Thế nào là Tổ sư thiền?

19/09/2018 3:11
Nếu tham thiền đến kiến tánh, dứt hết tập khí phiền não từ từ cái dụng hiện ra, cuối cùng bằng như Phật Thích Ca. Lúc đó không có cái gì không biết, không lúc nào mà không biết, chứ không phải cái biết của bộ óc có hạn chế và không chân thật.
Từ Tổ truyền xuống nên gọi là Tổ sư thiền, Đạt Ma từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc, người ta gọi là Đạt Ma thiền. Thiền này do đức Phật Thích Ca đích thân truyền, không qua văn tự lời nói, tất cả Phật nói trong kinh điển đều qua văn tự lời nói. Trong hội Linh sơn, Phật đưa cành hoa lên, Ca Diếp ngộ chỉ mỉm cười, Phật không nói gì nên pháp môn này là “giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự”.

Trong Đường lối thực hành Tham Tổ sư thiền có 5 câu thoại đầu (*), tự mình chọn một câu nào thấy khó hiểu nhất để tham, cuối cùng Phật tánh hiện lên gọi là kiến tánh thành Phật. Vì trực tiếp từ địa vị phàm phu thẳng chứng quả Phật còn gọi là pháp thiền trực tiếp.

Cái biết bộ óc không cùng khắp không gian thời gian, về không gian thì biết chỗ này không biết chỗ kia, về thời gian có lúc biết có lúc không biết. Cái biết Phật tánh là chánh biến tri (chánh là đúng với thực tế, biến là phổ biến không gian và thời gian, tri là biết) cùng khắp không gian thời gian, không có lúc nào không biết, không có chỗ nào không biết.
 
Cái biết Phật tánh không bao giờ mất, nhưng bị cái biết bộ óc che khuất nên không hiện ra. Phật dạy mình tham thiền dẹp cái biết của bộ óc để cái biết Phật tánh hiện lên. Cái biết bộ óc về thời gian thì ngủ mê không biết, chết giấc không biết, chết rồi không biết. Cái biết Phật tánh thì ngủ mê vẫn biết, chết rồi cũng biết; nếu chết rồi không biết thì có gián đoạn, nên không cùng khắp thời gian, không phải cái biết Phật tánh, không được gọi là chánh biến tri.

Cái biết bộ óc dụ cho tướng bệnh, cái biết Phật tánh là tướng mạnh; nếu tướng bệnh kéo dài thì tướng mạnh không thể hiện ra. Tại sao? Vì tướng bệnh là xanh vàng ốm yếu, tướng mạnh là hồng hào; bây giờ mặt mũi này xanh vàng ốm yếu, làm sao hiện ra hồng hào được? Phải hết xanh vàng ốm yếu thì hồng hào mới hiện ra. Cho nên, nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình để quét sạch cái biết của bộ óc, đặng cho cái biết Phật tánh hiện lên.

- Ông chọn câu thoại đầu nào để tham?

- Chọn câu: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng vật là cái gì?

- Bây giờ tôi thử hỏi ông có tham đúng hay không, như tôi nói muốn dẹp cái biết của bộ óc thì phải không cho bộ óc suy nghĩ, không cho bộ óc tìm hiểu, không cho bộ óc giải thích câu thoại đầu, chỉ đêm ngày giữ nghi tình (không biết), mặc áo, ăn cơm, đi cầu, làm việc… đều hỏi thầm trong bụng để khởi lên không biết.

Tôi vừa hỏi dứt thì trả lời ngay, nếu chậm một chút là bộ óc suy nghĩ có ý trả lời câu hỏi của tôi là không được, đó là hồ nghi, không phải chánh nghi. Chánh nghi cho tâm nghi chứ không cho tâm tìm hiểu, không cho bộ óc suy nghĩ.

Tôi hỏi ông hãy trả lời liền: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật là cái gì?

Không trả lời liền là qua bộ óc suy nghĩ rồi, muốn tìm để trả lời thì không được. Ông hỏi lại tôi đi!

Ông ấy hỏi: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật là cái gì?

- Không biết.

Không biết là tham thiền, chỉ cần không biết chứ không được suy nghĩ tìm hiểu. Nếu tìm hiểu được là cái biết bộ óc, không phải cái biết Phật tánh. Cái biết Phật tánh thình lình biết gọi là ngộ. Nghĩa chữ Phật là giác ngộ, giác ngộ là hiện Phật tánh của mình. Tham thiền là muốn hiện cái biết của Phật tánh thì phải diệt cái biết của bộ óc. Người ta nói “nếu dẹp cái biết bộ óc làm sao để làm việc?”. Cũng làm việc bình thường.

Như nữ Cư sĩ Hằng Thiền là thợ may, khi tham thiền bộ óc không biết, cô cũng cắt xong cái áo vậy, cho đến người em hỏi mấy phân mấy tấc? Cô trả lời không biết. Vô lý! Không biết làm sao cắt? Nhưng sự thật người ta lại may, cô đo thước tấc ghi vào sổ, bắt đầu cắt thì khởi lên nghi tình nhưng cô vẫn cắt xong cái áo, khỏi cần qua bộ óc; tức là dùng cái biết của Phật tánh để làm việc.

Chứng tỏ bộ óc không biết vẫn làm xong công việc, mà lại làm tốt hơn nữa. Như các kiểu quần áo mới phát minh, người khác cắt không được hay cắt được rất khó; còn đem lại cô khỏi cần nghiên cứu, chỉ coi liền cắt vì không cần phải qua bộ óc. Chứng tỏ bản năng của mình cùng khắp không gian thời gian, cái gì cũng làm được.

Con dơi không có mắt mà bay không đụng các vật, vì nó có ra đa; nhà khoa học học cái ra đa của con dơi rồi làm ra cái ra đa. Hôm trước, tôi coi đài số 50 có nhà khoa học thử cái ra đa con dơi rất hay, giở sách nó cũng biết, đếm tiền nó cũng biết, trong nhà người ta ca hát ồn ào không bị ảnh hưởng công việc nó chụp con muỗi. Con dơi không có học và không có nghiên cứu, vì tạo nghiệp con dơi thì con nào cũng đều có ra đa.

Con ong có kiến trúc học, con chim ăn cá ở trên hư không, cá lội dưới biển có sóng lớn, mà ở trên hư không chụp ngay con cá. Con nào cũng như con nấy, không phải học mà biết, bản năng nó sẵn có. Bản năng sẵn có là chỉ theo cái nghiệp một chút xíu, ở trong Phật tánh của mình hiện ra vô lượng vô biên, không có cái nào không làm được.

Tham thiền là phát hiện bản năng của mình đem ra dùng, không phải thành một vị thần linh. Tham thiền cứ hỏi thầm câu thoại đầu trong bụng cảm thấy không biết là tham được rồi. Con nít 6, 7 tuổi cũng thực hành được, bà già 8, 9 chục tuổi đều tham thiền được. Bởi vì việc thế gian muốn biết rất khó, việc không biết ai cũng làm được. Nhưng tin tự tâm rất khó, phải tin tự tâm là tất cả năng lực thần thông trí huệ bằng như Phật Thích Ca, không có kém hơn một chút.

Nếu tham thiền đến kiến tánh, dứt hết tập khí phiền não từ từ cái dụng hiện ra, cuối cùng bằng như Phật Thích Ca. Lúc đó không có cái gì không biết, không lúc nào mà không biết, chứ không phải cái biết của bộ óc có hạn chế và không chân thật.

Thiền sư Thích Duy Lực
----------------------------------
Chú thích:
(*) 5 câu thoại đầu:
1. Khi chưa có trời đất, ta là cái gì?
2. Muôn pháp về một, một về chỗ nào? 
3. Trước khi cha mẹ chưa sinh, mặt mũi bổn lai của ta ra sao?
4. Sinh từ đâu đến, chết đi về đâu? 
5. Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?

Các tin tức khác

Back to top