Bạn Ngọc Nga thân mến!
Theo giới luật, người Phật tử thọ năm giới, sau khi từ bỏ thân này thì năm giới sẽ mất. Không riêng năm giới của Phật tử tại gia mà giới của hàng xuất gia, Sa-di hay Tỳ-kheo cũng đều như thế. Thọ giới Bồ-tát là lý tưởng của Phật giáo Đại thừa, nguyện nương theo giới luật, giáo pháp và phát tâm Bồ-đề cho đến ngày thành Phật. Chí nguyện cao cả này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các kiếp sống từ hiện tại đến vị lai của vị Bồ-tát, từ sơ phát tâm cho đến Vô thượng Bồ-đề. Vì lý tưởng tu tập và phụng sự cho đến ngày thành Phật nên hàng Phật tử (tại gia và xuất gia) được khuyến khích phát đại nguyện thọ giới Bồ-tát.
Tuy vậy, năm giới của Phật tử là nền tảng căn bản và quan trọng. Cần giữ vững năm giới trước khi đi xa hơn. Đây là suy nghĩ rất đúng đắn. Nếu năm giới chưa trọn mà ôm đồm cầu thêm giới rồi không giữ được thì không phải là điều hay. Mặt khác, giới Bồ-tát có hai loại: Loại thông cả tại gia và xuất gia (Bồ-tát giới Phạm võng), loại chỉ dành riêng cho tại gia (Ưu-bà-tắc giới kinh). Có một số Phật tử phát tâm thọ giới Bồ-tát mà không tìm hiểu kỹ (hoặc không được hướng dẫn chi tiết) nên thọ Bồ-tát giới Phạm võng rồi phát hiện ra quá sức, không thể giữ trọn.
Như vậy, Phật tử tại gia thọ giới Bồ-tát là cao quý nhưng phải tự lượng sức mình. Cần tìm hiểu kỹ càng trước khi thọ giới. Nếu hiện tại chỉ lo giữ vững năm giới, chưa có ý thọ giới Bồ-tát là điều bình thường, không ảnh hưởng gì đến tu học của người Phật tử. Khi nào hội đủ duyên lành để thọ trì giới Bồ-tát thì hãy phát tâm.
Chúc bạn tinh tấn!