Cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé.
Thưở bé, lần đầu tiên tôi thấy hình ảnh của quý thầy trên vô tuyến, tôi chỉ biết reo lên “Ông sư kìa”. Theo mẹ lên đền, chùa, tôi cũng xin nén hương, vái lạy trước tôn tượng, khẩn khoản cầu xin đủ điều như học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt, công thành danh toại…
Hằng năm, đầu ngày mồng một, ba con tôi lại cùng nhau lên đền lớn nhất trong thành phố, chen lấn vào dòng người đi lễ và nghi ngút những khói hương, cố xin được nhành lộc đem về để trên bàn thờ gia tiên. Và mỗi lần đi lễ đền, ba con tôi cũng như dòng người tấp nập đã vô tình bước qua cổng ngôi chùa nhỏ vắng bóng người.
Hết phổ thông, tạm xa quê hương nơi tôi sinh sống, tôi xuống Thủ đô Hà Nội học đại học. Giới trẻ chúng tôi thịnh cái mạng xã hội Facebook. Một lần rất tình cờ, được vào chùa làm phật sự, và cũng có thể là cái duyên, tôi đã được nói chuyện với một vị thầy mà sau này thầy đã trở thành sư phụ tôi. Bén duyên với Phật pháp, tôi chính thức Quy Y Tam Bảo, thọ nhận ngũ giới từ sư phụ vào đầu năm đại học.
Nhưng thực sự lúc đó, tôi vẫn chưa biết gì nhiều. Thế rồi cứ tối cuối tuần, biết được tin tức cũng qua facebook, tôi tới để nghe các thầy giảng các bài pháp về đức Phật, về cõi Tịnh độ, về tham - sân – si, tôi mới thấy thật nhiều điều ý nghĩa.
Qua một vài cuốn sách: Niệm Phật thành Phật, Tịnh tông nhập môn, Tu là chuyển nghiệp, Tội phước nghiệp báo, tôi đã tich lũy thêm được một lượng kiến thức ít ỏi cho mình. Được nghe các thầy giảng, đọc sách mới hay: Tu là gì? Vài người bạn hỏi tôi sắp đi tu à? Tôi trả lời:”Sắp gì nữa, đang tu rồi”. Rồi nhìn tụi bạn ngẩn mặt ra.
Tu là sửa. Tu không đâu xa mà tu ngay từ thân, khấu và ý. Từng giờ, từng phút trong cuộc sống này trôi qua là mỗi lúc chúng ta đều phải tu, nên tu và biết tu. Bắt đầu từ không làm điều ác, không nói lời ác, không khởi niệm ác rồi tập dần đến làm việc từ thiện, nói lời hay, giữ niệm lành. Ngay như thế đã là bạn đang tu rồi.
Tôi bắt đầu tham gia vào một câu lac bộ hoạt động Phật pháp và các chương trình từ thiện. Điều khiến tôi cảm nhận đây là gia đình tâm linh của mình là bởi thành viên đều là sinh viên, thanh niên chiếm đa số và một số cô chú đã có gia đình. Tất cả chúng tôi, người là phật tử, người chưa quy y, nhưng tất cả đều có tâm hướng Phật và làm các điều thiện lành cho cộng đồng.
Thay vì cuối tuần đi vui chơi như các bạn trẻ khác, chúng tôi tập trung nhau lại, buổi thì nấu cơm từ thiện, buổi đi phóng sinh. Chúng tôi cũng là thanh niên, tuổi đời còn rất trẻ. Không phải chúng tôi không thích la cà các quán café, không thích tụ tập bạn bè trà chanh hè phố, hay các thú vui khác của giới trẻ. Mà bên cạnh đó, chúng tôi còn có sở thích đi chùa lễ Phật, làm việc thiện. Chúng tôi khi được biết đến Phật pháp, nghe các lời khuyên từ Phật qua các thầy truyền giảng, qua lời kinh tụng, chúng tôi biết rèn cho bản thân một lối sống mà ở đó, chúng tôi tìm thấy sự an lạc.
Từ khi biết đến Phật pháp, tôi đã học hỏi và rút ra cho mình được nhiều điều hay, không khấn xin đủ điều mà chỉ cầu an lạc cho chúng sinh. Lúc buồn chán, tôi tìm nơi yên tĩnh và nhìn lại suy xét tìm ra nguyên nhân gây phiền muộn và chuyển hóa nó.
Tôi biết để cho tâm tính đối diện tự nhiên với các cảm xúc nóng giận, tiêu cực và làm cho chúng mất đi. Tôi hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh chị em hơn. Tôi luôn ghi nhớ ngũ giới đã thọ nhận từ sư phụ và lấy đó là lời giáo huấn điều chỉnh hành vi bản thân từng giờ, từng phút trong cuộc sống. Tôi biết những điều này chỉ là rất sơ sơ. Sẽ luôn có những chướng ngại trên con đường tu tập và điều quan trọng là mỗi hành giả phải vượt qua được những khó khăn ấy.
Nhiều người bạn của tôi tỏ ra ngạc nhiên kể từ lúc tôi mặc trên người bộ đồ lam, đi chùa, lễ Phật, nghe quý thầy giảng Pháp. Trong số đó, tôi lấy làm tiếc là chưa thể chia sẻ cho tất cả các bạn của mình hiểu được những giáo lý căn bản của Phật. Có người chỉ cần tôi bắt đầu nói đến thôi là gạt đi rồi. Tôi chỉ biết mỉm cười và nói qua chuyện khác…
Tôi biết rằng, chỉ có phút hiện tại là phút chánh niệm và là giây phút tuyệt vời bởi vì chúng ta hưởng hạnh phúc bằng chính mình tạo nên chứ không qua một môi trường nào khác. Thường tự quán sát lại chính mình trong chánh niệm tức là phản quan tự tánh để tiêu diệt những tham chấp, thanh lọc đi những hạt giống bất tịnh và dùng từ, bi, hỷ, xả mà tưới vào vườn tâm chứa đựng những hạt giống của thương yêu, hiểu biết, an lành.
Cho dù sống trong ảo ảnh, chúng ta cũng không bị ảo ảnh lôi cuốn và như vậy chúng ta đang sống trong chánh niệm. Khi nào tự mình vượt ra được những ràng buộc, chướng ngại và hiểu rõ nguyên nhân làm cho mình sinh tử để rồi không còn ngã chấp nữa thì trong thế giới này chúng ta được tự tại, đây là con đường đi vào Niết Bàn. Trong Kinh nói rằng Phật đã sống trong thiền định suốt 24 giờ mỗi ngày tức là sống trong chánh niệm. Ngài tự điều động ba nghiệp thân, khẩu, ý thiện lành bằng khả năng của chính mình và hướng dẫn cuộc sống đưa đến con đường hạnh phúc cho chư thiên và loài người.
Tìm lại chính mình, tìm được sự an tịnh, tìm được cái hạnh phúc mà không cần dùng đến dục vọng là chúng ta đã làm chủ thân và tâm. Giá trị của chánh niệm, của những người tu học theo đạo Phật là làm chủ được phút giây nào có nghĩa là chúng ta được giải thoát giây phút đó.
Tôi luôn mong gia đình
quyến thuộc, bạn bè tôi sẽ biết tới Phật pháp dù là những điều căn bản nhất để mọi người sẽ bớt phiền muộn trong cuộc sống thường ngày.
Kim Oanh
Các tin tức khác
- Phật giáo với tuổi trẻ ngày nay (26/09/2013 1:04)
- Niềm tin và nghị lực (26/09/2013 1:02)
- Bình an giữa cuộc đời (26/09/2013 12:57)
- Bạn trẻ & lối hành xử “ném đá” (26/09/2013 12:53)
- Mạng sống vô thường (25/09/2013 4:42)
- Những nguyên tắc sống giản dị (23/09/2013 10:34)
- Chiếc kẹp của công chúa (22/09/2013 6:16)
- Hoa trái của người xuất gia (21/09/2013 1:57)
- Chim sẻ và chim sâu (19/09/2013 6:10)
- Đời và Đạo là hai mặt của một đồng tiền (19/09/2013 3:17)