Đái tháo nhạt là gì?
Đái tháo nhạt là tình trạng bệnh lý mà người bệnh đái ra quá nhiều nước tiểu trong ngày. Nước tiểu bị hòa loãng đến tối đa, các chất khác chỉ ở dạng vết và hầu như không có muối.
Đái tháo nhạt là do rối loạn quá trình tạo ra nước tiểu của cơ thể, nguyên nhân gây bệnh chính là do rối loạn quá trình tạo ra hormon ADH, hay rối loạn tiếp nhận hormon này của cơ thể. Bình thường, thận liên tục lọc máu, nước tiểu liên tục được tạo ra. Nhưng trước khi ra ngoài, nước tiểu được lọc đi lọc lại nhiều lần, thải ra rồi hấp thu vào để điều chỉnh nồng độ các chất trong máu. Và lượng nước tiểu được tạo ra chỉ dừng lại ở 1-1,5 lít/ngày. Điều khiển quá trình này là do ADH. Khi sự tương tác của ADH bị mất hay giảm thì thận không còn khả năng hấp thu lại nước tiểu, gây ra đái tháo nhạt.
Các nguyên nhân gây ra bệnh có thể là do yếu tố thần kinh hay do thận. Ở những trường hợp do thần kinh, tuyến yên bị tổn thương, gây ra thiếu hụt ADH để sử dụng. Nguyên nhân làm tổn thương tuyến yên thường là chấn thương sọ não, viêm não, nghiện rượu, uống quá nhiều thuốc chống trầm cảm, hoặc thuốc chống động kinh. Những trường hợp do yếu tố thận, ống thận giảm hay mất khả năng tiếp nhận ADH nên ADH không thực hiện được chức năng. Các nguyên nhân cơ bản trong trường hợp này là uống quá nhiều thuốc chống trầm cảm; viêm thận; u di căn. Ngoài ra còn trường hợp khác có thể gặp là ở phụ nữ có thai (nhưng rất hiếm).
Nguy cơ
Chớ lầm tưởng rằng ở đái tháo nhạt thì các biến chứng cũng "nhạt" hơn đái tháo đường. Hiện tượng đi tiểu ra quá nhiều nước gây ra rối loạn cân bằng nước và điện giải. Người bệnh vô cùng mệt mỏi, trương lực cơ yếu, thần kinh ở tình trạng chậm chạp. Ở mức độ nặng, đái tháo nhạt gây ra rối loạn huyết động, tụt huyết áp, người bệnh có thể hôn mê và tử vong.
Ngay như tên gọi, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh đái tháo nhạt là người bệnh đi tiểu nhiều, liên tục, đi tăng số lần đến mức bất tiện trong sinh hoạt. Lượng nước tiểu nhiều vượt mức bình thường những 10-15 lần. Một dấu hiệu đặc trưng là nước tiểu của người bị đái tháo nhạt không bao giờ có kiến bâu, khác hoàn toàn đái tháo đường. Dấu hiệu thứ hai là hiện tượng khát. Người bệnh rất khát nước, lúc nào cũng muốn uống. Do đi tiểu ra quá nhiều nước mà người bệnh luôn muốn uống nước, đó là hiện tượng bù trừ của cơ thể.
Bệnh đái tháo nhạt cần phải được điều trị triệt để để trả lại chu kỳ sinh hoạt cho bệnh nhân. Việc cần thiết là loại trừ nguyên nhân gây ra nó. Nếu là do u tuyến yên thì cần phẫu thuật cắt u. Nếu do thuốc thì cần giảm liều hoặc ngừng thuốc. Trong một vài trường hợp do thận thì người bệnh có thể phải ăn nhạt để giảm số lượng nước tiểu thải ra…
Điều cần lưu ý trong quá trình điều trị là uống đủ nước để bù lại cân bằng muối, nước, bù lại thể tích máu lưu thông và duy trì huyết áp ổn định. Người bệnh nên mang theo nước bên mình để uống bất cứ lúc nào.
Theo Thanh Niên
Các tin tức khác
- Bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường? (30/08/2013 2:31)
- Lợi ích tuyệt diệu của trà xanh (27/08/2013 9:02)
- 10 bài học sức khỏe (26/08/2013 5:20)
- Làm gì để tránh đau nửa đầu? (25/08/2013 5:17)
- Những món chay dễ chế biến cho ngày rằm tháng 7 (22/08/2013 1:31)
- 4 động tác đơn giản phòng chống đột quỵ (21/08/2013 2:26)
- Cách phòng chuột rút (21/08/2013 2:25)
- 10 đối tượng không nên ăn ớt (19/08/2013 5:40)
- Cần biết về muối ăn (18/08/2013 1:27)
- Phương thuốc hay từ cải bẹ xanh (16/08/2013 2:45)