Cuộc sống ngày càng trở nên không dễ dàng gì khi còn người bị tác động bởi vô vàn nhu cầu hưởng thụ của lối sống bon chen. Người ta không thể như cách đây vài chục năm có thể vui vẻ với đồng lương công chức, đi chiếc xe đạp tàng và mặc mãi những chiếc áo được phân phối giống nhau. Người ta đưa ra những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ thành công của con người bằng vật chất như xe hơi đời mới, nhà đất nhiều, tiêu xài hàng hiệu và những thú vui xa xỉ v.v…Người ta đua nhau đạt cho bằng được những gì mà xã hội tiêu dùng và quảng cáo đang cố gắng xây dựng thành những thước đo giá trị mới.
Trong quá trình ấy, rất nhiều khi người ta phải nói dối, phải che đậy, phải đóng kịch để đạt đước cái họ cần. Tiếc thay, sự diễn ấy sẽ luôn dẫn tới thói quen rất khó sửa đổi, và dần dà làm con người mất đi sự thành thật vốn có của chính bản thân mình. Hậu quả nặng nề là chính bản thân họ và những người thân yêu phải gánh chịu những sự xa lánh hay ghét bỏ lẫn nhau khi sự thật được phơi bày. Nhất là với người Việt, với cái định kiến “một lần bất tín, vạn sự mất tin” thì cho dù họ có cố gắng tỏ ra thành thật tới đâu cũng vô ích, cũng không làm cho người khác tin tưởng vào họ được nữa.Đồng ý rằng không phải sự thật nào cũng nên được nói ra, và không phải sự thành thật nào cũng mang lại điều tốt đẹp.
Trong cuộc sống có nhiều khi chúng ta cần phải tránh né sự thật để làm người khác vui lòng hay không bị tổn thương. Nhưng đó là ta đã vì lợi ích của họ, chứ không phải ta cố tình bóp méo sự thật vì lợi ích của riêng mình. Có thể người đó sẽ biết là ta đang nói dối, nhưng họ cũng hiểu được thiện ý của lời nói dối ấy mà vẫn thương yêu và quý trọng ta hơn. Còn nếu như ta đã không thành thật thành thói quen, thành định kiến trong mắt người khác thì sự thật nào ta nói ra cũng bị họ dò xét, nghi ngờ. Thử hỏi, như vậy thì có dễ chịu chút nào không? Trên đời này, không gì hạnh phúc bằng được sống giữa những người tri kỷ có thể hiểu và tin tưởng lẫn nhau, không phán xét và hoài nghi. Nếu ta có khả năng tạo dựng được một mạng lưới xã hội ( social networking) mà trong đó ta được mọi người lắng nghe và tin tưởng, thì coi như ta đã có thành công và hạnh phúc rồi. Khi mọi người tin tưởng họ sẽ sẵn lòng nâng đỡ và chia sẽ, giúp ta vượt qua những thăng trầm của đời sống này.Thành thật với người khác là điều đơn giản nhất ta có thể làm, chỉ cần có chút cố gắng và thiện ý để thực hiện. Cái khó nhất là thành thật với chính bản thân mình. Vậy thế nào là thành thật với chính mình? Và làm sao để có được sự thành thật ấy?Thành thật với chính mình là nhìn bản thân mình một cách đúng đắn nhất, không ảo tưởng để quá tự kiêu, không tuyệt vọng để quá tự ti.
Thành thật với chính mình là biết nhìn thấy mình có những ưu điểm gì có thể phát huy và những yếu điểm nào cần thay đổi, không bào chữa, không khoan dung cho bản thân. Thành thật với bản thân là biết mình đang cần gì, theo đuổi những giá trị gì của cuộc sống, để không tự ru mình trong những ảo vọng xa vời. Khổ một nỗi, con người chúng ta luôn giằng xé giữa những ham muốn, dục vọng ( nhiều khi là quá mạnh mẽ, cao vời) và khả năng thật sự của bản thân ( nhiều khi chỉ có giới hạn nhất định), để trong quá trình đấu tranh giữa việc thừa nhận cái mình đang có và có thể làm và chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, với việc phủ nhận bản thân để cố gắng chạy theo những thứ mà có khi cả đời không thể đạt được.
Sự tranh đấu ấy sẽ quyết định việc chúng ta sẽ thành thật với bản thân để đi lên trong cuộc sống bằng chính đôi tay, khối óc và con người thật của mình, hay chúng ta sẽ diễn kịch với đời để đi lên bằng sự nâng đỡ hay vay mượn từ thiên hạ.Để có thể thành thật với chính mình, chúng ta cần nhìn sâu vào tâm thức của bản thân với thái độ nghiêm túc và chân thành nhất. Chúng ta cần có một cái nhìn thuần khiết với bản thân, thường được gọi là trực giác, để nhìn thấu suốt những gì mình đang có, để tháo bỏ những gì mình đang cố gán cho mình ( cả mặt tốt lẫn mặt xấu) chứ không phủ nhận hết tất cả, mà đơn thuần là trở về với chính mình như người diễn viên trút bỏ xiêm y và son phấn sau lớp diễn trong sân khấu cuộc đời. Để làm điều này, ta cần tùy theo trình độ và nhận thức của bản thân mình, chứ đừng cố gắng hay vội vàng quá.
Hãy nhìn những đúa trẻ chơi đùa, chúng chơi trong thế giới của mình và làm những gì chúng thích với khả năng tốt nhất có thể, và vui thích với kết quả chúng tạo ra, chò dù nó có thế nào đi nữa. Trẻ thơ, luôn là bậc thầy của sự thành thật với bản thân, ta hãy học cách sống như trẻ thơ để hiểu đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là giá trị thực của cuộc sống dành cho mình, ta sẽ có nhiều cơ hội để nhìn vào tâm thức của mình.Khi tâm trí ta trong trẻo như trẻ thơ, nhìn thấu suốt những gì ta đang có, thấy được con đường phía trước tới hạnh phúc giản đơn, thì ta đã có thể thành thật với lòng mình: rằng ta sẽ luôn là chính mình, trong mọi hoàn cảnh, không bị ám ảnh bởi những hào quang hư ảo của cuộc sống, ta sẽ luôn biết yêu thương và chăm sóc cho tâm hồn mình được thanh thản, để thật tâm sống cho mình và cho người. Như thế, cho dù ta có không hoàn hảo, ta vẫn có thể được yêu thương và tôn trọng.
Trích từ sách Hiểu Về Trái Tim - TG: Thích Minh Niệm
Các tin tức khác
- Đi như một bầy chim (30/11/2012 9:41)
- Thái độ nâng đỡ (30/11/2012 9:39)
- Nâng đỡ (30/11/2012 9:36)
- Hiếu hạnh có trí toàn hảo (29/11/2012 10:27)
- 10 lời khuyên của tỉ phú BillGate (28/11/2012 11:20)
- Học để biết đủ (26/11/2012 11:41)
- Tất cả mọi người đều là người tốt. (24/11/2012 1:17)
- Chuyện bùn, chuyện sen… (23/11/2012 2:42)
- Nếu có lòng (22/11/2012 2:20)
- Kham nhẫn là những phép lạ (20/11/2012 3:25)