Bài kệ tán thán kinh Pháp hoa như sau:
“Pháp hoa kinh giả nãi giác hoàng chi yếu chỉ, thật Bồ-tát chi hạnh môn
Phương tiện môn trung, khai thị ngộ nhập. Cơ duyên nan tận tán dương
Khuyến phát phẩm nội, thị giáo lợi hỷ, công đức bất khả tư nghì
Cùng tử nhiệm Đại thừa chi vinh hoa, bình sanh đắc vị tằng hữu chi công đức
Hoạch kế châu chi bảo phú
Khánh châm giới chi tương đầu
Vãng hoàn tam giới, trường ngự bạch ngưu chi xa
Xuất nhập cửu cư chung cứ, thanh liên chi tòa
Thanh lương hỏa trạch, thê tức hóa thành
Tạc tỉnh phùng nguyên, tiễn tế lao sanh chi muộn
Chỉ y xuất bảo, tần tư túy khách chi cơ
Kiến văn tùy hỷ, thượng kết Phật quả chi nhơn
Tín thọ phụng hành, vĩnh xứ chơn thường chi lạc
Kinh công đức lực, tán mạc năng cùng”.
Ý nghĩa câu thứ nhất: “Pháp hoa kinh giả nãi giác hoàng chi yếu chỉ, thật Bồ-tát chi hạnh môn”.
Thọ trì kinh Pháp hoa, ngài Phước Huệ nhận ra rằng suốt cuộc đời giáo hóa của Đức Phật đều nằm trọn trong kinh Pháp hoa. Kinh này là yếu chỉ của chư Phật, là pháp tu duy nhất mà các Bồ-tát phải thể nghiệm để bước lên ngôi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
“Phương tiện môn trung, khai thị ngộ nhập. Cơ duyên nan tận tán dương”.
Kinh Pháp hoa nói có hai cửa vào đạo là cửa phương tiện và cửa chân thật. Cửa chân thật chỉ có Phật vào được. Phật mới mở cánh cửa phương tiện cho hàng Tam thừa: Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát tu. Còn hàng nhân thiên chỉ kết duyên được với đạo thôi, chứ không thể hiểu Pháp hoa, huống chi là thể hiện tinh ba của diệu pháp.
Nói về khai tri kiến Phật, trường hợp nào khai tri kiến Phật và khai tri kiến Phật cho ai.
Theo kinh Nguyên thủy, đầu tiên Phật khai tri kiến ở Lộc Uyển khi Ngài lập giáo khai tông là Phật nói tri kiến cho năm anh em Kiều Trần Như thì tri kiến các ông mới mở ra.
Trước kia, các ông này mang tri kiến cố chấp là phải tu khổ hạnh mới đúng. Vì vậy, khi họ thấy Phật nhịn đói đến ngã quỵ và Ngài nhận bát sữa của Su Dà Ta, rồi xuống sông tắm, họ liền chê rằng ông này hỏng, nên họ bỏ về Lộc Uyển ở.
Phật đắc đạo, thấy rõ chỗ bế tắc của họ, Ngài mới đến Lộc Uyển khai tri kiến cho họ. Quan trọng là Phật khai đúng người, khai đúng chỗ và khai đúng lúc, nên họ chỉ cần tu ba tháng là đắc Thánh quả.
Việc Phật khai tri kiến cho năm anh em Kiều Trần Như, chuyển qua kinh Pháp hoa diễn tả là “Hạt châu trong chéo áo”. Chúng ta có hạt châu, nhưng không biết sử dụng, thì khai được. Người bạn nói: “Tôi cột hạt châu trong áo của anh, nhưng anh không lấy dùng, đi làm thuê mướn chi cho cực khổ”. Nghe bạn nói vậy, ông này mới sử dụng hạt châu và làm giàu. Vì ông có căn lành bên trong, có tu chứng, nhưng quên mất. Đời trước tu rồi, đời này không nhớ, phải có người chỉ là khai thị.
Đến phần “Thị Phật tri kiến” là chỉ Phật tri kiến. Người bị bế tắc thì khai, người không thấy thì chỉ. Chỉ tri kiến là sao.
Trong kinh Nguyên thủy nói chỉ một đêm ở thôn Ưu Lầu Tần Loa, Đức Phật dùng tri kiến Phật phá tan được sai lầm của 1.000 ngoại đạo thờ lửa.
“Cơ duyên nan tận tán dương”.
49 năm Đức Phật đã dùng tất cả phương tiện để chỉ mọi người nhận được cuộc sống giải thoát trong Nhà lửa tam giới này. Và khi nhận ra được sự vi diệu vô cùng của pháp phương tiện mà Phật đã thương xót chỉ bày, nên suốt cuộc đời ta dù ca ngợi kinh Pháp hoa đến mấy đi nữa cũng không thể nói hết được.
“Khuyến phát phẩm nội, thị giáo lợi hỷ, công đức bất khả tư nghì”.
Phẩm Khuyến phát, nói đủ là phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát, nói về sự mầu nhiệm để khuyến khích chúng ta tu Phật thừa là tuPháp hoa. Và Phật chỉ chúng ta cách tu phải nhìn rộng để thấy Phổ Hiền Bồ-tát và nhìn sâu phẩm này để suy nghĩ, ứng dụng trong cuộc sống tu hành. Còn chỉ đọc suông thì không đạt được kết quả.
Phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát kết thúc kinh Pháp hoa. Nhưng Phật nói xong kinh này, Phổ Hiền Bồ tát mới đến và nói ngài đến để nghe kinh Pháp hoa, thì kinh Pháp hoa ở đâu mà nghe.
Cần hiểu rằng Phổ Hiền nói tới nghe kinh Pháp hoa là muốn nghe yếu chỉ của Đức Phật. Còn đến giai đoạn này, không nghe kinh văn nữa. Vì vậy, Phổ Hiền hỏi sau Phật diệt độ, phải làm thế nào để có kinh Pháp hoa.
Phật dạy muốn có kinh Pháp hoa, các thầy phải thành tựu đủ bốn pháp, nhưng trước hết, chúng ta phải hiểu kinh Pháp hoa là gì. Kinh Pháp hoa là thân phải trong sạch như hoa sen và tâm phải sáng suốt hoàn toàn. Nói cách khác, muốn có kinh Pháp hoaphải có đạo đức và trí tuệ.
Theo Phật, muốn mở mắt huệ phải tu 37 Trợ đạo phẩm là phải mở tầm nhìn của chúng ta, tức phải tu giới, định, tuệ mới có tầm nhìn xa.
Vì vậy, điều thứ nhất muốn có kinh Pháp hoa, phải thấy rõ sự thật của tam thế gian là ngũ ấm thế gian, quốc độ thế gian và chúng sanh thế gian; đó chính là yếu chỉ của kinh Pháp hoa.
Chúng ta phải quán sát ngũ ấm là quán sát nhân duyên sanh ra tất cả các pháp, vì các pháp phát xuất từ ngũ ấm, từ ngũ ấm mới hình thành quốc độ và từ quốc độ mới sanh ra muôn loài.
Ban đầu chúng ta thấy ngũ ấm chưa hiện thành vật chất, nghĩa là phải biết trước khi sanh ra, ta là gì và ta ở đâu. Truy nguyên được đời trước của chúng ta là Phật chứng Túc mạng minh.
Điều thứ hai, Phật dạy chúng ta phải trồng căn lành ở tâm niệm chúng cũng đồng nghĩa với trồng căn lành ở các Đức Phật.
Thật vậy, Đức Phật Thích Ca đã khẳng định rằng Ngài là Phật đã thành và tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành. Do đó, gieo trồng căn lành ở chúng sanh nghĩa là chúng ta khơi dậy tâm Bồ-đề cho mọi người, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề của họ cho lớn mạnh và tăng trưởng cho đến thành tựu quả vị Phật trong tương lai. Làm như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta đã gieo trồng căn lành ở các Đức Phật vị lai, vì mọi người đều là vị lai Phật.
Ngoài ra, trên bước đường tu, chúng ta gieo trồng căn lành ở các Đức Phật bằng cách hàng ngày chúng ta siêng năng đọc tụng lời Phật dạy, suy nghĩ ý Phật dạy và áp dụng tinh ba Phật pháp trong cuộc sống tu hành của chính bản thân mình để gặt hái được những thành quả tốt đẹp làm gương sáng cho đời. Gieo trồng căn lành ở các Đức Phật một cách miên mật như vậy là chúng ta đã nuôi lớn vị Phật ẩn chứa trong tâm thức của chính mình, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được quả vị Phật trên con đường phát huy đạo hạnh và tuệ giác của mình.
Theo Phật, đạo đức và trí tuệ quan trọng, nhưng Phật không dùng từ đạo đức nữa. Phật nói muốn có kinh Pháp hoa tu hành phải có căn lành, từ căn lành mới phát khởi niềm tin và từ niềm tin tu mới có kết quả tốt đẹp. Người không có căn lành tu cũng rơi vô tham vọng.
Trồng căn lành với Phật nghĩa là giữa Phật và mình có sự gắn kết mật thiết, tức mình tin Phật tuyệt đối, thì tu mới gặt hái được kết quả là được Phật hộ niệm. Tu không có kết quả, chỉ thấy toàn là khó và khổ chắc chắn không tu được.
Phải có mối quan hệ hỗ tương, tức mình nghĩ đến Phật và Phật nghĩ đến mình thì mình và Phật gặp nhau được. Phật tìm mình và mình tìm Phật. Tôi từ thuở nhỏ khao khát tìm Phật đến mức mới 12 tuổi mà dám một mình lội bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác, đi từ chùa này đến chùa nọ. Về sau, tôi phát hiện trên bước đường đi học đạo của mình luôn có Phật ở bên cạnh. Thật vậy, nếu không có Phật hộ niệm thì tôi không thể sống sót được, vì thời tôi xuất gia, cuộc sống của người tu vô cùng khó khăn, không được dễ dàng như anh em bây giờ đâu. Đối trước hoàn cảnh tu hành quá gian khổ, phải nói rằng niềm tin của tôi hướng về Phật vô cùng mãnh liệt.
Điều thứ ba, muốn có kinh Pháp hoa phải có tấm lòng thương xót tất cả chúng sanh. Những người thuận cũng như người nghịch, mình cũng thương họ thì đó là tâm Phật. Người thuận với mình, thương họ đã đành, nhưng với người nghịch, còn thương hơn, vì mình thấy được quả báo của họ đáng sợ.
Trên bước đường giáo hóa độ sanh của Đức Phật, có anh Bà-la-môn cho người giết đứa con gái rồi chôn xác ở phía sau tịnh xá của Phật. Sau đó anh tri hô, vu khống Phật hiếp dâm và giết con anh, chôn xác sau chùa.
Chính đức hạnh cao vời của Phật đã khiến quần chúng yêu cầu vua phải điều tra cho ra sự thật. Vua Ba Tư Nặc cũng quyết tâm điều tra và phát hiện tên Bà-la-môn đã thuê hai sát nhân giết cô gái này.
Vua đã cương quyết xử tên này tội chết, nhưng Phật ngăn vua lại. Ngài nói rằng vì ông ta ganh tỵ với Phật mới làm việc ác, xin tha tội chết cho ông.
Điều thứ tư, muốn có kinh Pháp hoa phải sống trong chánh định. Người tu đừng bao giờ để xã hội bao vây, tác hại khiến mất bình tĩnh, mất chánh niệm. Hoàn cảnh càng khó, càng nguy, phải càng bình tĩnh. Riêng tôi có kinh nghiệm này, sống thì làm đạo, chết thì về Phật.
Các thầy ráng nhớ gặp khó phải càng bình tĩnh để vào chánh định. Nhưng tu Pháp hoa, Phật nói phải vào Pháp hoa tam muội sẽ thấy rõ nhân duyên sanh các pháp từ quá khứ đến vị lai, là định này sanh huệ.
Vào Pháp hoa tam muội thấy nhân duyên sanh các pháp, tùy nhân duyên sanh thì chúng ta theo đó mà làm và tùy nhân duyên diệt, chúng ta cũng làm việc tương ưng, không thể làm ngược lại nhân duyên.
“Cùng tử nhiệm Đại thừa chi vinh hoa, bình sanh đắc vị tằng hữu chi công đức”.
Thí dụ cùng tử được nói đến trong phẩm Tín giải thứ 4, theo đó, bốn vị đại đệ tử của Phật là Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề và Mục Kiền Liên đưa ra thí dụ mình là cùng tử. Cùng tử nghĩa là các Ngài lang thang trong bao nhiêu kiếp sinh tử luân hồi, đã đến học đạo với nhiều đạo sư bày đủ thứ cách tu, nhưng không được kết quả gì.
Các vị tu rồi dễ nhận ra ý này để đối chiếu với trường hợp của mình sẽ thấy. Tôi thuở nhỏ cũng vậy, đi hết chùa này đến chùa khác, nhưng không nhận ra lối thoát.
Các vị này ví Đức Phật như ông trưởng giả và các Ngài là cùng tử. Vì thấy mình cũng tu, Phật cũng tu, nhưng sao vị trí của mình và vị trí của Phật cách nhau quá xa. Mọi người xem thường mình, còn Phật thì được mọi người, kể cả vua chúa cũng phải kính nể.
Và nhìn thấy ông trưởng giả quá cao sang khiến cùng tử tự nghĩ ở chỗ sang trọng này chắc chết, nên qua xóm nghèo làm thuê mướn. Ý này cũng nhằm nói rằng nhiều người không dám tu Pháp hoa vì thấy pháp này cao quá nên sợ.
Cùng tử chạy qua xóm nghèo. Ông trưởng giả sai hai người rượt bắt, khiến cùng tử sợ ngất xỉu. Ông mới bảo tạt nước cho nó tỉnh dậy, rồi thả nó đi.
Cùng tử mừng quá, qua xóm nghèo làm thuê mướn. Trưởng giả mới nghĩ cách sai hai người, một người chột mắt, một người què chân, vì hai người có thân thể xấu xí mới có thể đến gần mà nói chuyện được với cùng tử. Còn người cao sang như trưởng giả làm sao nói chuyện với cùng tử.
Hai người đó làm quen với cùng tử và nói cho cùng tử biết rằng ở chỗ ông trưởng giả làm công được lương gấp đôi, sao không làm, qua đây làm chi, lương rẻ mạt.
Cùng tử hỏi bên đó làm nghề gì. Hai anh này nói ở đó làm nghề hốt phân. Cùng tử nói tưởng làm gì khó, chứ nghề hốt phân thì tôi chuyên môn.
Kinh Nguyên thủy nói Sunita hốt phân thuộc hàng ngoại tộc, không được luật pháp công nhận, ai muốn đánh giết họ cũng được. Nhưng qua kinh Đại thừa nhìn dưới dạng cùng tử. Cùng một người nhưng có hai cách nhìn khác nhau và Đại thừa đã triển khai cách nhìn xa hơn.
Cùng tử theo hai anh chột và què về nhà trưởng giả làm công, nhưng anh ta không dám vô nhà, mà ở ngoài am tranh, tới giờ thì vô làm. Cùng tử làm nhanh, làm sạch, việc lớn không làm được, nhưng cũng làm tốt việc nhỏ.
Anh cùng tử hiền lành, chân chất, nên được Phật thọ ký, nói rằng ngươi làm công, nhưng không giống người làm công hèn hạ khác. Điều này gợi nhắc chúng ta tu hành phải có ý niệm làm tôi cho Phật, nhưng không giống người làm tôi hèn hạ khác.
Người làm tôi hèn hạ thì Phật không thọ dụng. Hiểu và áp dụng lý này tu, nhất định có kết quả. Đời tôi tu hành luôn ghi nhớ rằng mình không phải là người làm tôi hèn hạ. Người làm tôi hèn hạ thì chỉ được một thời gian là Hộ pháp Long thiên đuổi ra, vì trong biển Phật pháp, làm sao chứa thây ma. Sớm muộn gì người xấu cũng bị loại.
Người làm công hèn hạ là người tu làm biếng, thích hưởng thụ, không thích làm việc, chỗ có quyền lợi thì đến liền, còn có việc khó thì lẩn tránh nhanh.
Học phẩm Tín giải nói thí dụ cùng tử, nếu đem đối chiếu với kinh Nguyên thủy nhận thấy Phật độ Sunita hốt phân thuộc ngoại cấp, nên ông rất sợ những người ở giai cấp khác có quyền đánh giết ông.
Nhưng Phật đã cạo tóc cho Sunita, cho tắm rửa sạch sẽ và truyền y bát cho ông. Phật lại bảo Xá Lợi Phất hướng dẫn ông tu. Ông đã tu rất tích cực trong 3 tuần liền đắc quả A-la-hán.
Theo tôi, chỉ có một Sunita đắc La-hán thôi, còn các ông hốt phân khác là người hốt phân thiệt. Sunita là người hốt phân giả, nghĩa là tiền kiếp ông là pháp sư nổi tiếng, nhưng vì còn chút nghiệp, nên tái sanh để trả nghiệp này. Vì vậy, Phật khai tri kiến cho người có tri kiến rồi thì mới khai được.
Kinh Pháp hoa ví chúng ta như gã cùng tử bỏ cha trốn đi, đột nhiên trở về được cha giao cho gia tài. Người tu hành đúng pháp cũng vậy, nhận được pháp mầu chưa từng có giúp hành giả thành tựu những việc lớn lao vượt ngoài sự thấy biết thông thường.
“Hoạch kế châu chi bảo phú”.
Ý này được nói trong phẩm An lạc hạnh thứ 14. Ví như Chuyển luân Thánh vương lấy viên minh châu từ trong búi tóc thưởng cho người có công lớn. Viên minh châu tiêu biểu cho kim quang của vua; cho viên minh châu là truyền lại ngôi báu.
Cũng vậy, hành giả tụng kinh Pháp hoa thông được với Phật, nên hành giả ở chỗ nào, mọi người quý trọng hành giả như là người thay thế Phật ở thế gian. Vì vậy, Phật nói chỗ nào có người trì kinh Pháp hoa, phải biết chỗ đó chính là đạo tràng, các Đức Phật ở đây mà thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các Đức Phật ở đây mà chuyển pháp luân, các Đức Phật ở đây mà nhập Niết-bàn.
“Khánh châm giới chi tương đầu”
Trong phẩm Ngũ bá đệ tử thọ ký có ghi gã say rượu được tặng viên châu trong chéo áo. Nghĩa là tất cả chúng ta có trồng căn lành với Phật là đã có ngọc cài trong tâm chúng ta rồi, nhưng trong kiếp luân hồi sinh tử quên mình có ngọc quý, may gặp được bạn chỉ cho biết và sử dụng viên ngọc, vượt qua kiếp sống làm thuê mướn nghèo đói, trở thành người giàu có nhất trong thiên hạ.
“Vãng hoàn tam giới, trường ngự bạch ngưu chi xa”, tức qua lại ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới một cách tự tại, vì hành giả đã lên đại bạch ngưu xa, cuộc sống hoàn toàn an lạc, giải thoát.
“Xuất nhập cửu cư chung cứ, thanh liên chi tòa”.
Tổ Phước Huệ đã nhận ra điều này và Ngài chứng được, làm được, tức ra vào cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc và dạo chơi Ngũ tịnh cư thiên, qua 9 cõi Trời từ Trời Đao lợi, đến Trời Tứ thiền, lên Trời Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ và quay về Ngũ tịnh cư thiên. Như vậy, hành giả đi trong thế giới tâm linh, tức không còn kẹt sinh tử, là tu Pháp hoa. Không phải chỉ tụng kinh văn mỗi ngày là đủ.
“Thanh lương hỏa trạch, thê tức hóa thành”.
Hành giả Pháp hoa tuy ở trong Nhà lửa tam giới sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng mà lòng vẫn bình thản vui tươi; đó là nhờ Phật lực gia hộ. Trên thực tế cuộc sống, mọi người xấu ác thế nào đến với hành giả cũng nhận được phần công đức, trở nên người hiền lành dễ thương.
Hóa thành này là thế giới an lành của Đức Phật A Di Đà, nhưng gần nhất ngay trong Ta-bà, hành giả cũng tìm thấy sự yên tĩnh, tà ma ngoại đạo không khuấy phá được, hành giả muốn gì có nấy. Tuy nhiên, ý muốn của hành giả Pháp hoa không phải đặt trên căn bản tham vọng mà phải phát xuất từ tình thương chúng sanh. Được như vậy, tất cả mong muốn của hành giả đều thành tựu.
“Tạc tỉnh phùng nguyên, tiễn tế lao sanh chi muộn”.
Ý này có trong phẩm Pháp sư thứ 10, đào giếng mà gặp nước được coi là dịp may, chỉ cho hành giả làm việc gì cũng thành tựu tốt đẹp.
“Chỉ y xuất bảo, tần tư túy khách chi cơ”.
Ý này được nói trong phẩm Ngũ bá đệ tử thọ ký thứ 8, có thí dụ người say rượu ngủ mê ở nhà bạn và được bạn cài vô áo cho một viên ngọc quý. Anh này không hề hay biết mình có viên ngọc quý, anh ta vẫn đi làm thuê mướn, Một hôm tình cờ gặp lại bạn. Người bạn nói rằng tôi đã tặng anh viên ngọc quý, sao không dùng mà lại làm thuê khổ cực.
Dụ này muốn nói Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy trong thân tứ đại có viên ngọc quý, tức có trí tuệ. Nếu biết phát huy trí tuệ theo Phật dạy, từng bước sẽ đạt đến Thánh quả thì vua chúa cũng phải cung kính cúng dường.
“Kiến văn tùy hỷ, thượng kết Phật quả chi nhơn. Tín thọ phụng hành, vĩnh xứ chơn thường chi lạc. Kinh công đức lực, tán mạc năng cùng”.
Kiến văn tùy hỷ là phẩm Tùy hỷ công đức thứ 18. Dù mình chưa đắc được quả, chưa hành Bồ-tát đạo, nhưng biết người hành Bồ-tát đạo và mình hợp tác, thì cũng kết duyên lành với họ.
Các tin tức khác
- Trở về chân tâm (24/10/2018 1:05)
- Giấc mộng Nam Kha (24/10/2018 1:03)
- Còn lo âu, phiền muộn thì chưa phải là hạnh phúc (23/10/2018 3:30)
- Hạnh phúc và khổ đau (22/10/2018 1:24)
- Từ biển tâm tĩnh lặng (22/10/2018 1:19)
- Hạnh phúc ở quanh đây (21/10/2018 3:48)
- Xây dựng một xã hội nhân ái (20/10/2018 3:20)
- Đức Phật là thầy của trời người (20/10/2018 3:16)
- Tôi và mộng (19/10/2018 12:57)
- Năm uẩn đều là không (19/10/2018 12:55)