Bạn đã bảo quản rau củ quả đúng cách chưa?

23/09/2020 7:44
Theo thống kê, người dân Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia tiêu thụ rau củ quả ở mức cao. Tuy nhiên, lượng rau củ quả bị hoang phí, hư hỏng do không được bảo quản tốt cũng đáng kể - kết quả khảo sát đăng gần đây trên tạp chí Plos One.
Từ đó, các chuyên gia gợi ý cách bảo quản một số thực phẩm tươi để sử dụng trong dài ngày hơn, hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm, như sau:

1. Bảo quản dưa leo

Các loại quả như cà chua, chuối và dưa hấu sản sinh ra khí ethylene - để trái chín nhanh và cũng làm quả mau bị hỏng. Dưa leo cực kỳ “nhạy cảm” với khí ethylene nên cần phải bảo quản riêng; nếu bảo quản chung các loại quả trên, dưa leo sẽ rất mau hỏng.

Cách tốt nhất để dưa leo tươi lâu là bảo quản bên ngoài, chứ không phải trong ngăn mát của tủ lạnh - theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bạn cũng có thể giữ dưa leo trong tủ lạnh vài ngày. 

2. Các loại thảo dược, rau thơm

Nếu muốn cắt giảm lượng muối trong bữa ăn, bạn có thể tăng cường mùi vị cho món ăn bằng các loại thảo dược. Bảo quản thảo dược tươi, rau thơm các loại cũng giống như bảo quản hoa tươi sau khi cắt bỏ rễ. Trước nhất, cần chắc chắn lá của các loại thảo dược, rau thơm hoàn toàn khô ráo; sau đó cắm phần gốc hay thân vào cốc hoặc chai nước. 

Khi phần nước trở nên đục, bạn đổ bỏ và cho nước mới vào. Nếu thảo dược hay rau thơm còn rễ, bạn có thể giữ tươi lâu đến 2 tuần bằng cách này.

3. Các loại thân củ

Các loại thực vật thuộc nhóm thân củ như cà-rốt, củ cải trắng, khoai mỡ, củ cải đường và củ hành nên bảo quản ở nơi mát mẻ, ít ánh sáng. 

Ngoài ra, bạn có thể cho các loại rau củ này vào túi nhựa hoặc gói trong giấy rồi đặt vào ngăn chứa rau củ của tủ lạnh. Trữ các loại này sau khi gọt, cắt sẽ làm chúng nhanh chóng mềm xốp và hư hỏng.


Đặt quả bơ gân chuối sẽ giúp bơ chín nhanh hơn

4. Giấm giúp dâu tây tươi lâu hơn

Dâu tây là loại quả dễ bị tấy và nổi mốc nếu không được bảo quản đúng cách. Tốt nhất bạn chỉ nên rửa sạch dâu ngay trước khi ăn để dâu không bị nhanh hỏng. 

Tuy nhiên, có thể giữ dâu tươi lâu hơn và giảm sự phát sinh nấm mốc bằng cách rửa dâu tây trong dung dịch nước giấm loãng với 3 phần nước 1 phần giấm. Cho dung dịch nước rửa ngập dâu; sau đó vớt và rửa nhẹ rồi để ráo. Lưu ý dâu không ưa ẩm ướt nên bạn cần làm khô dâu nhanh chóng và nhẹ nhàng bằng khăn giấy khô, hút nước.

5. Bảo quản cam và táo

Bạn không nên bảo quản cam vào táo cùng một nơi. Trong tủ lạnh, cam cần được bảo quản cách xa táo. Bạn có thể trữ cam trong một túi lưới để có không khí lưu thông trong đó. Đặc biệt, không nên bảo quản cam trong túi nilon kín hơi vì sẽ khiến cam dễ úng, lên mốc.

6. Chuối cần được bảo quản riêng

Khi treo chuối trên 1 cái móc và bảo quản bên ngoài, chuối sẽ chín cùng một lúc và chúng ta sẽ không thể dùng kịp. Bạn có thể cắt nải chuối ra thành vài phần; giữ một ít trong rổ trái cây nhà bếp, một số khác cho vào tủ lạnh để làm chuối chín chậm lại. 

7. Hành củ và khoai tây

Không đặt hành củ các loại và khoai tây gần nhau vì hành củ làm khoai tây nhanh hỏng hơn. Cũng như bí đỏ, khoai tây được bảo quản tốt nhất khi cho vào rổ, đặt ở nơi thoáng mát, ít ánh sáng. Bạn cũng có thể cho khoai tây vào túi giấy nhưng lưu ý không để phát sinh ẩm độ và nhiệt độ khiến khoai tây thối, hỏng. 

Củ hành và tỏi có thể đặt gần và bảo quản cùng nhau, ở nơi thông thoáng; để nguyên vỏ cho đến khi sử dụng giúp hành, tỏi tươi lâu hơn. 

8. Chuối giúp bơ chín nhanh hơn

Nếu bơ mua về lâu chín, bạn có thể đặt các quả bơ gần chuối đang chín. Khí thoát ra từ chuối sẽ giúp bơ chín nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu bơ chín và bạn không ăn kịp thì có thể cho vào tủ lạnh, làm bơ chín chậm hơn. 

9. Cà chua

Các chuyên gia khuyên không nên bảo quản cà chua trong tủ lạnh vì sẽ làm cà chua nhũng đi, không còn thơm ngon như ban đầu. Tốt nhất nên đặt cà chua bên ngoài, với nhiệt độ phòng bình thường để giữ hương vị tươi ngon - theo Viện Dinh dưỡng & Chế độ ăn Hoa Kỳ.

Huệ Trần
(theo Reader’s Digest)

Các tin tức khác

Back to top