Không dùng kháng sinh đúng theo chỉ định, ngưng dùng thuốc kháng sinh nửa chừng, tự ý mua kháng sinh là thói quen xấu ở nhiều người.
Không phải hễ bị bệnh là dùng ngay kháng sinh
Tất cả những bệnh không phải là bệnh nhiễm khuẩn đều không được dùng kháng sinh. Như mới bị cảm cúm vội vàng uống kháng sinh là rất sai, vì cảm cúm thường do siêu vi gây ra và đa số kháng sinh không có tác dụng với siêu vi. Có một số kháng sinh (không phải tất cả) chống chỉ định, tức là không được dùng ở: phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ con, người suy gan, suy thận. Đây là các đối tượng đặc biệt phải để bác sĩ khám bệnh và chỉ định kháng sinh khi cần thiết và kháng sinh được lựa chọn thật phù hợp. Sử dụng kháng sinh bừa bãi ở các đối tượng này có khi là rất nguy hiểm. Cũng cần lưu ý một số người có thể trạng dễ bị dị ứng (thường gọi là quá mẫn cảm) có thể không dùng được một số kháng sinh. Bác sĩ nhiều khi phải cho thử test kháng sinh trước khi cho bệnh nhân được tiêm kháng sinh dễ gây dị ứng (như penicillin) để việc dùng kháng sinh thật an toàn.
Ở nước ta, mua thuốc kháng sinh thoải mái ở các nhà thuốc
Nên dành quyền chỉ định kháng sinh cho thầy thuốc
Kháng sinh là thuốc điều trị nhiễm trùng hiệu quả nếu nhiễm trùng đó do vi khuẩn gây ra, chứ đa phần không trị được nhiễm trùng do virút (siêu vi) hoặc do ký sinh trùng. Thế nên, một trong các loại thuốc hay bị sử dụng tùy tiện nhất là kháng sinh rất cần được người dùng có sự hiểu biết cơ bản để phát huy hiệu quả cao nhất và hạn chế tình trạng bị tai biến do dùng kháng sinh và bị đề kháng kháng sinh (lờn thuốc kháng sinh). Chính việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách không đủ liều sẽ làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, một số khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gen trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với kháng sinh, số này tồn tại, phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng đối với chủng này nữa.
Nhiều bệnh lý như: viêm xoang, viêm đường hô hấp, viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng da…, hầu hết là các tình trạng nhiễm khuẩn, người bệnh có thể cần tới kháng sinh để điều trị. Nhưng dùng loại nào và liều lượng ra sao, chỉ có bác sĩ mới chỉ định đúng được. Đáng tiếc là rất nhiều người sử dụng kháng sinh bừa bãi, vừa không khỏi bệnh mà lại gây đề kháng kháng sinh, khiến kháng sinh đó không còn tác dụng điều trị cho mình nữa. Đây là một điều rất bất lợi cho người bệnh. Thử tượng tượng sẽ phải khổ sở thế nào nếu bạn nhiễm loại vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh thông dụng hiện nay.
Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ có thể mua kháng sinh ở nhà thuốc khi có đơn thuốc của bác sĩ, trong khi ở nước ta mua thuốc kháng sinh còn thoải mái ở các nhà thuốc. Hiện nay còn có vấn đề tự dùng thuốc, trong đó có kháng sinh qua thông tin trên mạng internet. Như nhiều người lo lắng về sức khỏe của mình là cứ vào mạng để tìm bệnh, thấy trường hợp nào giống như các triệu chứng mình có là cứ y như đơn thuốc trên mạng mua về sử dụng, không cần đến bác sĩ. Nguy hiểm hơn là nhiều người tự tìm mua các loại kháng sinh loại mới nhất là các thuốc fluoroquinolon thế hệ thứ 3 như moxifloxacin chẳng hạn, hoặc cephalosporin thế hệ thứ 3, thứ 4 theo “mách nước” của bạn bè chỉ để trị những bệnh thông thường. Trong khi việc dùng không đúng thuốc có thể khiến bệnh trầm trọng hơn và tăng nguy cơ kháng thuốc. Đó là chưa kể tới những trường hợp dùng không đúng loại kháng sinh cho trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, sẽ dẫn tới nhiều mối nguy cho sức khỏe.
Nên tuân thủ một số nguyên tắc
1.Không nên ngưng sử dụng kháng sinh nửa chừng hoặc kéo dài thời gian sử dụng. Khi thấy bệnh giảm, nhiều người ngưng thuốc ngay vì nghĩ rằng uống thuốc nhiều không tốt. Thật ra, nếu uống đúng theo toa của bác sĩ thì số lượng thuốc đó là đủ và cần thiết. Thông thường, đủ liều cho một đợt kháng sinh phải kéo dài khoảng 7 - 10 ngày, thậm chí có thể kéo dài hơn, tùy từng loại bệnh và sự tiến triển của bệnh. Nếu dùng không đủ liều, đủ thời gian, vi khuẩn không bị tiêu diệt hết sẽ trỗi dậy và phát triển thành chủng vi khuẩn đề kháng mà kháng sinh cũ không còn tác dụng nữa.
2. Không mách cho người khác dùng kháng sinh khi thấy bệnh của họ giống bệnh của mình. Bởi vì triệu chứng bệnh có vẻ giống nhưng nguyên nhân bệnh có thể khác. Thêm vào đó, một kháng sinh thích hợp với người này chưa chắc hiệu quả với người khác, thậm chí có thể gây tai biến.
3. Không nên dùng kháng sinh còn thừa trong tủ lâu ngày. Bởi vì có thể thuốc đã quá hạn. Nhiều kháng sinh quá hạn có độc tính rất cao. Chẳng hạn như tetracyclin quá hạn rất độc cho thận.
4. Không nên dùng lại đơn thuốc cũ có chỉ định kháng sinh của chính mình khi đã khỏi bệnh một thời gian và bị bệnh trở lại. Bởi vì một toa thuốc chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong một điều kiện nhất định mà thôi. Khi bệnh tái phát có thể không còn ở tình trạng cũ mà đã diễn tiến phức tạp và nặng thêm, khi đó đơn thuốc cũ không còn thích hợp nữa.
Thuốc, trong đó có kháng sinh, rõ ràng là con dao hai lưỡi, khéo dùng thì lợi, còn sơ sẩy sẽ gây họa. Việc tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, đôi khi như nắm dao đằng lưỡi vậy.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Các tin tức khác
- Ăn chay có liên quan đến thực hành tâm linh (23/02/2017 12:43)
- Ăn chay đúng cách có lợi cho sức khỏe (22/02/2017 1:11)
- Dấu hiệu cơ thể thiếu canxi (21/02/2017 12:53)
- Mẹo giúp bóc vỏ khoai tây siêu nhanh (20/02/2017 1:14)
- Tác dụng ít biết từ quả mơ (19/02/2017 2:02)
- Thái độ thù nghịch làm hại tim mạch (18/02/2017 2:06)
- Một số lời khuyên khi sử dụng bạch trà (16/02/2017 1:12)
- Ăn chay & sức khỏe (15/02/2017 1:29)
- Mì ăn liền không tốt cho tim mạch (14/02/2017 2:04)
- Từ từ và đều đều... (13/02/2017 1:33)