Điều gì khiến chúng ta hạnh phúc

27/09/2019 8:07
Điều gì khiến chúng ta hạnh phúc? Câu trả lời tưởng chừng như rất đơn giản nhưng vẫn luôn thường trực trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Có nhiều quan niệm khác nhau về nguồn gốc của hạnh phúc và một trong những quan điểm gây tranh cãi nhất đó là có nhiều tiền sẽ có hạnh phúc. Tuy nhiên, tiến sỹ Sanjiv Chopra của trường đại học Harvard lại không tán đồng quan điểm này.
 
“Trúng số 20 triệu đô la không hề làm cho bạn hạnh phúc hơn. Các nghiên cứu cho thấy 1 năm sau khi trúng số, những người thắng giải lại quay trở về vạch xuất phát. Một số người thậm chí còn kém vui vẻ hơn trước khi trúng số” – ông nói.

“Một số người dùng tiền trúng số để mua biệt thự, xe hơi hạng sang hoặc đánh bạc. Nhưng cuối cùng thì chỉ sau khoảng 3 tháng, bạn sẽ quen dần với cái nhà, cái xe mới và không còn cảm thấy phấn khích như ban đầu nữa.”

Tiến sỹ Chopra gọi hiện tượng này là sự thích ứng của dục lạc’ để mô tả tâm lý con người luôn có xu hướng quay trở về trạng thái bình thường sau một khoảng thời gian trải nghiệm những thăng trầm cảm xúc trong cuộc sống.

Ông đã đưa ra 4 điều giúp bạn hạnh phúc hơn đã được khoa học chứng minh.

1. Những mối quan hệ ý nghĩa
 
Trưởng dưỡng mối liên hệ thân thiết với những người chúng ta tin tưởng và quý mến là then chốt để có được cuộc sống được hạnh phúc, khỏe mạnh toàn diện. Ông nói “Hãy chọn bạn một cách thông minh và cùng nhau chia sẻ niềm vui của cuộc sống.”


Nhiều người cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc có những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa. Cựu Tổng Y sỹ Hoa Kỳ Vivek Murthy từng viết trong tạp chí Harvard Business Review “’Đại dịch’ mà con người hiện đại đang phải đối mặt là nỗi cô đơn. Nếu chúng ta không thể tái thiết lập những mối liên hệ tin cậy và bền vững trong cuộc sống, con người ngày một trở nên tách biệt và cô độc.”
 
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng sự cô đơn và cảm giác bị tách biệt khỏi xã hội có thể gây hại sức khỏe tương đương với việc hút 15 điếu thuộc mỗi ngày, trong khi tình bạn hay các mối quan hệ ý nghĩa có thể giảm nguy cơ bệnh tật, tử vong và giúp hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
 
2. Tha thứ
 
‘Tha thứ hay lòng bao dung có thể giải phóng bạn khỏi gánh nặng của sự oán giận và các cảm xúc tiêu cực khác vốn ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc của chúng ta.’ Tiến sỹ nói.
 
Năm 1990, Nelson Mandela được thả tự do sau suốt 27 năm bị cầm tù vì đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, khi được hỏi rằng ông có oán giận những người bắt giam ông không, ông trả lời “Tôi chẳng có cảm giác cay đắng hay oán hận nào cả. Oán hận giống như tự mình uống thuốc độc mà lại hy vọng nó sẽ giết chết kẻ thù mình.”
 
Bất cứ ai đã từng cảm thấy mình bị đối xử bất công đều cảm thấy tha thứ là điều chẳng dễ dàng. Tuy nhiên, Karen Swarz, trưởng khoa Tư Vấn Rối Loạn Cảm Xúc ở Người Trưởng Thành của bệnh viện Jonhs Hopkins nói rằng “quyết định buông bỏ những cảm xúc tiêu cực như thù ghét, oán giận đối với một người bất kể người ta có xứng đáng hay không, cũng sẽ mang lại không chỉ sự an vui mà còn cả những điều tốt đẹp khác.”
 
Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng sự tha thứ hay lòng bao dung có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, cải thiện mức cholesterol, điều hòa huyết áp và đồng thời giảm lo lắng, trầm cảm và căng thẳng.
 
3. Cho đi

Tiến sỹ Chopra cho rằng tham gia công việc thiện nguyện như quyên góp từ thiện, giúp đỡ người khác là một trong những cách sử dụng thời gian và tiền bạc tốt nhất. Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên tham gia các công tác tình nguyện sống hạnh phúc, tự tin hơn và sống lâu hơn.

Một cuộc nghiên cứu của trường Đại học Chicago danh tiếng đã phát hiện ra rằng chính việc cho đi chứ không phải sự lãnh nhận, mới là nhân tố dẫn đến hạnh phúc  lâu bền. Trong một thử nghiệm, 96 người tham gia được cung cấp 5 đô la/người/ngày trong 5 ngày, và họ sẽ tự quyết định sử dụng số tiền này cho bản thân hay cho người khác. Vào ngày đầu của cuộc khảo sát, mức độ hạnh phúc của mọi người là như nhau. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy niềm vui của những những người chỉ sử dụng tiền cho bản thân giảm sút rõ rệt sau 5 ngày. Trong khi đó, nhóm người dùng số tiền này để cho đi thì cảm thấy niềm hạnh phúc không hề suy giảm.
 
4. Trân trọng- Tri ân

Có một câu danh ngôn ‘Nếu bạn không biết ngôn ngữ của tri ân thì bạn chẳng bao giờ nói được tiếng của hạnh phúc.’
 
Thực hành tri ân có khi chỉ đơn giản như tự nhủ ‘Tôi biết ơn’ mỗi ngày. Trên thực tế, một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho thấy thực hành như vậy có thể giúp chúng ta tận hưởng những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống, đối diện khó khăn và củng cố các mối quan hệ.

Dành thời gian suy ngẫm về những điều bạn biết ơn giúp bạn nhận ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống mình. Khi đó, bạn sẽ giảm bớt thói quen nghĩ về những điều tiêu cực.

Các tin tức khác

Back to top