay lúc đó, cũng vậy, khi muốn cực lạc, chỉ cần thực tập đúng đắn thì cực lạc sẽ được tiếp xúc ngay.

Trong pháp môn tịnh độ có một phương pháp gọi là hộ niệm, nhất là hộ niệm người sắp lâm chung, nhưng phương pháp này không chỉ đơn thuần là áp dụng cho người sắp lâm chung hay người đã khuất mà nó còn áp dụng cho người còn sống. Khi chị hai của tôi mang thai, tôi thường khuyên chị đọc kinh, niệm Phật và thực tập thiền, làm được như vậy thì đứa bé trong bụng sẽ nương vào sự thực tập của người mẹ mà thực tập theo. Đứa bé có phước nên có người mẹ biết tu tập nên đã giúp bé thực tập khi bé còn trong trứng nước. Ba của học trò tôi bệnh nặng mà người ba này vì chưa đủ phước báu nên không tin Phật Pháp, không chịu niệm Phật và bệnh tình ngày càng nặng, khổ ở thân và khổ ở tâm. Tôi khuyên học trò nên hành thiền và niệm Phật để hồi hướng cho ông, buổi tối khi ông ngủ, anh có thể ngồi kế bên mà niệm Phật, niệm thầm thôi cũng có tác dụng, thần thức của ông vẫn có thể tiếp nhận được và đến lúc nào đó tự nhiên ông sẽ biết niệm Phật. Cái này gọi là Đại Bồ Tát hộ niệm Tiểu Bồ Tát. Một người biết tu thì hộ niệm cho người chưa biết tu, người tu đã thành tựu thì hộ niệm cho người tu chưa thành tựu. Hộ niệm không đơn thuần là niệm Phật mà hộ niệm còn có nghĩa là chia sẻ phương pháp tu tập, yểm trợ cho người tu và tìm mọi phương tiện để hoằng dương chánh pháp.

Trong kinh Kim Cang có sử dụng từ “thiện nam tử” hoặc “thiện nữ nhân”, có thể dịch là người con trai hiền hay người con gái hiền. Sinh ra mà có tính hiền thì biết người này đã nhiều đời tu rồi, bây giờ sinh ra tu tiếp làm cho cái hiền đó mạnh mẽ hơn nữa. Người hiền lành thường thực tập đem tâm cung kính phụng sự chúng sinh, trước hết là không hại mình và hại người, rồi đem những điều thiện phục vụ mình và phục vụ người. Đây là hạnh Địa tạng, làm được như vậy là biết cúng dường Địa tạng. Niềm vui lớn lao của người hiền lành là làm việc bằng tâm phục vụ, thậm chí không có một đòi hỏi nào, đi vào những chỗ khó khăn nhất mà phục vụ. Người có tâm phụng sự chúng sinh không bao giờ biết chán nản vì chúng sinh hằng hà sa số nên việc phụng sự chúng sinh không biết bao nhiêu mà kể. Phụng sự chúng sinh cũng là biết cúng dường chư Phật. Phụng sự nhưng không thấy mình đang phụng sự, ấy mới chính là phụng sự vậy. Chị tôi đi làm cả ngày, tối còn về lo nhà cửa, nấu cơm chăm sóc con cái, khuya thì tụng kinh ngồi thiền, ấy vậy mà chị còn giúp cho tôi biên tập các cuốn sách. Nhiều khi tôi biết chị rất mệt nhưng không nghe chị than vãn một câu. Tôi nói, Cám ơn chị đã dành thời gian biên tập kinh sách cho em. Chị cười bảo, Chị đâu có làm cho thầy, chị làm cho chị, chị làm cho chúng sinh. Tôi cười, chị tôi cũng hay thật đấy.

Người đem tâm cung kính

Mà phụng sự chúng sinh

Bằng chuyển hóa khổ đau

Bằng giải trừ địa ngục

Đây có thể gọi là

Biết cúng dường Địa Tạng.

Người đem tâm cung kính

Mà lắng nghe chúng sinh

Bằng tâm từ tâm bi

Bằng tình thương vô lượng

Đây có thể gọi là

Biết cúng dường Quán Âm.

Người đem tâm cung kính

Mà hành trì chánh pháp

Bằng thu nhiếp thân tâm

Đến giải thoát tận cùng

Đây có thể gọi là

Biết cúng dường chư Phật.

Đàm Linh Thất

Các tin tức khác

Back to top