Nhìn lại thân mình

22/12/2012 3:08
Có một ông lão mù ngồi xin ăn lặng lẽ bên vệ đường. Phố xá đông đúc người qua lại nhưng ai nấy cũng vội vàng nên chẳng mấy ai để ý đến ông lão, mặc dù bên cạnh ông lão có để một tấm biển lớn “Xin mở lòng từ bi, tôi đã bị mù” (Have compassion, I am blind). Mãi đến xế trưa, bỗng có một anh chàng thương gia trẻ ăn mặc sang trọng tiến gần lại, ông lão nghe bước chân sát cạnh mình liền đưa bàn tay sờ lên đôi giày của anh ta và lòng mừng rỡ vì nghĩ hôm nay chắc mình sẽ không bị đói. Nhưng anh chàng thương gia không móc tiền cho ông lão mà anh ta lại lấy viết ra ghi cái gì đó phía sau tấm biển giấy.

Ông lão thất vọng vì anh chàng cũng vô tình quay gót như bao người khác, nhưng không bao lâu thì bỗng dưng chiếc lon của ông lão lại vang lên những tiếng rang rảng của những đồng xu và cả những tờ giấy bạc của những người qua đường. Ông lão sờ lên chiếc lon đầy ắp tiền lòng vừa mừng khôn xiết và cũng không kèm chế nổi sự ngạc nhiên. Vài giờ sau anh chàng thương gia trẻ kia quay lại kiểm tra, ông lão sờ lên đôi giày sang trọng thì biết là người dừng lại ban nảy nên ông gạn hỏi ngay anh đã viết gì trên tấm biển kia. Anh chàng vỗ vai ông lão nói rằng anh ta cũng viết với nội dung như vậy nhưng từ ngữ có khác đi đôi chút, rồi anh ta vui vẻ bước đi. Câu ấy là “Hôm nay là một ngày nắng đẹp, nhưng tôi không nhìn thấy được” (Today is a beautiful day, but I can not see it).

Câu viết đơn giản ấy như một tiếng chuông vang lên nhắc nhở mọi người hãy dừng lại để ý thức có một thực tại rất mầu nhiệm đang xảy ra, đó là một ngày nắng đẹp.  Nếu ai đã sống trong những ngày tháng mùa đông âm u lạnh giá thì chắc chắn sẽ rất yêu quý một ngày nắng đẹp như thế. Nhưng ta vì có nhiều thứ phải lo toan và nắm bắt quá nên ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội với sự sống. Thì đây, một tấm biển của một ông lão mù đã làm cho ta không chỉ ý thức về một ngày nắng đẹp đang lên, mà còn nhắc nhở rằng ta đang có một đôi mắt sáng. Đó là một thứ tài sản vô giá mà biết bao người không có được. Một đôi mắt có thể nhìn thấy trời xanh mây trắng, có thể thấy muôn màu muôn vẻ trên thế gian này.  Còn gì khổ cho bằng ta không thể nhìn thấy được chính mình và cả người thương của mình. Nhưng nhiều khi vì tham vọng mà ta cứ lầm lũi lao tới phía trước, không nhận biết được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta thì ta đâu khác gì một kẻ mù.

Dường như đã từ lâu rồi ta đánh mất thói quen nhìn lại mình. Ta cứ lo đuổi bắt những đối tượng bên ngoài hay trong xa vời vì ta tin tưởng rằng hạnh phúc của mình nằm ở nơi đó.  Nhiều lần thất vọng khi phát hiện ra chúng chỉ là những cảm xúc sung sướng trong nhất thời chứ không phải là hạnh phúc chân thật, nhưng ta vẫn cố chấp lao tới tìm kiếm cho bằng được, vì chung quanh ta ai cũng làm như vậy, ta không thể thua sút. Nhưng có một đôi mắt sáng chẳng phải là một điều kiện hạnh phúc hay sao? Ta sẽ làm gì với tất cả những tài sản và danh vọng mà ta giành lấy được khi ta không còn nhìn thấy chúng được nữa. Mà ta đâu chỉ có mỗi đôi mắt là quý giá, hãy nhìn kỹ lại hình hài của mình từ trên đầu xuống dưới bàn chân, ta sẽ thấy tất cả những gì mình đang có đều là điều kiện căn bản của hạnh phúc cả, không có nó ta sẽ không cảm nhận được thứ hạnh phúc nào nữa.

Nếu đã xác nhận nó là hạnh phúc thì tại sao ta không trân quý giữ gìn, lại bỏ bê và thậm chí còn đày ải nó đến kiệt sức để đạt được những thứ hạnh phúc khác. Đó có phải là hành động khôn ngoan không? “Hôm nay là một ngày nắng đẹp” là một câu xác định, phải đứng ngay trên đất của thực tại, không còn chạy lăng xăng, phải dừng lại thực sự để tiếp xúc thì ta mới phát biểu được như thế. Cho nên muốn nhìn lại thì điều kiện tiên quyết là phải dừng lại, không dừng lại thì sẽ không nhìn thấy gì cả, hoặc sẽ thấy rất mù mờ và có thể sẽ sai lệch. Dừng lại để tiếp nhận giá trị sâu sắc bên trong, thay vì lao tới để nắm bắt những cái cạn cợt bên ngoài, đó đâu phải là thái độ sống của một người thiếu thực tế.  Nếu đã thấy rõ ta không được gì từ bên ngoài hãy tìm về nơi chính ta đi, ta vốn có sẵn một kho tàng hạnh phúc to tát kìa. Mà nhiều khi ta không nắm được cái bên ngoài chính vì ta không có khả năng nắm cái bên trong, nói cách khác, nắm được bên trong thì mới có hy vọng nắm được bên ngoài. Song, người sống được với chính mình thì lại hay khước từ nắm cái bên ngoài, xem nó không quan trọng, đôi khi cho đó là xa xỉ hay vô ích nữa.

Vậy để nhìn lại những gì mình đang có thì ta buộc phải dừng lại, không thể dừng lại tất cả thì dừng lại bớt, phải có thái độ buông bỏ bớt những điều kiện hấp dẫn lôi kéo bên ngoài, phải thu gọn lại những đòi hỏi từ nơi đối tượng khác, dồn năng lượng về phía mình để trở về tiếp quản lại gia tài thân tâm mình. Có thể nó đang xuống cấp trầm trọng, nhưng ta đừng nao núng, cũng đừng phiền trách hay áp đặt nó. Lỗi thường xảy ra là ta bỏ bê chúng cho đã, rồi khi quay về ta lại tỏ thái độ không chấp nhận, lại muốn nó phải như thế này thế kia. Chấp nhận là điều kiện cần phải có trong tiến trình chăm sóc thân tâm. Đó là lỗi của ta, là kết quả của quá trình sống thiếu tỉnh thức của ta, ta không chấp nhận là ta quá tham lam. Cái gì tốt đẹp ta cũng đều muốn cả mà không chịu chăm sóc giữ gìn. 

Trở về thân tâm phải có thái độ nhẹ nhàng hòa nhã thì ta mới có thể hiểu được tình trạng thật của nó. Ta hãy để ý lại bước chân của mình khi bước lên cầu thang, khi đi vào công ty hay dạo trên phố, thay vì cứ ngó dáo dác chung quanh hoặc suy nghĩ lung tung đến chuyện khác. Đi cũng là một sự sống, cũng là một điều kiện của hạnh phúc, cũng là một phần của cái tôi. Một ngày kia khi mình không thể sử dụng đôi chân được nữa thì có thể tương lai sự nghiệp của mình cũng sẽ sụp đổ theo, vậy nên, mình hãy đi cho đàng hoàng tử tế.  Mình phải đối xử tử tế với chính mình trước thì mới hy vọng đối xử tử tế với người khác một cách thật lòng. Ta hãy cảm nhận bước chân của mình đi, hãy bước đi với tư cách của một kẻ tự do hạnh phúc nhất trên đời, và hãy nở nụ cười hạnh phúc vì mình còn làm được điều đó. Đi trong tỉnh thức như thế bước chân ta sẽ trở nên mềm mại và đĩnh đạc hơn, năng lượng bình yên trong ta sẽ thoát ra và sẽ ôm lấy mặt đất vốn đã bị rạn nứt quá nhiều vì những bước chân căng thẳng, mưu toan và đầy thù hận của con người.

Ta hãy tập thêm cho mình thói quen nhìn như đang nhìn, đóng cánh cửa như đang đóng cánh cửa, đưa tay bưng chén trà như đưa tay bưng chén trà, nở nụ cười như đang nở nụ cười, mở lời nói như đang mở lời nói…chứ không mang theo bất cứ một ý niệm nào, dù là thái độ yêu thích hay ghét bỏ.  Loại bỏ bớt những thái độ không cần thiết trong mỗi động thái cử chỉ ở mọi lúc mọi nơi thì đó là một thái độ quay về đúng đắn. Thái độ ấy sẽ giúp ta có một kỹ năng nhạy bén và vững vàng để đi vào lĩnh vực tâm hồn, một khu vườn kỳ bí mà không phải ai cũng đủ khả năng khám phá được sự thật của nó. Ta phải nhìn lại một cách thành công từ những cái thô thiển nhất thì ta mới hy vọng tiếp xúc được những cái tinh tế nhất. Nếu ta không ý thức được bước chân, giọng nói hay hơi thở một cách thuần thục thì ta đừng trông mong nhìn thấu nổi những tâm lý phức tạp như buồn tủi, cô đơn, tuyệt vọng của mình. Điều này phải cần đến một quá trình trải nghiệm, sự thông minh đành phải nhường chỗ cho lòng kiên nhẫn và cả sự từ tốn với chính mình.


Trích từ sách Hiểu về trái tim - TG: Thích Minh Niệm

 

Các tin tức khác

Back to top