Khó thương về hành động: Là những người có những hành động hay việc làm không phù hợp với quy chuẩn xã hội và không phù hợp với nhận thức của mỗi người. Ví dụ như người có hành vi giết người, trộm cắp, hay người xúc phạm đến thân thể của chúng ta bằng hành động đánh đập …
Khó thương về lời nói: Là người có những lời nói thô ác, lời nói không thật, lời nói thêu dệt những chuyện liên quan trực tiếp hay gián tiếp đối với chúng ta.
Khó thương về ý nghĩ: Là người có những suy nghĩ không tốt, hay có những mưu mô xảo quyệt để lừa gạt chúng ta. Những suy nghĩ đó có thể được biểu hiện qua hành động lời nói, cũng có thể không biểu hiện trực tiếp bằng việc làm cụ thể nhưng qua những cử chỉ bên ngoài ta có thể nhận ra được điều đó.
Có những người khó thương về cả ba biểu hiện hành động, lời nói và ý nghĩ. Nhưng cũng có những người chỉ không dễ thương về mặt này nhưng lại dễ thương về mặt khác. Ví dụ như người ta có tính nóng nảy hay nói lời không được hòa ái. Nhưng người đó có tâm và hành động rất tốt, họ luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng ta khi gặp khó khăn. Hay có những người nói thì hay nhưng khi gặp chuyện lại tránh né.
Đối với bản thân: Khi ta tức giận hay ôm lòng ghét người khác thì cơ thể chúng ta có những ảnh hưởng không tốt như tim đập nhanh, thở dốc.Tinh thần luôn không thoải mái, bực tức,kết thêm oan trái. Khi ta ghét ai đó thì vô tình chúng ta đã kết nghiệp oan trái với họ trong hiện tại và có ảnh hưởng trong tương lai gần như người thân, bạn bè xa lánh.
Đối với người thân: Mọi người xung quanh không thoải mái thật lòng khi giao tiếp với mình.
Phương pháp hóa giải: Nguyên nhân sở dĩ chúng ta không thương những người khó thương được phần lớn là do ta không phù hợp với tính cách, ý thích chủ quan của họ. Họ không đáp ứng nguyện vọng hay yêu cầu của chúng ta.
Trong kinh Khử Trừ Hiềm Hận (Tăng Chi Bộ). Đức Phật dạy 5 cách khứ trừ hiềm hận đối với những người có thân hành, khẩu hành và ý hành không thanh tịnh.
1. Người với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh. Ví như có một vị tu hạnh đầu đà thấy một miếng vải còn lành lặn nằm trong đống rác bẩn, bị lấm dơ, vị ấy liền nhặt miếng vải xếp lại, cất lấy, đem về nhà để giặt sạch và may chung với các mảnh vải khác làm y phấn tảo. Cũng như thế, khi có một người mà hành động không dễ thương nhưng lời nói còn dễ thương thì Đức Phật khuyên ta đừng bận tâm nghĩ tới hành động của người ấy mà chỉ nên chú ý tới lời nói dễ thương của người ấy để có thể thương được họ mà không sanh tâm phiền giận.
2. Người với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh. Ví như một hồ nước đầy bùn và cây lau. Rồi một người đi đến bị nóng bức, mệt mỏi, khát nước và muốn uống nước. Người ấy cần lấy hai tay gạt ra ngoài bùn và lá cây để có thể lấy nước uống. Cũng như thế, khi có một người mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì ta đừng để tâm nghĩ tới lời nói của người ấy, mà chỉ nên chú ý tới hành động dễ thương của người ấy thôi để có thể thương được họ mà không sanh tâm phiền giận.
3. Người với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín. Ví như ít nước còn đọng lại trong dấu chân của con bò. Rồi một người đến, bị nóng bức, mệt mỏi, khát nước, muốn uống nước. Người ấy không thể lấy tay hay với cái chén mà có thể uống được nước trong trường hợp này, mà chỉ có thể quỳ sụp mình xuống, tay và đầu gối áp sát đất, dùng miệng mà uống nước trực tiếp mới không làm nước ấy bị khuấy động và dậy bùn. Khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương và lời nói cũng không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút ít sự dễ thương, thì ta hãy đừng nên để tâm nghĩ tới hành động và lời nói không dễ thương của người ấy. Mà hãy nên chú ý tới cái chút ít sự dễ thương còn đọng lại trong tâm người ấy thôi, hiếm hoi như chút nước đọng trong dấu chân bò, để có thể thương được họ mà không sanh tâm phiền giận.
4. Người với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, và thỉnh thoảng tâm không được rộng mở và tịnh tín.Ví như ta nghĩ họ như có một kẻ đi xa, trên con đường dài, nửa đường bị bệnh. Khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn đồng hành, thôn xóm phía sau đã lìa bỏ lâu rồi mà thôn xóm phía trước cũng còn cách đó rất xa. Người đó đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, biết mình sẽ chết ở dọc đường nếu không có người giúp. Trong lúc ấy, có một người khác đi tới, thấy được tình trạng này, liền ra tay cứu giúp. Người ấy dìu người kia tới được thôn ấp phía trước, chăm sóc, chữa trị và chu cấp thuốc thang và thực phẩm. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà người kia thoát nạn. Sở dĩ người kia thoát nạn, đó là nhờ ở lòng thương xót và lân mẫn của người này.
Cũng như thế, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không có một chút gì có thể gọi là dễ thương hết, thì ta phải phát khởi tâm niệm này: "Một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà tâm ý cũng không dễ thương là một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc". Nghĩ như thế, ta mở được lòng thương xót và lân mẫn họ mà không sanh tâm phiền giận.
5. Người với thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín. Ví như một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt đẹp đẽ và được nhiều loại cây che bóng. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, khát nước, muốn uống nước. Người ấy sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, bước ra khỏi hồ, liền qua ngồi hay nằm dưới bóng cây. Cũng vậy, khi thấy một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương thì ta hãy nên nhận diện tất cả những cái dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. Nếu không biết sống hạnh phúc với một người tươi mát như thế thì mình thực không phải là một người có trí tuệ.
Tự thương lấy chính mình: Tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính mình. Mình không ghét người khác thì ngay chính khi đó mình không kết oan nghiệp với người đó thì trong hiện tại sẽ được an vui và trong tương lai không còn gặp người oan trái.
Như lời Ngài Dalai Lama dạy rằng "Đừng để hành vi của người khác phá hủy sự an lạc trong tâm bạn".
Cho nên, chúng ta nhớ rằng thương người cũng chính là thương bản thân mình."Nhân vô thập toàn" nên chúng ta thương những điều dễ thương của họ mà bỏ qua những điều không dễ thương. Cùng chung nhau xây dựng một cuộc sống hòa hợp, luôn lục hòa trong tu tập. Là niềm tin vững chắc cho hàng Phật tử noi theo chân lí của Đức Phật. Đạt được hạnh phúc bên người thân gia đình và xã hội theo gương mẫu tốt đời đẹp đạo.
Theo CHP
Các tin tức khác
- Linh Sơn cốt nhục (12/10/2018 2:24)
- Vết thương làm mủ (11/10/2018 2:47)
- Cho (11/10/2018 2:46)
- Trẻ ra già chậm nhờ thiền (11/10/2018 2:45)
- Xả tâm chấp ngã ( 9/10/2018 11:03)
- Tôn giáo & đạo đức ( 9/10/2018 3:16)
- Tâm điên đảo nghe pháp hiểu sai ( 8/10/2018 2:59)
- Việc gì làm rồi là xong ( 8/10/2018 2:59)
- Gặp họa do nói không đúng lúc ( 7/10/2018 3:50)
- Thệ nguyện giải quyết cho xong việc sanh tử ( 7/10/2018 3:49)