Làm sao để nhanh đi vào giấc ngủ nếu hôm sau phải thức dậy sớm?

30/03/2024 8:38
Hỏi: Câu hỏi từ một em thiếu nhi: Làm thế nào có thể nhanh đi vào giấc ngủ nếu hôm sau phải dậy sớm?

Đáp: 

Cố gắng đi vào giấc ngủ cho nhanh chưa hẳn là một điều tốt. Khi cố gắng ta phải nỗ lực, cho nên càng cố gắng ta sẽ càng khó ngủ. Do đó hãy để cơ thể ta được thư giãn. Và, tốt hơn là hãy đừng suy nghĩ, đừng suy nghĩ về ngày mai hay về những việc ta phải làm. Nếu ta cứ nghĩ về những việc ta phải làm vào ngày mai thì ta sẽ thức suốt đêm.

Không suy nghĩ là một bài thực tập cực kỳ quan trọng trong thiền tập. Vì suy nghĩ nên ta không ngủ được (và vì không ngủ được nên ta lại càng suy nghĩ). Cho nên không suy nghĩ là tốt. Để dừng suy nghĩ, ta có thể tập trung sự chú ý vào hơi thở vào và hơi thở ra. Ta thở vào và chỉ tập trung tâm ý vào hơi thở vào. Thở ra, ta tập trung tâm ý vào hơi thở ra.

Ta có thể sử dụng mẹo nhỏ này: đó là trên bàn ngủ ta có thể để một chiếc đồng hồ nhỏ, không phải đồng hồ điện tử mà là loại đồng hồ cổ điển. Nó tạo ra tiếng tích tắc, tích tắc đều đều. Ta có thể lắng nghe âm thanh của chiếc đồng hồ và đo độ dài hơi thở bằng âm thanh đó. Thường thường, hơi thở vào của ta có thể dài ba hay bốn giây “Tích, tắc, tích, tắc”, và khi thở ra, hơi thở có thể dài năm hay sáu giây. Chỉ cần nằm xuống, lắng nghe âm thanh của chiếc đồng hồ; thở vào, thở ra, và dừng tất cả suy nghĩ. Thở rất là dễ chịu, nếu không khí đủ tốt.

Nếu không có đồng hồ, ta có thể dùng một bài hát để thở. Tuy nhiên ta không cần phải dùng miệng để hát mà chỉ dùng tâm trí, vì bài hát đã sẵn có trong ta. Thí dụ như bài hát “Đã về, đã tới - Bây giờ, ở đây”. Tất cả mọi người ở Làng Mai đều thở và khắc ghi bài hát đó trong tim. Có rất nhiều bài hát để thực tập nhưng “Đã về, đã tới” là bài hát phổ biến nhất.

“Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Vững chãi, thảnh thơi

Quay về nương tựa.”

Đó không phải là suy nghĩ mà hững từ ngữ là để giúp ta tập trung tâm ý vào hơi thở. Sau khi thở theo bài hát đó vài lần, giấc ngủ có thể tới rất dễ dàng.

Đó là cách Sư Ông thực tập. Sư Ông dùng những bài Thiền ca. Chúng đã sẵn có ở đó, giống như có một cái CD bên trong vậy. Muốn nghe bài nào, ta không cần phải nhấn nút mà chỉ cần sử dụng một loại tâm hành gọi là Manasikara (tác ý). Khi ta tiếp xúc với nó bằng tâm ý, âm thanh sẽ hiện ra; và ta thở vào thở ra cùng âm thanh đó.

Cách thực tập này sẽ giúp rất nhiều cho người lớn. Người nào suy nghĩ nhiều quá thì nên thực tập như vậy. Ta có thể học thuộc nhiều bài Thiền ca và chỉ cần buông thư khi thở vào, thở ra theo bài hát lúc không ngủ được.

Trong khi lái xe, thay vì suy nghĩ, ta thở vào thở ra với bài hát “Đây là Tịnh độ, Tịnh độ là đây”. Đây là một bài hát khác. Ngoài ra còn bài “Đã về, đã tới”, “Hạnh phúc trong phút giây”, “Mình là chiếc lá trên đầu cành” và rất nhiều bài khác.

Quý vị có thể dùng tất cả những bài hát đó. Vì ta hát từ bên trong nên chỉ mình ta có thể nghe thấy âm thanh của bài hát mà thôi. Hát một câu ta thở vào, câu tiếp theo ta thở ra. 


Sư Ông Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top