Bạn Phạm Ất thân mến!
Sự tu học, theo Phật giáo, cần phải “phước huệ song tu”, nghĩa là tu phước và tu huệ song hành, hay “phước trí nhị nghiêm”, trang nghiêm cả phước đức lẫn trí tuệ. Phước đức và công đức cũng vậy, chính là hai phương diện phước và trí (huệ) mà người tu cần thành tựu.
Về căn bản, phước đức là những hành động, lời nói, suy nghĩ thiện lành như bố thí, cúng dường, từ thiện, giúp đỡ, an ủi, động viên, khích lệ… cho cá nhân, đoàn thể để họ bớt khổ, thêm vui. Người thường gieo trồng phước đức sẽ được hưởng phước báo lành, góp phần chuyển hóa nhân quả xấu ác trong quá khứ, tránh được một số oan khiên. Phước đức thuộc pháp hữu vi, giúp kiến tạo đời sống an lạc với nhiều thuận duyên nhưng nó không đủ công năng hóa giải phiền não, xóa tan si ám vô minh, thành tựu giải thoát sinh tử.
Công đức là công phu thanh lọc nội tâm, phát huy tuệ giác, khai tâm mở trí để thấu rõ sự thật, chứng ngộ chân lý. Công đức thuộc pháp vô vi, giúp dứt trừ phiền não, thành tựu giác ngộ và giải thoát sinh tử luân hồi.
Thực ra, sự phân định phước đức và công đức chỉ nhằm cho người sơ học dễ hình dung và cảm nhận. Bởi công đức và phước đức luôn gắn liền với nhau, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Tự thân mỗi người sẽ nhận ra phước đức hay công đức ngay nơi sự dụng tâm trong khi thực hành thiện pháp của mình.
Ví dụ như bạn thực hành bố thí tiền của, hy vọng tương lai được phước giàu có, việc làm và dụng tâm ấy tạo ra phước đức. Cũng việc lành bố thí đó nhưng chỉ thuận theo lòng từ, không có bất cứ mong cầu nào và cũng chẳng có bất cứ điều kiện gì thì trở thành công đức. Bố thí mà tuyệt nhiên không nghĩ đến báo đáp thì tâm được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì tuệ phát sinh, phiền não rơi rụng đồng thời phước lành đó sẽ bao trùm khắp pháp giới hư không.
Hay như bạn tu tập trì giới, nếu nhân trì giới sinh thiền định, nhân thiền định mà phát trí tuệ thì bạn thành tựu công đức. Còn nếu trì giới tinh nghiêm mà không sinh định và tuệ thì việc trì giới ấy chỉ được phước báo thù thắng nơi cõi người và cõi trời mà thôi.
Tụng kinh, niệm Phật, bố thí kinh, giảng pháp… cũng đều như vậy. Sự tu tập cũng như thực hành các thiện pháp mà đưa đến thành tựu định tuệ, đoạn trừ phiền não, chứng đắc giải thoát thì có công đức. Còn không thì chỉ được phước đức mà thôi. Tóm lại, tu tập các hạnh lành mà không dính mắc, tự tại giải thoát (không chấp thủ, chẳng mong cầu) thì chính là công đức.
Phước đức và công đức có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp tu hành. Như hai cánh của con chim, giúp giữ thăng bằng để bay cao và bay xa đến chỗ nó cần đến. Phước đức sẽ giúp người tu thuận duyên hơn trong việc thành tựu công đức.
Phước đức mà thiếu kém thì rất khó tu. Ăn uống, y phục, phòng nhà, thuốc thang nếu không đủ sẽ khó yên tâm thiền định. Bệnh tật, tai nạn liên miên; các chướng duyên, trở ngại thường quấy nhiễu là những chướng ngại không nhỏ trong sự tu hành. Tất cả đều do nguyên nhân… thiếu phước đức.
Tu mà tâm không định, trí không sáng, sự chấp thủ và phiền não vẫn y nguyên thì có thể xem như không có tiến bộ tâm linh, chính xác là không thành tựu công đức. Nếu phước đức ngày một tăng mà công đức trí tuệ không tăng thì sự tu có nguy cơ thối đọa hay lệch hướng. Ngược lại, công đức có thể phát triển trong cả hai trường hợp phước đức sung mãn hay có phần hạn chế, giúp người tu vững bước đi lên. Để thành tựu công đức, người tu cần thực hành Giới-Định-Tuệ, tu tập viên mãn Bát chánh đạo.
Chúc bạn tinh tấn!