Thầy: Thiền tập có sức mạnh trị liệu rất lớn, như các nghiên cứu khoa học hiện đại đã cho thấy. Sự thực tập hơi thở ý thức, thiền tọa, thiền hành giúp giải tỏa những căng thẳng trong thân và trong tâm. Khi ta cho chính mình một cơ hội để buông bỏ tất cả những căng thẳng, khả năng tự trị liệu của cơ thể sẽ bắt đầu làm việc. Các con thú trong rừng đều biết điều này. Khi chúng bị thương, bệnh hoặc quá mệt, chúng biết phải làm gì. Chúng tìm một nơi yên tĩnh, nằm xuống để nghỉ ngơi. Chúng không đi tìm thức ăn hoặc đuổi theo những con thú khác, chúng chỉ nghỉ ngơi thôi. Sau vài ngày nằm yên để nghỉ ngơi, chúng được chữa lành và hoạt động bình thường trở lại.
Loài người chúng ta đã đánh mất tuệ giác của sự nghỉ ngơi và thư giãn thật sự. Chúng ta lo lắng quá nhiều. Chúng ta không cho phép cơ thể mình tự chữa lành, và cũng không cho phép tâm ta được chữa lành. Thiền tập có thể giúp ta ôm ấp những lo lắng, sợ hãi, giận hờn và điều này rất trị liệu. Ta để cho khả năng tự trị liệu trong ta được hoạt động một cách tự nhiên.
Thư giãn hoàn toàn chính là bí quyết để có an lạc trong khi ngồi thiền. Tôi ngồi với một cái lưng thật thẳng nhưng không gồng cứng, và tôi thư giãn tất cả các bắp thịt trong cơ thể. Thở vào, tôi đem tất cả sự chú ý đến một bộ phận nào đó trong cơ thể; thở ra tôi mỉm cười biết ơn và gửi tình thương đến bộ phận đó. Thí dụ như tôi thở vào và hướng sự chú tâm đến khuôn mặt. Trên mặt tôi có khoảng 300 bắp thịt và khi nào tôi lo lắng, giận dữ hoặc sợ hãi, 300 bắp thịt đó siết lại, và bất cứ ai nhìn thấy tôi cũng có thể thấy tôi đang căng thẳng. Nhưng nếu trong khi thở vào, tôi có thể ý thức đến khuôn mặt của mình, và thở ra tôi có thể mỉm cười với khuôn mặt của mình, thì ngay lập tức sự căng thẳng sẽ tan biến. Điều đó gần như là một phép lạ. Chỉ trong một vài hơi thở, ta có thể cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc và thư giãn trên khuôn mặt. Mặt ta trở nên nhẹ nhàng, tươi mát, giống như một bông hoa. Khuôn mặt ai cũng đều là một đóa hoa.
“Thở vào tôi ý thức về gương mặt tôi, thở ra tôi mỉm cười với gương mặt tôi”, ta có thể thực tập như vậy trong vòng ba đến bốn hơi thở. Sau đó, ta hướng sự chú tâm đến các bắp thịt trên hai vai, bởi vì các bắp thịt trên hai vai chúng ta thường hay bị căng thẳng. “Thở vào, tôi ý thức về các bắp thịt trên hai vai; thở ra, tôi thư giãn và mỉm cười với hai vai tôi”. Cứ như thế ta dần dần di chuyển đến khắp các vùng trên cơ thể, và chỉ sau một vài phút ta có thể làm cho cơ thể trở lại bình thường với trạng thái nhẹ nhàng, thư giãn.
Đây là điều mà ai cũng có thể làm được trong một vài phút đầu tiên sau khi ngồi xuống, không nhất thiết là chỉ ngồi trong thiền đường mà thôi. Bất cứ ngồi ở chỗ nào, ta cũng có thể ngồi thật đẹp, như là ta đang ngồi thiền vậy, ngồi đâu ta cũng có thể cảm thấy vững chãi, thảnh thơi. Ngồi xuống để ăn cơm hay làm việc văn phòng, ta nên ngồi thẳng và buông thư. Hãy ngồi như Bụt ngồi.
Tôi biết có một vài Nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ thực tập thiền hành ở Capital Hill. Một vị nói với tôi là khi đi đến phòng bỏ phiếu để thông qua một dự luật, ông ấy luôn thực tập thiền hành, hoàn toàn dừng lại mọi suy nghĩ. Văn phòng của ông rất bận rộn, mỗi ngày ông phải trả lời rất nhiều câu hỏi, giải quyết bao nhiêu việc khác nhau. Vì vậy thời gian duy nhất trong ngày mà ông có thể thật sự dừng mọi suy nghĩ để nghỉ ngơi là khi ông rời văn phòng để đến phòng bỏ phiếu thông qua dự luật. Ông để tất cả tâm ý vào hơi thở và vào bước chân, hoàn toàn không suy nghĩ gì hết. Và ông nói điều đó thực sự giúp ông có thể sống còn trong cuộc sống bận rộn tối mắt tối mũi của một Nghị sĩ.
Chúng ta phải học lại nghệ thuật nghỉ ngơi và buông thư, điều này rất quan trọng. Nó không những giúp ngăn ngừa rất nhiều các bệnh tật phát sinh từ chứng căng thẳng và lo lắng mãn tính mà còn làm cho đầu óc sáng sủa, tập trung, từ đó tìm ra các phương cách sáng tạo để giải quyết vấn đề. Nếu như ta có thể buông bỏ tập khí luôn chạy về tương lai, biết dừng lại để thư giãn và trở về với chính mình, chúng ta sẽ thành công hơn trong bất cứ phương diện nào mà ta muốn. Và chúng ta sẽ có thêm niềm vui sống.
“Trích trong bài phỏng vấn Sư Ông Làng Mai của Marianne Schnall – Đăng trên The Huffington Post của Mỹ, ngày 21.05.2010"
Các tin tức khác
- Thử sống đời của người khác (20/11/2022 8:05)
- Muốn làm một người có phúc, cần học được tinh thần của chữ "phúc" (20/11/2022 7:59)
- Đồng tiền kẹp trong sách và bài học thấm thía suốt cuộc đời (19/11/2022 8:29)
- 5 bài học ý nghĩa mà Bút chì tặng bạn (19/11/2022 8:25)
- Nghèo vì không biết cho đi (18/11/2022 8:27)
- Đừng để mất niềm tin (18/11/2022 8:24)
- Nơi nào phát huy trí tuệ và đạo đức tốt thì nên ở lại! (18/11/2022 8:16)
- Câu chuyện học giả được đền ơn (17/11/2022 7:31)
- Câu chuyện người nông dân trồng ngô (17/11/2022 7:28)
- Làm sao để giúp đỡ gia đình? (17/11/2022 7:22)