- Mẹ ơi, tại sao từ khi sanh ra chúng ta phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng, mệt chết đi được?
Ốc sên mẹ nói:
- Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh.
- Tại sao chị sâu róm cũng bò chẳng nhanh, cũng không có xương mà không phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng này?
- Vì chị ấy sẽ biến thành bướm và bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy.
- Nhưng mà em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến thành bướm được, sao không phải đeo bình?
Ốc sên mẹ đáp:
- Vì giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy.
Ốc sên con bật khóc và nói:
- Bầu trời không bảo vệ chúng ta, đất cũng không bảo vệ chúng ta.
Ốc sên mẹ an ủi:
- Vì vậy mà chúng ta có cái bình, chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất. Chúng ta dựa vào chính mình, con ạ.
Khi đọc câu chuyện này, chúng ta đều nhận ra ngay lời dạy ân cần của đức Phật: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”. Thật sự trên thế gian này chẳng có nơi nào là nơi trú ngụ bình an cả. Bản chất của thế gian là vậy, luôn bị chi phối bởi vô thường, vô ngã và bất như ý. Nên đức Phật đã dạy tất cả chúng ta hãy nương tựa vào chính mình để tìm một chỗ trú ngụ an toàn, đừng tìm cầu nơi nào khác bên ngoài.
Nương tựa vào chính mình là trở về sống lại với nguồn tâm tĩnh lặng, trong sáng, yên bình nơi mỗi người. Nói thì đơn giản như thế nhưng để thực hiện được điều này, chúng ta phải trải qua một quá trình dày công, dụng tâm tu tập. Sự tỉnh thức luôn có mặt từng phút từng giây, đưa tâm về với hiện tại. Vì tâm chúng ta thường phiêu lưu đi về quá khứ hay tương lai, nên không thưởng thức và cảm nhận được giá trị của tâm rõ biết an tĩnh trong hiện tại.
Chúng ta thường có thói quen rong ruổi suy nghĩ mọi lúc mọi nơi và thích nương tựa, dựa dẫm vào những thứ bên ngoài, lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống. Bao giờ chúng ta có được tuệ giác, có chánh kiến, thấy các pháp thế gian đều giả tạm thì lúc đó chúng ta mới rời bỏ tất cả những thứ bên ngoài, để trở về nơi trú ngụ của chính mình.
Đạo Phật gọi nương tựa chính mình là nương tựa Tam bảo nơi tự tâm. Trước khi muốn nương tựa Tam bảo tự tâm, chúng ta phải nương tựa Tam bảo bên ngoài. Tức là nương theo lời Phật dạy, nương theo Thầy Tổ và nương theo pháp Phật.
Đức Phật dạy muốn trở về sống lại với nguồn tâm trong sáng, tĩnh lặng của chính mình, chúng ta cần phải giảm thiểu sự lăng xăng bận rộn và tập sống trong tĩnh lặng. Khi đã biết tu tập, hiểu được bổn phận của mình rồi thì chọn nơi thích hợp tinh tấn hành thiền. Khi sống một mình ở nơi vắng vẻ, hãy là người tỉnh thức trầm lặng. Khi sống trong đại chúng, hãy thân cận với những huynh đệ thích tĩnh lặng, chỉ thâu nhận những điều tốt đẹp, an lành mà huynh đệ có thể đem đến cho mình. Đừng tụ họp biện luận tranh cãi, để rồi giận hờn phiền não làm tâmdao động bất an.
Ni chúng ở đây hơn 150 vị, mỗi người một ý. Có người biết cách cư xử, khéo léo tế nhị. Có người nói năng vụng về, cử chỉ thô tháo. Có người khỏe mạnh, siêng năng, đầy sinh lực. Có người yếu đuối, bệnh hoạn. Có người thích đông vui, có người lại thích yên lặng... Không ai giống ai nên đôi khi cũng có những quan điểm chẳng tương đồng. Tuy nhiên, huynh đệ không nên khởi niệm ghét bỏ lẫn nhau mà phải tập tha thứ cho người, để rửa những vết nhơ trong tâm mình. Hành động tha thứ là quà tặng của tâm từ. Khi chúng ta biết tha thứ, không chấp giữ thì sẽ có niềm vui trong tu tập.
Tất cả chúng sanh đều có tâm bệnh và đức Phật là một vị thầy thuốc chữa tâm bệnh cho chúng sanh. Pháp Phật là lương dược để trị bệnh phiền não khổ đau và đưa tâm trở về trạng thái tự nhiên khỏe mạnh. Vì vậy, chúng ta phải nương tựa nơi Phật pháp để biết tu tập, từ đó trở về nương tựa với chính mình.
Thấm nhuần những lời dạy của Phật bằng tâm chân thật trọn lành thì dù ta chưa giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau, ít nhất ta cũng đang tự vun trồng, phát triển tâm mình theo đúng hướng. Những tâm bất thiện sẽ giảm, những tâm thiện sẽ tăng trưởng. Khi tâm được kiểm soát, được rènluyện, được chế ngự, chúng ta sẽ bình an và đạt được nhiều lợi ích lớn lao.
Tất cả chúng ta hãy chiêm nghiệm và cố gắng thực hành để sống đúng theo lời Phật dạy. Mong rằng mỗi huynh đệ sẽ là hòn đảo yên bình và hiền hòa nhất. Để rồi chúng ta thăng hoa đời sống tâm linh của mình, đem ngọn đuốc ấy đến mọi hang cùng ngõ hẻm. Đó là chúng ta đang góp từng viên gạch cho ngôi nhà đạo pháp luôn vững bền, không cô phụ công ơn dưỡng dục của Thầy Tổ và chí nguyện xuất gia ban đầu của chính mình.
Hạnh Giám - Theo Thường Chiếu
Các tin tức khác
- Chiếc giường đắt giá nhất thế giới (13/09/2017 1:23)
- Chia trước nhận sau (12/09/2017 3:24)
- Núi không đi đến ta phải đi qua ( 9/09/2017 11:34)
- Điều hoàn mỹ nhất ( 9/09/2017 1:33)
- Tìm sự bình an trong cuộc sống hiện tại ( 8/09/2017 2:35)
- Chỉ có người nào dám ước mơ mới có thể biến ước mơ thành hiện thực ( 7/09/2017 2:57)
- Bạn đã thất bại nếu cứ mãi so sánh bản thân với người khác ( 6/09/2017 12:48)
- Con chuột bị điếc ( 4/09/2017 12:58)
- Đừng bao giờ quên họ ( 4/09/2017 12:34)
- Hạnh phúc là gì và cuộc sống là gì? Giác ngộ là gì? ( 3/09/2017 1:28)