Cái nhìn vô tướng

21/09/2013 1:54
Quán chiếu thì ta thấy ta đã khác hơn nhiều so với ta lúc 5 tuổi. Nhưng trong đầu ta vẫn cứ nghĩ là một, ta bị vướng vào ý niệm đồng nhất, có một cái ngã thường tại nên mới có vấn đề.

Nhìn cho kỹ một chút, ta thấy là Đức Thế Tôn còn chứ không phải không còn. Ta có thể sờ mó được Đức Thế Tôn, Ngài còn nhưng không phải còn dưới hình thái cũ. Chính ta đây, ta cũng không còn dưới hình thái của ta lúc 5 tuổi. Nhìn tuyết, ta thấy tuyết rất khác với mây nhưng nó chính thật là mây. Nhìn với cái nhìn vô tướng thì ta sẽ thấy được Đức Thế Tôn rất dễ.

Bác Anh Việt, người đã làm những bài nhạc kinh, bây giờ chúng ta không thấy bác bằng xương bằng thịt nữa. Nhưng mỗi ngày chúng ta vẫn thấy được bác. Khi lên tụng bài “Tào khê một dòng biếc” thì ta thấy rõ ràng là bác Anh Việt vẫn còn. Đó là nhạc Anh Việt còn trong bài hát, còn trong chúng ta và còn trong nhiều cái khác nữa.

Bây giờ nhìn vào các giáo đoàn đang hoạt động, nhìn vào chính bản thân mình là một vị xuất gia hay một vị cư sĩ, ta thấy ta là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn. Ta là tuyết, là sự tiếp nối của mây. Ta tiếp xúc được với sự liên tục của Đức Thế Tôn rất dễ dàng. Vì vậy câu hỏi ”Đức Thế Tôn còn hay không còn?” không đáng được đặt ra. Đức Thế Tôn còn nhưng không còn theo hình thức của một cái ngã. Nói Đức Thế Tôn không còn cũng đúng một phần, tại vì Ngài không còn dưới hình thức cũ, nhưng không phải là không còn gì cả.

Ta thấy rõ ràng rằng Đức Thế Tôn tiếp tục sự nghiệp của Ngài. Đạo Bụt đi tới đâu thì giúp cho xã hội ở đó có nhân tính hơn, ít bạo động hơn. Ở Việt Nam, nếu không có đạo Bụt thì ta không có được thời đại Lý, Trần. Lý, Trần là hai triều đại rất từ bi. Trước đó có nhiều bạo động, người ta chém giết nhau và có nhiều hình phạt như bỏ vào vạc dầu sôi, cho voi dày ngựa xé. Sau khi đạo Bụt giáo hóa được dân tộc thì những hình phạt đó không còn nữa. Đức từ bi thấm nhuần vào người làm chính trị cũng như vào trong dân chúng. Ở Tây Tạng, Trung Quốc hay Miến Điện, nhờ có đạo Phật đi vào mà rất nhiều bạo động được chuyển hóa. Đọc lịch sử của các quốc gia Á Đông theo đạo Phật, ta thấy nhờ sự giáo hóa của đạo Phật mà mức độ của sự bạo động giảm đi rất nhiều. Đó là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn, ta phải thấy Siddharta ở nơi đó. Ta đừng đi tìm Siddharta như là một người thuộc dòng họ đó, có màu da đó, có giọng nói đó, ngôn ngữ đó, cũng như ta đừng đi tìm đám mây dưới hình thức đó, màu sắc đó. Uống một tách trà ta phải thấy đám mây trong đó.

Đặt câu hỏi và tìm những câu trả lời cho “có hay không” mất rất nhiều thì giờ. Ta biết không có gì sinh cũng không có gì diệt. Ý niệm sinh là sai mà ý niệm diệt cũng là sai, vậy tại sao ta phải hỏi “còn hay không còn”? Ta đã công nhận đám mây là không sinh không diệt thì tại sao ta phải hỏi đám mây còn hay không còn. Đã công nhận bản chất của thực tại là không sinh không diệt thì tại sao ta lại phải đặt câu hỏi “còn hay không còn”, tại vì “còn và không còn” là một hình thức khác của “sinh và diệt”. Thấy được tính không sinh không diệt thì tất cả những lo âu, sợ hãi của mình không còn nữa và ta có tự do lớn.

 

Sư ông Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top