Giàu sang mà học đạo là khó

13/11/2018 3:31
Không hẹn mà gặp, tác giả bài này đã viết về ông chủ của một đại công ty ở Mỹ thì mới đây, trên báo Tuổi Trẻ (ngày 17-10-2018) cũng có bài viết về công ty đó, nhan đề: “Công sở tốt nhất thế giới: không phải Apple, Google hay Facebook”.
Xin trích bài viết đó:

“Năm nay, một lần nữa Hãng công nghệ Saleforce có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ, dẫn đầu danh sách nơi làm việc tốt nhất thế giới, theo khảo sát của tạp chí Fortune và Great Place to Work. Năm ngoái, Saleforce cũng giành vị trí này.

Theo tạp chí Fortune, Công ty Saleforce có 32.000 nhân viên. Lý do khiến các nhân viên đánh giá cao Saleforce là vì khi làm việc tại đây, họ cảm thấy các nhà lãnh đạo đã truyền cảm hứng mạnh mẽ về các vấn đề xã hội và coi tình nguyện như là một phần cốt lõi trong văn hóa công ty. Chính điều đó giúp họ tồn tại bền bỉ trong những giai đoạn khó khăn”.

Ông chủ của Công ty Saleforce quả thật là nhà tư bản lớn và nhà công nghệ xuất chúng, do tài năng quản trị và tinh thông công nghệ điện toán khó ai bì, nhưng cao hơn thế nữa: ông đã tìm đến đạo Phật, tu tập thiền định, trở về sơ tâm và từ đó, xây dựng văn hóa của riêng công ty mình theo hướng tôn trọng những người cộng sự và phục vụ xã hội, với ý thức mọi người đều tương liên và có trách nhiệm với nhau trong thế giới này.

o0o
 
Trong kinh Bốn mươi hai chương, Đức Phật dạy: “Có hai mươi điều khó làm”, trong đó có: “Nghèo mà bố thí được là khó; giàu sang mà ham học đạo là khó”. Nghèo thì mình không đủ trang trải nhu cầu, lấy gì bố thí? Thế mà vẫn được, tùy theo tâm bố thí, chứ không kể của cho là nhiều hay ít giá trị vật chất. Trong dân gian, biết bao nhiêu người nghèo giúp nhau, thể hiện tình làng nghĩa xóm, vui vẻ làm công quả cho chùa.

Còn giàu thì sao, phải chăng giàu của thì giàu bố thí? Cũng không hẳn như vậy. Có người hăng hái làm giàu mà quên nghĩa vụ giúp đỡ người nghèo, không quan tâm đến hoàn cảnh người khác. Lại có người có những lúc làm từ thiện, nhưng với ý đồ quảng cáo, đánh bóng cá nhân, cho nên chưa thấm nhuần ý nghĩa bố thí.

Tuy thế, người giàu giúp đỡ người khác một cách vô tư không phải là hiếm, nhất là những khi đất nước bị thiên tai nặng nề khiến nhiều người lầm than, ngoài ra còn nhiều người giàu xây dựng các công trình dân sinh, dựng chùa, nhà thờ, nơi đâu cũng có. Ở nước Mỹ siêu cường, Chủ tịch Microsoft Bill Gates nguyện dành gần như toàn bộ số tài sản của mình để đầu tư cho các dự án về giáo dục, y tế, môi trường… mà ông tin sẽ góp phần thay đổi thế giới và cứu hàng triệu người bất hạnh trên toàn cầu.

Nhưng giàu sang mà ham học đạo thì thật là khó. Giàu sang thường thường là kết quả của một cố gắng bền bỉ, một sự tính toán gay go mà không phải khi nào cũng thành công, một sự thăng tiến gập ghềnh, cho nên người giàu đặt hết tâm trí vào công việc, hơi sức đâu mà học đạo, niềm vui đâu mà tìm thầy, bạn hiền đâu để đàm đạo?

Thế mà trong thời đại ngày nay, khi khoa học kỹ thuật tiến nhanh như vũ bão, con người phải sống và thích nghi một cách vội vã, những bộ óc lớn phải làm việc nhiều cho nên đôi lúc ngừng lại, phản tỉnh, ngẫm nghĩ ý nghĩa cuộc đời trong tương quan với mọi người và với vũ trụ.

Trong lãnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã có những tài năng xuất chúng làm việc và suy nghĩ như thế. Tôi muốn nói đến Marc Benioff và Công ty Salesforce, nhà tiên phong trong lãnh vực điện toán đám mây.

Điện toán đám mây (cloud computing), là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet. Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các “dịch vụ”, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp đâu đó “trên mây” mà không cần các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó (ví dụ đơn giản: sử dụng gmail như một ứng dụng “trên mây”).

Là một doanh nhân thành đạt rất sớm, Marc Russell Benioff (sinh ngày 25/9/1964) đã trở thành một nhà điều hành xuất sắc của Công ty Oracle trước khi ông ra đi để cùng với người khác thành lập Công ty Salesforce gần 20 năm nay (từ tháng 3 năm 1999).

Ngày nay khi nói về điện toán đám mây, Salesforce được sắp hàng đầu về giải pháp quản lý quan hệ khách hàng (CRM: Customer Relationship Management), nhằm cung cấp các giải pháp chuyên sâu, toàn diện về bán hàng, quản lý và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Có rất nhiều công ty đang sử dụng Salesforce trên toàn thế giới (kể cả Việt Nam) bởi tính bảo mật, độ tin cậy cao, chi phí linh hoạt tùy vào quy mô doanh nghiệp. Ngày nay, Salesforce có giá trị tài sản ước chừng 100 tỉ USD. Thành công đã khơi nguồn sáng tạo bất ngờ. Là một người nặng tình với đạo Phật, ông đã thiết lập nhiều phòng thiền trong khắp các cơ sở của Salesforce.

Vào tháng Giêng 2018, Marc Benioff chuyển địa điểm công ty về thành phố San Francisco, trong một tòa nhà cao nhất của phần lãnh thổ nước Mỹ, phía Tây sông Mississippi. Marc Benioff đã bộc lộ những nét chính của cuộc đời mình qua một cuộc phỏng vấn của David Gelles, báo The New York Times, ngày 15/6/2018.

Từ năm 15 tuổi, ông đã rất thông minh, cụ thể là ông đã viết một phần mềm nhỏ và bán được sản phẩm đầu tay này. Trong thời gian học ở Đại học Nam California (USC: University of Southern California), ông viết nhiều phần mềm về những trò chơi phiêu lưu, thích hợp với tuổi trẻ. Ông được khuyên nên đi vào lãnh vực kinh doanh, và ông đi từ công ty này đến công ty khác, rồi dừng chân ở Oracle.

Khi nhận ra mình đã làm 10 năm ở Oracle, bỗng dưng ông có cảm giác khác lạ. Ông vào gặp giám đốc và nói: “Tôi cần phải nghỉ một thời gian”. Giám đốc trả lời: “Được rồi, sao anh không lấy một kỳ nghỉ phép? Anh đã làm việc cật lực trong 10 năm rồi mà!”.

Đầu tiên, ông đến Hawaii ở một vài tháng và tu tập thiền. Rồi ông đến Ấn Độ trong sáu tuần cùng với một người bạn cũng vừa trải qua biến chuyển cuộc đời như ông. Cả hai người đã thâu thập nhiều kinh nghiệm khác thường, đi vào những nơi ẩn tu và gặp nhiều vị đạo sư. Ông đã trở về với một con người khác.

Ông sớm có tầm nhìn rõ ràng về những gì mà Internet đang đưa đến cho tương lai, có liên quan đến mô hình kinh doanh phần-mềm-như-là-dịch-vụ (SaaS) của điện toán đám mây. Ông cũng có ý nghĩ sâu sắc hơn về đời sống tâm linh, và ông tự nhủ, sẽ gắn văn hóa với dịch vụ. Do đó, khi khởi nghiệp Công ty Salesforce vào ngày 8/3/1999, ông đã dành 1% vốn, 1% sản phẩm và thời gian để tạo lập một văn hóa dịch vụ bên trong công ty. Ông và đồng sự đã thành công lớn trong việc vận dụng tiên phong điện toán đám mây, một công nghệ mới, đồng thời cũng đi tiên phong một kiểu mẫu dịch vụ mới, dịch vụ đăng ký sử dụng, và một nếp văn hóa dựa trên việc làm từ thiện.

Ông tiếp mọi người làm công ngay trong ngày đầu làm việc của người đó, đưa họ xem nhà bếp, phòng tắm, văn phòng và bàn làm việc trong buổi sáng, và họ bắt đầu làm việc vào buổi chiều. Họ sẽ đến thăm nơi trú ngụ của người vô gia cư, thăm bệnh viện, thăm trường công lập. Những chuyến thăm này là một phần không thể thiếu của văn hóa công ty. Ông thổ lộ: “Tôi muốn công ty phải là nơi mà mọi người được phấn khích đến làm việc mỗi ngày, nơi mà họ cảm thấy tốt khi họ ở đây, nơi không xem nhẹ họ, mà là dành cho họ và cho người khác. Vì sao mọi người thích đến đây? Không phải là vì nhiều tiện ích đâu nhé! Ở đây chỉ có ít thôi. Không có cafeteria (quán ăn tự phục vụ). Nhưng chúng tôi có mục đích chắc chắn và một sứ mạng vững vàng”.

Trong các công ty, xí nghiệp, người ta luôn luôn quan tâm đến mức tuyệt đối hóa lợi nhuận của cổ đông, nhưng với Salesforce, mọi đối tượng đều là bên liên quan. Người làm công là bên liên quan, khách hàng, đối tác, cộng đồng nơi công ty đặt trụ sở, những người vô gia cư sống gần đó, trường học công lập… tất cả đều là bên liên quan. Ông cho rằng: “Một công ty như của chúng tôi là không thể thành công trong một nền kinh tế không thành công hay trong một môi trường tệ hại, hay ở đó hệ thống trường học không hoạt động hữu hiệu. Chúng tôi có trách nhiệm về mọi thứ đó”.

Vì vậy, nếu quan niệm một công ty mà những thành viên là những người riêng rẽ, biệt lập với xã hội và không chú ý đến cộng đồng, thì quan niệm này là không đúng. Phải có cái nhìn tỉnh thức về vai trò của công ty. Ông tự nhắc nhở: “Phải chăng tất cả chúng ta không kết nối với nhau?”.

Salesforce là công ty công nghệ lớn nhất tại San Francisco. Với tư cách là giám đốc điều hành, ông tự hào về vai trò của ông là góp phần cải thiện tình trạng của thành phố, và kể cả góp phần cải thiện tình trạng của thế giới. Công ty là một phần của kinh tế toàn cầu - một hệ thống tích hợp tổng thể, cho nên ông là nhà hoạt động tích cực.

Ông cố gắng giải quyết tình trạng vô gia cư trên đường phố bằng một kế hoạch trong 5 năm, đưa mấy trăm gia đình vào nhà, với kinh phí dự định 150 triệu USD. Đáp câu hỏi: “Việc thiền định của ông ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của ông như thế nào?”, ông đáp: “Có được một sơ tâm (beginner’s mind) là tôi đã nhận ra một phong cách điều hành. Tôi thử lắng nghe sâu, và sơ tâm báo cho tôi hãy lui một bước, để tôi có thể tạo lập những gì cần phải như thế. Tôi biết rằng tương lai không như quá khứ. Tôi biết tôi đang ở đây vào thời điểm này”.

Một con người sáng tạo và đi đầu trong công nghệ điện toán đám mây, nhằm nối kết mọi người một cách rộng rãi trên khắp năm châu bốn biển, thì cũng tìm đến đạo Phật để nhận ra nối kết để thương yêu mọi người là một chân lý, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống chung trong cộng đồng và trên thế giới. Giàu sang mà ham học đạo là khó, nhưng nếu làm được thì càng giàu sang càng tạo nhiều lợi ích cho nhiều người.
 

Tài liệu sử dụng

- David Gelles, Marc Benioff of Salesforce: ‘Are We Not All Connected?’, The New York Times, 15/6/2018. - Wikipedia tiếng Anh, tiếng Việt.
 
Cao Huy Hóa - Theo VHPG

Các tin tức khác

Back to top