Bài học về chiếc bình nứt

8/06/2023 8:41
Có một người gánh nước, mang hai chiếc bình ở hai đầu đòn gánh trên vai. Một trong hai bình ấy bị nứt còn bình kia thì tuyệt hảo, luôn mang về đầy nước. Cuối đoạn đường dài từ con suối về nhà, chiếc bình nứt lúc nào cũng chỉ còn một nửa.

Suốt hai năm tròn, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ mang về một bình rưỡi nước.

Dĩ nhiên, chiếc bình nguyên vẹn rất tự hào về thành tích của nó. Nó luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Còn chiếc bình nứt tội nghiệp thì luôn xấu hổ về khuyết điểm của mình, nó khổ sở vì chỉ hoàn tất được nửa công việc phải làm. Trong hai năm nó chịu đựng cái mà nó cho là thất bại chua cay.

Một ngày nọ, chiếc bình nứt bèn lên tiếng với người gánh nước bên bờ suối: “Con thật là xấu hổ vì vết nứt bên hông làm rỉ nước suốt dọc đường đi về nhà bác”. Người gánh nước trả lời: “Con không thấy hoa chỉ mọc bên đường phía con sao? Vì ta biết khiếm khuyết của con nên đã gieo hạt hoa dọc đường và mỗi ngày đi về con đã tưới nước cho chúng…. Hai năm nay, ta luôn hái được nhiều hoa đẹp để trên bàn. Nếu con không phải là con như thế này thì trong nhà đâu thường xuyên có hoa đẹp để thưởng thức như vậy”.

Lời bình: Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những thói quen riêng biệt hoặc tốt, hoặc xấu bổ sung cho nhau. Ai cũng có chiếc bình nứt, chỉ là nhiều hay ít mà thôi. Chúng ta cần chấp nhận cá tính của từng người và tìm mặt tốt của họ để ta và người cùng chung sống. Tinh thần bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ cho nhau sẽ làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống.

Thử tưởng tượng một ngày bạn thôi không tự trách mình, cũng chẳng bị ai phán xét, chẳng hề buồn phiền lo sợ về “những gì có thể xảy đến”. Chấp nhận không có nghĩa là bạn trở nên bàng quan với thế giới xung quanh hoặc chẳng cần nỗ lực tìm kiếm mục tiêu cho mình, tuy nhiên, nó chỉ nhắc nhở chúng ta rằng chẳng ai hoàn hảo, ta không tốt mà cũng chẳng tệ hơn người khác. Vậy tại sao không sống như con người thực của mình và tận hưởng cuộc sống một cách ý nghĩa thay vì uổng phí thời gian lo lắng cho những thứ không đâu? 


Ngài Gyalwang Drukpa

Các tin tức khác

Back to top