Trưởng lão Pothila, thông thuộc Tam tạng trong thời đại của bảy đức Phật, là người tuyên đọc giáo lý cho một nhóm năm trăm Tỳ-kheo. Một ngày nọ, đức Phật nhủ thầm: "Nếu có dịp, ta sẽ khuyến khích Trưởng lão này chấm dứt lậu hoặc". Và từ đó, mỗi khi Tôn giả đến bên Thế Tôn, Ngài thường gọi;
- Hãy đến đây, Pothila rỗng!
Hoặc:
- Chào ông Pothila rỗng.
- Ngồi xuống, Pothila rỗng.
- Hãy đi, Pothila rỗng.
Và khi Trưởng lão ra đi, Ngài còn nói theo:
- Pothila rỗng đã đi.
Trưởng lão Pothila tự nghĩ: "Ta thông thuộc Tam tạng và đọc suốt chú giải, ta là giáo thọ của năm trăm Tỳ-kheo, mười tám hội chúng. Vậy mà đức Thế Tôn luôn luôn gọi ta là Pothila rỗng. Chắc chắn vì ta chưa phát triển Chánh định nên Ngài gọi ta như vậy". Rất kích động, Trưởng lão quyết định vào rừng, thiền định. Chiều hôm ấy, Ngài sắp xếp y bát, và vào chập tối, đi lẫn trong hàng người nghe kinh. Các Tỳ-kheo đang tụng kinh không để ý đó là thầy của mình.
Pothila đi một khoảng đường một trăm hai mươi dặm, cuối cùng đến khu rừng có ba nươi vị Tỳ-kheo đang ẩn cư. Ðến nơi, Ngài chào vị trưởng chúng và nói:
- Bạch Trưởng lão, xin hãy chỉ giáo cho tôi.
- Tôn giả, Ngài là giảng sư, chúng tôi còn phải học với Ngài, sao Ngài nói thế?
- Thưa Ngài, xin đừng từ chối, hãy chỉ dạy tôi.
Thật ra, tất cả các Tỳ-kheo này đều chứng quả A-la-hán. Vị trưởng lão đệ nhất nghĩ thầm: "Vị Tỳ-kheo này, vì học rộng chắc sẽ cao ngạo". Và vì thế, đưa Pothila sang vị thứ hai, người thứ hai lại đưa xuống cho người thứ ba. Và cứ thế, họ đẩy Pothila đến người trẻ nhất trong nhóm, một chú Sa-di bãy tuổi đang ngồi vá y. Như thế kiêu khí của Pothila đã giảm rất nhiều.
Pothila đến bên chú Sa-di, chấp tay cung kính:
- Ðại đức, xin chỉ giáo cho tôi.
- Ơ kìa! Giáo sư, Ngài nói gì thế? Ngài hơn tôi về tuổi tác và học vấn, tôi còn phải học với Ngài.
- Ðại đức, xin đừng từ chối, hãy chỉ dạy cho tôi.
- Thưa Tôn giả, nếu Ngài kiên nhẫn, tôi sẽ chỉ cho.
- Tôi sẽ kiên nhẫn, nếu Ngài bảo tôi nhảy vào lửa tôi cũng nhảy.
Chú Sadi chỉ một cái ao cách đó không xa, bảo Pothila:
- Ngài hãy xuống ao, để cả y áo.
Chú biết rằng Pothila mặc y đẹp, đắt giá, nói thử như vậy để xem Pothila có dễ dạy không. Vừa nói xong, Pothila đã nhảy xuống ao, y áo ướt sũng. Chú Sa-di kêu lên:
- Hãy đến đây!
Lập tức, Pothila leo lên và đến gần chú. Chú bảo:
- Này Tôn giả, giả sử ở đây có một cái hang với sáu cửa, một con tắc kè chui vào hang, người nào muốn bắt nó, phải bít năm cửa hang, chừa lại một cửa là sẽ tóm được tắc kè. Như thế Ngài nên đóng hết đóng hết năm căn, và tập trung vào ý căn.
Với một người thông minh như Pothila, câu nói của chú Sa-di đã soi sáng vấn đề.
- Như thế đã đủ, Ðại đức.
Pothila tập trung tư tưởng, quán sát thân mình, và bắt đầu thiền định. Ðức Phật ở cách xa một trăm hai mươi dặm, biết rằng Tôn giả sẽ trở nên bậc đại trí tuệ Ngài hoá hiện trước Tôn giả, nói kệ:
(282) Tu thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả,
Ðưa đến hữu, phi hữu.
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng.
Nghe xong, Pothila đắc quả A-la-hán.
Theo Thường Chiếu
Các tin tức khác
- Tình hoa trắng (24/01/2013 6:22)
- Quả cà chua (21/01/2013 9:36)
- Nuôi dưỡng một bình yên (21/01/2013 9:18)
- Học và làm (17/01/2013 9:17)
- Nụ Cười An Lạc của một con người! (16/01/2013 4:36)
- Giá trị của nghịch cảnh (14/01/2013 11:03)
- Những trường hợp không nên sát sinh ( 9/01/2013 3:39)
- Nghề nghiệp ( 8/01/2013 2:19)
- Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn ( 7/01/2013 5:52)
- Biểu tượng Âm và Dương ( 4/01/2013 3:00)