Bởi vậy, người đệ tử chân chính của Đức Phật rất xa tối nhắm mắt cúi đầu tin liều. Đó là một nhà tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng theo cái nghĩa cao cả nhứt của danh từ này. Người đệ tử chân chính của Đức Phật không lạc bước trong rừng tín điều tiêu cực lẫn tích cực, vì họ biết rằng những quan niệm mà gốc rễ nằm trong tình trạng mù quáng và trong sự tự mình dối gạt lấy mình mà thôi.
Số phận của chúng ta - Đức Phật đã dạy rành như thế - không phải do sự may rủi mù quáng định đoạt, cũng không phải tùy sự hành động độc đoán của một đấng tạo hóa hay tùy sự ban thưởng hoặc hình phạt của một vị thần linh nào, mà chắc chắn là do những hành động “nghiệp” của chúng ta đã gây ra trong những đời trước.
Đức Phật nhìn những người bệnh hoạn, cùi phong, đau khổ. Đức Phật thấy rằng sự khốn khổ và đau đớn của họ chỉ là kết quả của nghiệp mà họ đã gây ra từ những đời trước. Đức Phật xem xét kẻ giàu, người nghèo, người sướng, kẻ khổ và bất luận chỗ nào Đức Phật cũng đều tìm thấy dấu vết của Luật vay trả, của luật nhân quả, luật báo ứng và của Pháp, Pháp ấy cái đạo lý bao trùm vũ trụ ấy, và do Đức Phật tìm ra, được tóm tắt trong bốn chân lý cao cả như sau:
1. Chân lý về sự thống ngự của đau khổ
2. Chân lý về nguồn gốc của đau khổ
3. Chân lý về sự diệt khổ
4. Chân lý về con đường dẫn dắt đến sự diệt khổ.
Nói đến Bát chánh đạo là nói đến trung đạo mà Đức Phật đã giảng dạy như sau:
Con người mà mắc trong lưới mù quáng rồi, thì đừng lấy sự học đọc bề ngoài các Thánh kinh, đừng lấy sự cúng tế thần linh, cũng như đừng lấy sự nhịn đói sự ngủ dưới đất, thức khuya mệt nhọc, hay lấy sự đọc đi đọc lại lời cầu nguyện mà trở thành trong sạch được. Và cũng không phải lấy sự cúng chư Tăng, sự hành phạt thể xác, sự lễ bái tụng niệm bề ngoài mà làm cho con người trở nên thanh tịnh được, nếu trong tâm còn những ham muốn ích kỷ.
Cũng chẳng phải vì ăn thịt, ăn cá mà con người trở nên bất tịnh mà vì bởi say đắm, thèm thuồng, tự hào, khinh bỉ người khác với những ý muốn bất chánh, ác độc cho nên con người mới trở thành không trong sạch.
Có hai cách thái quá, một đằng là đắm mình trong dục lục, một đằng khác là đắm mình trong lối tu ép xác. Như Lai đã gạt bỏ hai cái thái quá ấy và tìm ra con đường trung đạo, con đường làm sáng mắt kẻ mù, rồi đưa họ đến chỗ an lạc, huyền diệu, giác ngộ và giải thoát.