Làm gì để ngăn ngừa cảm lạnh và cảm cúm?

11/06/2018 1:05
Thời tiết thay đổi, làm việc quá sức, sức đề kháng kém làm bạn dễ dàng bị cảm lạnh và cảm cúm.

Tuy nhiên, có thể giảm thiểu khả năng bị cảm lạnh và cảm cúm bằng một số cách đơn giản bất ngờ sau: 

1 - Đi bộ

Nghiên cứu tiến hành trên người nữ sau mãn kinh nếu thường xuyên đi bộ, như phương thức thể dục với cường độ vừa phải, khoảng 45 phút mỗi lần, 5 lần trong tuần thì giảm được 3 lần nguy cơ bị cảm lạnh so với người nữ không đi bộ.

Vận động, thể dục với cường độ nhẹ từ 30-60 phút mỗi ngày có thể giúp thúc đẩy sản xuất tế bào bạch cầu, tăng cường đề kháng cho cơ thể, các chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, vận động mạnh như chạy marathon lại có thể làm yếu hệ đề kháng và tăng nguy cơ mắc bệnh.

2 - Không cắn móng tay

Cắn móng tay là cách đưa vi khuẩn từ tay vào trong miệng. Cắn móng tay là thói quen khó bỏ nhưng bạn nên giảm bớt tần suất cắn móng tay và đưa tay cào vùng mặt, mũi để giảm nguy cơ mắc bệnh cho mình.

3 - Ngủ nghỉ đầy đủ

Ngủ ít hơn 7 tiếng đồng hồ mỗi đêm sẽ làm bạn trở nên nhạy cảm hơn với bệnh tật, nhất là cảm, cúm - theo Tổ chức Giấc ngủ Hoa Kỳ. 

Giấc ngủ quan trọng với sức khỏe tổng thể của chúng ta. Ngủ đủ và chất lượng giấc ngủ tốt là cách làm tăng đề kháng cho cơ thể, chống lại các viêm nhiễm trong cơ thể. 

Các nghiên cứu đã khẳng định rằng, cơ thể không thể sản xuất ra nhiều tế bào và protein miễn dịch nếu bị mất ngủ và giấc ngủ kém chất lượng.

4 - Hãy ăn tỏi

Ăn tỏi sẽ giúp rút ngắn thời gian bị cảm, cúm. Các hợp chất trong tỏi thúc đẩy phản hồi của tế bào bạch cầu trong cơ thể để chống chọi với virus. 

5 - Sử dụng probiotic

Có khoảng 80% hệ miễn dịch nằm trong đường ruột, vì thế các lợi khuẩn khỏe mạnh giúp tăng cường sức đề kháng, làm tăng khả năng đánh bại các viêm nhiễm và bệnh tật thông thường. 

Nên sử dụng các probiotic cung cấp các dòng lợi khuẩn hỗ trợ khả năng miễn dịch. 

6 - Bổ sung chất xơ

Ngoài probiotic, chất xơ cũng giúp ích cho đường ruột, làm tăng đề kháng cho cơ thể. 30 g chất xơ mỗi ngày là mức cần thiết cho cơ thể. 

7 - Ăn nhiều trái cây và rau củ

Các loại trái cây và rau củ sáng màu chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp cho đề kháng cơ thể khỏe mạnh. Người tham gia nghiên cứu hấp thu các flavonoid, các thành phần có mặt trong rau củ quả như dâu tây và táo - là những chất chống oxy hóa mạnh, giảm được 33% nguy cơ cảm lạnh. 

Các chất chống oxy hóa như vitamin C giúp thời gian hồi phục bệnh nhanh hơn. 

8 - Hãy vui vẻ, lạc quan

Hãy nhìn vào những mặt sáng của cuộc sống. Stress có tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch, theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. 

Stress làm tăng mức hormone cortisol, luôn đặt chúng ta vào trạng thái cảnh giác cao độ nên có thể gây rối loạn nhịp tim và huyết áp dao động, làm giảm chức năng đề kháng của cơ thể. Khi đó, cơ thể dễ bị vi khuẩn và virus tấn công dẫn đến dễ dàng mắc bệnh.

Huệ Trần 
(theo Reader’s Digest)

 

Các tin tức khác

Back to top