Có bệnh thì mới phải đến bệnh viện. Nhưng oái ăm thay, có nhiều trường hợp, khi đến bệnh viện để điều trị căn bệnh này thì lại vô tình bị lây nhiễm một căn bệnh khác. Trong tình trạng quá tải triền miên ở các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện lại càng trầm trọng hơn.
Mỗi lần con trai 4 tuổi có dấu hiệu ho, sổ mũi, anh Hồ Văn Quang, quận Gò Vấp lập tức đưa con đi khám bệnh ở phòng mạch tư để con mau hết bệnh. Bởi nếu để bệnh nặng, con phải nhập viện điều trị thì anh lại càng không yên tâm. Không phải anh e ngại khả năng điều trị của bác sĩ mà là lo lắng con bị lây nhiễm trong bệnh viện. Lúc trước, con trai của anh bị tiêu chảy cấp phải nằm viện và sau đó lại mất thêm một tuần nằm viện nữa để theo dõi viêm phổi, mà nguyên nhân là do bị lây nhiễm tại bệnh viện.
Tại hai bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, sự quá tải ở khu vực khám và điều trị nội trú luôn khiến các bậc phụ huynh hết sức e dè khi đưa con đến bệnh viện. Tình trạng đông người ở bệnh viện dẫn đến việc lây lan các virus gây các bệnh như viêm phổi, sởi, tay chân miệng, cúm, tiêu chảy… Điều đáng ngại nhất chính là việc nhiễm các loại vi khuẩn trong bệnh viện. Và đa phần đây là các loại vi khuẩn đã kháng thuốc. Trong số các loại vi khuẩn kháng thuốc thì vi khuẩn Aceinetobacter được xem là mối nguy cơ cao vì chiếm số lượng lớn và kháng lại hầu hết các loại kháng sinh. Khi bị nhiễm vi khuẩn này sẽ dẫn đến tình trạng viêm phổi, phải điều trị bằng rất nhiều loại kháng sinh.
Bác sĩ Trần Anh, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi đồng 2 nói: “Hiện tại đáng ngại nhất là vi khuẩn Aceinetobacter. Đây là vi khuẩn kháng với đa số các loại kháng sinh, chỉ còn lại 1-2 loại kháng sinh để điều trị bệnh. Nếu kéo dài thì những loại kháng sinh bị kháng hoàn toàn sẽ khiến việc điều trị vô cùng khó khăn”.
Ngoài tình trạng viêm phổi thì việc nhiễm một số loại vi khuẩn tại bệnh viện như phế cầu khuẩn, E. coli hay vi khuẩn Klebsiella gây ra tình trạng nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng máu và nặng hơn là nhiễm trùng não, màng não. Đây là những vi khuẩn thường tồn tại ở những bệnh viện chuyên về cấp cứu chuyên khoa sản, nhi. Tuy nhiên, những loại vi khuẩn kháng thuốc chỉ thường tập trung ở một số khu vực và chỉ một số bệnh nhân đặc thù mới dễ bị nhiễm khuẩn. Nơi tồn tại nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện nhất đó là phòng hồi sức cấp cứu là nơi các bác sĩ sử dụng nhiều loại kháng sinh bậc cao để cấp cứu cho bệnh nhân. Và những đối tượng dễ nhiễm khuẩn nhất là những bệnh nhân bị can thiệp xâm lấn vào cơ thể như phải đặt ống thở để thở máy, đặt ống thông tĩnh mạch, đặt ống tiểu để thông tiểu. Những người phải nằm điều trị lâu dài cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đặc điểm ở bệnh viện này là có những bệnh nhân nằm lâu như uốn ván hay viêm não phải mở khí quản để thở máy. Thở máy lâu ngày là yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm phổi bệnh viện.”
Có thể nói, hiện nay các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh đang phải sống chung với tình trạng nhiễm khuẩn với tỷ lệ trung bình khoảng 1-2%, tức là trong 100 bệnh nhân thì có khoảng 1 đến 2 người bị nhiễm khuẩn. Đáng chú ý trong năm qua, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại bệnh viện Nhi đồng 2 khá cao, lên đến 3,4% trong khi tại bệnh viện Từ Dũ chỉ có 0,5%, tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới là 0,4%. Việc sống chung với tình trạng nhiễm khuẩn một phần vì các bệnh viện chưa thể giải quyết được tình trạng quá tải, nhưng một phần là do nhân viên y tế chưa ý thức cao và thực hiện đúng quy trình chăm sóc bệnh nhân, nhất là việc rửa tay trước và sau khi chăm sóc người bệnh.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ cho rằng: “Nhiễm trùng bệnh viện đã trở thành một trong những mục tiêu trong điều trị. Nó quyết định sự thành công hay không thành công của việc điều trị. Dù chúng ta điều trị giỏi cách mấy, được chăm sóc tốt cỡ nào nhưng nếu để xảy ra nhiễm trùng thì hậu quả gần như trở lại ban đầu.”
Vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện đã được Bộ Y tế rất quan tâm khi yêu cầu mỗi bệnh viện đều phải thành lập hẳn một khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Tuy vậy, để có thể giảm bớt việc nhiễm khuẩn bệnh viện, cần phải có nhiều giải pháp tổng thể, như: xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống xử lý chất thải và kể cả nâng cao ý thức cho tất cả nhân viên y tế lẫn người nhà hay bệnh nhân.
Về vấn đề này, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Bệnh viện nào có cơ sở hạ tầng tệ quá thì vi khuẩn cứ nằm mãi ở đó, nhân viên y tế có làm tốt cách mấy cũng sẽ lây cho bệnh nhân. Một phần là ở nhân viên y tế, nhưng một phần bệnh viện cũng phải xây dựng một môi trường cho trong sạch”.
Đặc tính kháng thuốc của đa số các loại vi khuẩn tồn tại trong môi trường bệnh viện khiến cho việc điều trị cho những bệnh nhân chẳng may nhiễm các loại vi khuẩn trong bệnh viện trở nên khó khăn và kéo dài hơn, tốn thời gian và chi phí điều trị, thậm chí có trường hợp nguy kịch đến tính mạng. Chính vì vậy, bản thân người bệnh và người nhà phải tự mình bảo vệ bản thân tránh khỏi việc nhiễm khuẩn trước khi hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện hoạt động hiệu quả hơn.
Theo SKĐS
Các tin tức khác
- Cách ăn uống không ảnh hưởng đến sức khỏe (26/12/2014 10:56)
- Cách thông minh thanh lọc các bộ phận trong cơ thể (24/12/2014 10:01)
- Đông y trị ho (23/12/2014 12:09)
- 3 thói quen không ngờ gây nên bệnh ung thư (21/12/2014 2:50)
- Những triệu chứng cần lưu ý cho người cao tuổi (19/12/2014 6:03)
- Những cách chữa ho hiệu quả vào mùa đông (18/12/2014 2:02)
- 7 tác dụng chữa bệnh "thần kỳ" của vỏ chanh (16/12/2014 5:35)
- Mí mắt giật có phải do xui? (16/12/2014 12:00)
- Bệnh tiêu hóa và các loại củ (15/12/2014 2:04)
- 9 lưu ý để giảm nguy cơ ung thư (13/12/2014 2:03)