"Pháp thân tỏa rạng buổi ban mai
Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười
Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức
Mặt trời trí huệ rạng muôn nơi..."
Các bạn mến! Người ta không thể tu thiền một cách hấp tấp mà phải chú trọng đến cách ngồi (thiền tọa) cho thật đúng, thật thoải mái và buông xả hoàn toàn. Bạn nên nhớ thân và tâm là một, bất cứ một sự căng thẳng nào của thân cũng ảnh hưởng đến tâm, và bất cứ một sự xung đột nào của tâm cũng ảnh hưởng đến thân.
Việc ngồi thoáng nghe thấy giản dị nhưng thật ra quan trọng không kém việc điều hòa hơi thở. Phần lớn các vị thầy dạy thiền thường quá chú trọng đến việc đếm hơi thở hay tham công án mà xao lãng việc dạy học trò phải ngồi sao cho thật đúng cách. Phần đông các học trò cũng khá nôn nóng hấp tấp vào những công án lạ lùng, các quán tưởng cao xa trong khi chưa biết cách ngồi sao cho thoải mái.
Có lẽ đó là lý do nhiều người tu thiền đã bỏ cuộc vì ngồi lâu, chân tay tê buốt đau đớn mà chẳng thấy kết quả gì khả quan. Tư thế trong lúc tọa thiền chính là một trong những căn bản quan trọng của công phu tu tập. Đừng tưởng chỉ ngồi xếp bằng tròn, điều hòa hơi thở và tập trung tâm thức là được; đừng tưởng chỉ tham công án hay quán tưởng vào các hình ảnh, màu sắc là đủ.
Một người tu thiền phải biết ngồi một cách trang nghiêm, thành kính với lòng biết ơn sâu xa chư Phật và chư Tổ, những người đã làm cho Phật pháp biểu hiện; một người tu thiền còn phải biết ơn tổ tiên, cha mẹ đã tạo ra thân thể, hình hài này nhờ đó người tu mới có thể kinh nghiệm được thực tánh của Pháp.
Chính nhờ biết cách ngồi một cách trang nghiêm mà tâm thức sẽ trở nên thành kính, rồi từ đó cử chỉ hành động như đi, đứng, ăn, ngủ cũng ảnh hưởng theo mà có sự chuyển hóa. Nhờ công phu tu thiền mà tâm thức được thoải mái, các vọng tưởng dần dần lắng xuống và tâm được thanh tịnh. Khi tâm và thân đã được quân bình thì sự an lạc sẽ đến và chỉ trong sự an lạc này, người tu mới kinh nghiệm rõ rệt được từng hơi thở sống động, mầu nhiệm từng phút giây…
Tóm lại, việc ngồi cho đúng cách là căn bản chính yếu, cần thiết cho những người mới bước vào con đường thiền. Đừng cố gắng ngồi cứng ngắc như khúc gỗ, vừa không tự nhiên, vừa quá căng thẳng nhưng cũng đừng ngồi một cách cẩu thả, nặng nề, trì trệ như bị một vật gì đè nặng lên vai. Tư thế ngồi phải thật thoải mái, vững chải.
Do đó, khi mới tập chỉ nên ngồi khoảng mười lăm phút cho quen thuộc, cho gân cốt co giãn tự nhiên theo tư thế rồi dần dần tăng lên nửa giờ, rồi một giờ... Dĩ nhiên, thời gian tọa thiền lâu hay mau tùy vào lòng nhiệt thành và công phu hành trì, nhưng khi người ta có thể ngồi khoảng từ nửa giờ đến một giờ mà thân thể không đau đớn, tê buốt thì cảm giác an lạc, thoải mái sẽ đến một cách tự nhiên.
Nam mô A-di-đà Phật!
Các tin tức khác
- Bài học đầu tiên của chú tiểu về chánh niệm (24/03/2019 8:12)
- Nếu bạn là một nhà giáo (24/03/2019 6:17)
- Học cách buông bỏ (23/03/2019 8:26)
- Khúc gỗ trôi sông (22/03/2019 9:05)
- Nỗ lực để tìm sự giàu có bên trong (22/03/2019 9:04)
- Tồn Tại (20/03/2019 8:48)
- Những kẻ nô lệ đồng tiền (19/03/2019 8:39)
- Người giàu có (19/03/2019 6:31)
- Vì sao các vị Tỳ kheo nên biết chế ngự miệng và hãy dùng lời lẽ ngọt ngào (19/03/2019 6:28)
- Lời Phật dạy về 4 nguyên tắc để thoát nghèo khổ (18/03/2019 6:34)